Tái cấu trúc “chính sách”
Gần đây các vấn đề liên quan đến tái cấu trúc đầu tư công, thị trường tài chính và doanh nghiệp nhà nước đã được bàn thảo khá nhiều. Các văn kiện của **** và Nhà nước từ lâu cũng đề cập ít nhiều các chủ đề này.
Vậy mà cho tới nay cả ba lĩnh vực tái cấu trúc này vẫn chưa thấy kết quả nhiều và trong tương lai thậm chí có thể thất bại nếu không có các tái cấu trúc chính sách tương ứng. Đây là vấn đề lớn, bài viết chỉ đề cập đến những vấn đề chính liên quan đến các điểm nóng trong năm 2011.
Lãi suất, tỷ giá và nợ công
Trước hết là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ tỷ giá tăng không quá 1% đến cuối năm. Câu hỏi đặt ra là NHNN có nên tuyên bố theo kiểu chắc như đinh đóng cột về một vấn đề nào đó trong chính sách tiền tệ? Nếu liên hệ với trường hợp của Mỹ, ngân hàng trung ương nước này cũng đã gây bất ngờ cho thị trường khi tuyên bố giữ mức lãi suất cực thấp cho đến giữa năm 2013. Nghiên cứu ba phản ứng từ các kinh tế gia hàng đầu thế giới có thể làm sáng tỏ nhiều điều về trường hợp của Việt Nam.
Quan điểm ủng hộ phương thức điều hành chính sách tiền tệ theo lịch trình cho rằng đây là một quyết sách sáng suốt. Nhiều nghiên cứu sau đó cũng đồng tình với điều hành chính sách theo lịch trình. Trong trường hợp niềm tin của thị trường đã xuống quá thấp và cần phải làm một điều gì đó thật đặc biệt chưa có tiền lệ thì một tuyên bố dứt khoát như thế là rất cần thiết để mang lại niềm tin cho người dân và thị trường. Người dân, doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn và do đó mạnh dạn vay tiền để thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất, giúp cho kinh tế hồi phục.
Ở chiều ngược lại, một số nhà kinh tế cho rằng chính sách tiền tệ cần phải linh hoạt theo tình trạng của nền kinh tế chứ không phải theo lịch trình định sẵn. Thiệt hại lớn nhất cần phải tính đến là liệu quyết định đó có tự hủy hoại chính các khả năng hoạch định chính sách trong tương lai. Chẳng hạn nếu sức ép tỷ giá tăng lên thì NHNN phải ứng xử như thế nào khi đã cam kết không thay đổi trước đó? Còn nếu tăng tỷ giá thì NHNN sẽ bị mất uy tín.
Quan điểm thứ ba trung hòa hơn khi cho rằng một ngân hàng trung ương vẫn có thể điều hành chính sách theo lịch trình nhưng cần phải thêm vào bộ công cụ mới trong chính sách tiền tệ là nghệ thuật công bố thông tin. Trong trường hợp này, ngân hàng trung ương cần phát đi những tín hiệu vì sao mình phải làm như thế và những điều kiện để tự thoát ra khỏi những cam kết trước đó nếu như có những thay đổi trong nền kinh tế.
Nếu liên hệ với cam kết tỷ giá tăng không quá 1% của NHNN, ta thấy có nhiều điều cần bàn. Nếu gọi là để tái lập lại niềm tin cho thị trường cũng không hẳn vì tỷ giá vào lúc thống đốc tuyên bố đã có dấu hiệu dịu đi rất nhiều so với trước. Hoặc thống đốc có tầm nhìn xa là tỷ giá có khả năng biến động khó lường nên mới tuyên bố trấn an trước đó từ rất lâu? Dù gì đi nữa, việc NHNN không khéo léo đưa ra những điều kiện để tự mình có thể thoát ra khỏi cam kết trước đó mới chính là điều đáng nói nhất.
Đối với chính sách tài khóa, với đặc thù ở Việt Nam, có lẽ đã đến lúc không nên đem các con số khô khan, ít độ tin cậy, là tỷ lệ nợ trên GDP để cho rằng nợ vẫn còn trong ngưỡng an toàn. Nợ thấp hay cao tuy là một tiêu chí nhưng quan trọng hơn cả là dự báo và kiểm soát dòng tiền mà món nợ đó tạo ra trong tương lai. Bài học từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu cho thấy nếu Chính phủ không thể kiểm soát hiệu quả toàn bộ dòng tiền (và lợi ích xã hội) mà nợ tạo ra cho cả nền kinh tế, thì việc đem mớ lý thuyết ra để nói chuyện an toàn chỉ càng làm tăng cao xác suất vỡ nợ mà thôi.
Lạm phát của ai?
