Năm 2011, vốn hóa thị trường mất hơn 10 tỷ USD

(Vietstock) – Trong năm 2011, mặc dù lượng cổ phiếu mới niêm yết không ngừng tăng lên, nhưng sự sụt giảm thê thảm về giá đã khiến vốn hóa toàn thị trường mất khoảng 220,000 tỷ đồng, tức đã giảm hơn 10 tỷ USD so với cuối năm 2010.
Mất 10 tỷ USD
Năm 2011 có thể được xem là năm tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam trong chặng đường 11 năm thành lập. HNX-Index rơi xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sự và là lọt vào top 3 chỉ số giảm mạnh nhất thế giới. VN-Index dù chưa rơi xuống mức đáy năm 2009, nhưng mặt bằng giá cổ phiếu đã giảm mạnh hơn bao giờ hết.
Mặt bằng giá cổ phiếu xuống thấp làm cho vốn hóa thị trường cũng giảm theo mặc dù quy mô niêm yết vẫn tăng đáng kể so với năm 2010.
Tại HOSE, vốn hóa thị trường tính đến hết năm 2011 chỉ còn 453,784 tỷ đồng, giảm 137,561 tỷ đồng, tương ứng với mức giảm 23.26% so với cuối năm 2010. Trong khi đó, số mã niêm yết đã tăng từ 280 lên 306 mã và số chứng khoán niêm yết cũng tăng từ 15.49 tỷ đơn vị lên 18.88 tỷ đơn vị.
Tính chung cả năm, sàn HOSE có thêm 30 doanh nghiệp niêm yết mới, trong đó tiêu biểu với lượng cổ phiếu niêm yết lớn như MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội với 730 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 7,300 tỷ đồng. MBB giao dịch phiên đầu tiên vào ngày 01/11/2011 với giá tham chiếu 13,800 đồng/cp, nhưng đến cuối năm 2011, giá của MBB rớt còn 10,800 đồng/cp.
Xếp sau MBB là CTCP Chứng khoán BIDV (BSI) với số lượng cổ phiếu niêm yết là 86.5 triệu đơn vị. BSI niêm yết lần đầu vào ngày 19/07/2011 với giá tham chiếu 10,300 đồng/cp, nhưng đến nay, giá của BSI cũng chỉ còn 6,300 đồng/cp.
Bên cạnh đó còn có CTCP Bảo hiểm BIDV (BIC) niêm yết 66 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 660 tỷ đồng và CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PGI) niêm yết gần 71 triệu cổ phiếu, tương đương số vốn 710 tỷ đồng. Hai cổ phiếu này đều chốt năm 2011 ở mức giá khá thấp là 6,000 đồng/cp và 6,500 đồng/cp.
Ngoài ra, CTCP Vinacafe Biên Hoà (VCF) chỉ niêm yết gần 26.6 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 266 tỷ đồng và giá tham chiếu 50,000 đồng/cp vào ngày 28/01/2011. Sau một năm niêm yết giá của VCF chốt tại mức giá 91,000 đồng/cp, tức tăng khoảng 82% giá trị. Trong năm qua, VCF còn nổi đình nổi đám với thương vụ Masan Consumer (MSF), công ty con của Tập đoàn Masan (MSN), thâu tóm công ty này với giá khủng 80,000 đồng/cp, tạo tiếng vang lớn trên thị trường mua bán sáp nhập (M&A).
Cũng trong năm HOSE ghi nhận 4 doanh nghiệp rời bỏ gồm Dược Viễn Đông (DVD), Descon (DCC) và Full Power (FPC) bị hủy niêm yết bắt buộc, và Vinpearl (VPL) hủy niêm yết để sáp nhập vào Vincom (VIC).
10 chứng khoán biến động mạnh nhất trong năm 2011 trên HOSE
Nguồn: VietstockFinance
Tại HNX, số mã niêm yết mới cũng tăng từ 366 lên 393 mã, tương ứng với đó là sự gia tăng về số lượng cổ phiếu niêm yết từ 6.2 tỷ đơn vị vào cuối năm 2010 lên 7.94 tỷ đơn vị tính đến hết năm 2011. Như vậy, quy mô thị trường đã tăng thêm gần 30%.
Và cũng tương tự như sàn HOSE, vốn hóa thị trường của sàn HNX tính theo mức giá bình quân đã giảm gần 36% trong năm 2011, tương đương với 45,660 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2011, vốn hóa tại HNX chỉ còn 81,889 tỷ đồng. Trong năm qua, sàn HNX đón nhận thêm 30 doanh nghiệp niêm yết mới và 3 doanh nghiệp hủy niêm yết. Hầu hết các doanh nghiệp mới đều có vốn điều lệ dưới 200 tỷ đồng, ngoại trừ một số doanh nghiệp như CTCP Vận tải Dầu khí Cửu Long (PCT) vốn 230 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Sài Gòn (PSG) vốn 350 tỷ đồng, hay CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) có vốn 450 tỷ đồng.
Riêng 3 doanh nghiệp rời sàn, chỉ có VTA của CTCP Vitaly bị hủy niêm yết do hoạt động kinh doanh lỗ trong 3 năm liên tiếp. Hiện cổ phiếu VTA đang giao dịch tại sàn UpCoM với mức giá đóng cửa năm 2011 là 1,400 đồng/cp. Hai doanh nghiệp còn lại là GHA của Hapaco Hải Âu và YSC của Hapaco Yên Sơn hủy niêm yết tự nguyện để sáp nhập vào Tập đoàn Hapaco (HAP) đang niêm yết tại sàn HOSE. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2011, giá cổ phiếu HAP sau khi sau sáp nhập cũng chỉ còn 3,300 đồng/cp, thấp nhất từ trước đến nay.
10 chứng khoán biến động mạnh nhất trong năm 2011 trên HNX
Nguồn: VietstockFinance
62% dưới mệnh giá
Về mức biến động giá, tính đến hết năm 2011, trên sàn HOSE, số cổ phiếu và chứng chỉ quỹ dưới mệnh giá có đến 162 mã, chiếm gần 53% trên tổng số 306 mã đang niêm yết. Trong số đó, 7 mã có mức giá chưa đến 2,000 đồng/cp, thậm chí như VKP chỉ còn 900 đồng/cp; 60 mã có mức giá từ 2,000 – dưới 5,000 đồng/cp, chiếm 20% toàn thị trường và 95 mã từ 5,000 – dưới 10,000 đồng/cp, chiếm tỷ lệ 31%.
Tỷ lệ cổ phiếu theo thị giá trên 2 sàn tại thời điểm 31/12/2011

