Tù mù nợ của các tập đoàn kinh tế
Những số liệu tiết lộ gần đây cho thấy một số tập đoàn kinh tế nhà nước đã từng ở trong tình trạng tài chính nguy hiểm do kinh doanh thua lỗ triền miên và đầu tư kém hiệu quả.
Điển hình nhất trong số các tập đoàn kinh tế rơi vào tình trạng trên, ngoại trừ Vinashin, là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với nợ phải trả/nguồn vốn chủ sở hữu là 4,22 lần tính đến cuối năm 2010, theo Kiểm toán Nhà nước.
Tỷ lệ nợ phải trả/ nguồn vốn chủ sở hữu ở các doanh nghiệp nhà nước được cho là nguy hiểm khi vượt quá 3 lần, theo Nghị định số 09 của Chính phủ ban hành 05/02/2009.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước khẳng định: “Tình hình tài chính của EVN khó khăn, không đảm bảo độ an toàn”. Trong khi đó, một số tập đoàn kinh tế khác đã thậm chí đã từng vượt xa ngưỡng được cho là an toàn này.
Theo báo cáo tháng 12 vừa qua của Bộ Tài chính, có 30 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó, có 7 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ này trên 10 lần, có 9 tổng công ty từ 5-10 lần, có 14 tổng công ty từ 3-5 lần.
Tính đến cuối năm 2010, tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty lên tới 1.088.290 tỉ đồng (khoảng 52 tỉ đô la Mỹ), lớn hơn 1,67 lần so với tổng vốn chủ sở hữu là 653.166 tỉ đồng, theo Bộ Tài chính.
Bộ này cho biết, lỗ lũy kế của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lên đến 26 ngàn tỉ đồng tính đến cuối năm ngoái. Báo cáo của Bộ Tài chính không nêu đích danh các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đang ở mức báo động này.
Tuy nhiên, báo cáo đề cập đến tên “đang thua lỗ” như EVN, Vinalines, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp, Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty Chè.
Phó trưởng ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn nói với TBKTSG Online: “Nhìn chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ”. Vẫn theo Ban chỉ đạo, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của EVN trong năm 2009 là 2,69 lần.
Tiến sĩ Võ Trí Thành của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nói: “Hãy nhìn tỷ lệ của EVN là vẫn an toàn năm 2009, vậy mà đã trở nên nghiêm trọng khi được kiểm toán chỉ một năm sau đó”. Ông Thành cho rằng Chính phủ cần cập nhật sớm các tỷ lệ này ở các tập đoàn kinh tế.
Theo Kiểm toán Nhà nước, tính đến cuối năm 2011, nợ phải trả của EVN lên đến 239.761 tỉ đồng (khoảng 11,5 tỉ đô la Mỹ), trong đó nợ ngắn hạn là 65.493 tỉ đồng (hơn 27%) và nợ dài hạn là 174.268 tỉ đồng (gần 73%).
Như vậy, theo cơ quan này, EVN hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng.
Tính đến cuối năm 2010, EVN còn nợ tiền mua điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là 4.014 tỉ đồng và nợ tiền mua điện của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là 855 tỉ đồng.
Đến thời điểm kiểm toán (30/6/2011) EVN còn nợ tiền mua điện của PVN là 8.861 tỉ đồng và nợ của TKV là 1.211 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang chiếm tới 60% tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong một hội thảo do báo Nhân Dân tổ chức gần đây cho biết, con số này chỉ là vỏn vẹn 16%.
Việc minh bạch số liệu của các tập đoàn kinh tế, vốn được xác định là đầu tàu kinh tế ở Việt Nam, luôn được đòi hỏi ở nhiều diễn đàn khác nhau, nhất là Quốc hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, các tập đoàn này phải công khai số liệu như các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, đòi hỏi này đến nay chẳng mấy kết quả.
Hiện tại, khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra 1,2 triệu việc làm, một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số dân 88 triệu ở Việt Nam.
Tư Hoàng
tbktsg



Xem bài viết: Tù mù nợ của các tập đoàn kinh tế