Quốc hội đã thông qua chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2012 với mức lạm phát dưới 10% và GDP là 6-6,5%. Cứ giả dụ Chính phủ có khả năng duy trì lạm phát dưới 10% vào năm 2012. Mức lạm phát như thế là cao hay thấp? Tất nhiên nếu so với các năm trước thì lạm phát dưới 10% là thấp. Nhưng nếu tư duy như thế sẽ dễ dẫn đến sự tự thỏa mãn không có lợi cho nền kinh tế.
Để thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhiều quốc gia mặc dù vẫn nới lỏng tiền tệ nhưng vẫn duy trì mục tiêu lạm phát kỳ vọng khá thấp chỉ vài phần trăm. Tuy nhiên với tình trạng thu nhập thấp và thất nghiệp tăng cao hiện nay thì góc nhìn về lạm phát cao hay thấp đã có những thay đổi. Gần đây không ít học giả cho rằng lạm phát tuy chỉ 2-3% nhưng nếu Chính phủ không tìm được lối ra cho tình trạng thu nhập thấp hiện nay và thất nghiệp vẫn còn ở mức cao thì đối với người dân lạm phát vẫn cứ được xem là cao. Việc so sánh này càng đúng nếu xét trong bối cảnh Việt Nam. Càng đúng hơn nữa khi những số liệu về tình trạng công ăn việc làm của chúng ta hiện nay có rất nhiều điều cần phải bàn.
Muốn giảm tỷ lệ thất nghiệp thì phải duy trì tăng trưởng ở một mức nhất định nào đó. Nhưng có một nghịch lý đối với Việt Nam là ngay cả khi vẫn duy trì được mục tiêu tăng trưởng như dự kiến thì cũng khó cải thiện đáng kể công ăn việc làm và nâng cao thu nhập của người dân.
Vấn đề chính đối với chúng ta hiện nay có lẽ không nằm nhiều ở tăng trưởng kinh tế mà nằm ở khía cạnh phân bổ nguồn lực và công bằng xã hội. Nguồn lực phân bổ chủ yếu cũng chỉ dành cho khu vực doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn nên không thể tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội nếu chỉ đơn thuần nhìn vào con số GDP. Đó là chưa kể các chính sách của chúng ta thời gian qua dù vô tình hay hữu ý cũng đã tạo quá nhiều lợi thế cho các nhóm lợi ích.
Những gì diễn ra trong quá khứ cũng cho thấy có lúc lạm phát thấp như giai đoạn 2000-2003 nhưng vẫn diễn ra tình trạng giật cục dòng chảy của tiền tệ trong nền kinh tế và do đó chỉ làm lợi riêng cho hệ thống tài chính và các nhóm lợi ích. Trong điều kiện nền kinh tế có quá nhiều bất trắc như năm 2011, thậm chí 2012 còn khó khăn hơn nữa, mà không ít ngân hàng vẫn có lãi quá cao là điều rất đáng để suy nghĩ.
Với thực tế đã tồn tại quá lâu ở nước ta hiện nay, ngay cả nếu năm 2012 vẫn duy trì được lạm phát dưới 10% thì con số lạm phát đó cũng chỉ là câu chuyện của Chính phủ và Quốc hội. Đối với người dân, họ đâu có hiểu biết gì về kinh tế vĩ mô để nói rằng lạm phát dưới một con số là đẹp là tốt cho nền kinh tế. Đối với người lao động, nếu tình trạng công ăn việc làm và thu nhập vẫn không được cải thiện thì lạm phát (từ góc nhìn) của họ vẫn cao và khác với các con số nằm trên các báo cáo thống kê. Cứ kiên trì lấy lạm phát của người lao động làm chuẩn không khó để nhận diện các chính sách cần phải tái cấu trúc như thế nào để công cuộc chống lạm phát căn cơ và bền vững hơn.
Đi vào chi tiết có nhiều điều cần bàn nhưng nhìn tổng thể thì luận điểm quan trọng nhất để các chính sách được tái cấu trúc hiệu quả là các quyết định đưa ra không thể tự hủy hoại các chính sách có khả năng ban hành sau đó. Chẳng hạn, sau này các cơ quan chức năng nói như thế nào đây khi có một hoặc nhiều ai đó khác xin xây sân golf và nhà cao tầng ở một vài sân bay nào đó. Cấm cũng khó vì trước đó đã có tiền lệ mà tiếp tục cấp phép bằng giải pháp giảm bớt vài tầng cũng không ổn. Cứ nhìn rộng ra sẽ thấy ngổn ngang chính sách ở các bộ ngành cần phải được tái cấu trúc tương ứng nếu muốn tái cấu trúc kinh tế thành công. Nền kinh tế thì tái cấu trúc nhưng chính sách cứ đâm ngang thì không biết bao giờ mới thành công.
GS.TS. Trần Ngọc Thơ
TBKTSG



Xem bài viết: Tái cấu trúc “chính sách”