VIC hiện có mức giá cao nhất là 99,500 đồng/cp, so với thời điểm đầu năm 2011, cổ phiếu tăng khoảng 7% giá trị, tuy nhiên so với mức giá cao nhất trong năm là 137 ngàn đồng thì VIC đã có mức giảm đáng kể. Tiếp sau VIC là các mã cũng có thị giá cao, gồm VCF (91,000 đồng/cp), MSN (90,500 đồng/cp), VNM (86,500 đồng/cp).
So với thời điểm cuối năm 2010, mức giá chứng khoán đã có sự sụt giảm rất lớn. Cụ thể, cuối năm 2010, số lượng chứng khoán dưới mệnh giá chỉ chiếm 13% toàn thị trường (280 mã), tương đương 36 mã, trong đó chỉ có 1 mã duy nhất có giá dưới 5,000 đồng/cp là MAFPF1 (4,600 đồng/cp). Bên cạnh đó là 96 mã đạt mức từ 10,000 – dưới 20,000 đồng/cp, chiếm 34%; số mã có mức giá từ 20,000 đến dưới 30,000 đồng/cp, chiếm 23% và từ 30,000 đồng/cp trở lên là 30%.
Tại sàn HNX, tính đến cuối năm 2011, số cổ phiếu dưới mệnh giá chiếm áp đảo với tổng cộng 269 mã, tương ứng 68% trên tổng số 393 mã đang niêm yết. Trong số này, gần ½ có mức giá dưới 5,000 đồng/cp, tương đương 120 mã. SME hiện là cổ phiếu có mức giá thấp nhất với 1,400 đồng/cp, tiếp sau là VIG (1,500 đồng/cp), CIC đứng thứ ba với 1,800 đồng/cp và APS với 1,900 đồng/cp.
Trong số các mã còn lại, có 109 mã đạt mức giá từ 10,000 - dưới 30,000 đồng/cp, chiếm tỷ lệ 28% và chỉ vỏn vẹn 4% các mã đang niêm yết có giá từ 30,000 đồng/cp, trong khi cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này là 15%, tương đương 56 mã.
Như vậy, tổng cộng trên cả hai sàn có đến 431 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ nằm dưới mệnh giá, chiếm 62% tổng số mã niêm yết. Còn lại 263 mã, tương đương 38% toàn thị trường, trải đều ở các mức giá từ 10,000 đồng/cp trở lên,
Viết Vinh



Xem bài viết: Năm 2011, vốn hóa thị trường mất hơn 10 tỷ USD