Lãi suất giảm 1%?
Lãi suất cho vay đang hạ nhiệt và xu hướng giảm có thể sẽ tiếp tục sau Tết Âm lịch, khi áp lực thu hút tiền gửi của các ngân hàng giảm xuống.
* Chứng khoán sẽ ra sao vào quý 1/2012?
Hơn ba tháng sau ngày ban hành Chỉ thị 02/NHNN về thực hiện nghiêm trần huy động lãi suất huy động 14%, lãi suất vay vốn của DN đã hạ xuống phổ biến ở mức 16,5%/năm. Không chỉ thế, các DN, cá nhân đã dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng. Nhiều tín hiệu đang cho thấy, lãi suất có thể tiếp tục giảm ít nhất 1% nữa sau dịp Tết.

Giám đốc tài chính một DN niêm yết lớn cho biết, mức lãi suất chào vay thấp nhất cho khoản vay ngắn hạn mà DN này nhận được là 16%/năm, thấp hơn 0,5% so với hồi cuối tháng 10. Đây là mức lãi suất mà các ngân hàng có quy mô lớn như Vietcombank, BIDV và ngân hàng nước ngoài như ANZ đang áp dụng. Tuy nhiên, vị giám đốc này cho biết, ANZ còn áp dụng chương trình cho vay lãi suất 15,5%/năm, thời hạn 1 tháng điều chỉnh lãi suất.
Bà Lê Thị Thúy Nga, Kế toán trưởng CTCP Đầu tư thương mại DIC (DIC) cho biết, DIC vay vốn ở BIDV với lãi suất là 16,5%/năm. Tổng hạn mức mà các ngân hàng cấp cho DIC là 1.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) cũng xác nhận mức lãi suất Công ty đang vay ngắn hạn là 16,5%/năm.
Một DN xây dựng đang niêm yết trên sàn UPCoM, là khách hàng hạng AAA của BIDV cho biết, đang được BIDV cho vay với lãi suất là 17%/năm và vừa được nhân viên tín dụng của ngân hàng này thông báo lãi suất có thể giảm nhẹ sau Tết.
Theo phản ánh của một DN niêm yết ở phía Nam, các DN có dòng tiền ổn định rất dễ tiếp cận vốn vay ngân hàng. Các DN thuộc đối tượng nông nghiệp, cao su, xuất khẩu cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng có thể vay lãi suất 15 - 16%/năm tại BIDV.
Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cho vay hầu như chỉ áp dụng ở nhóm ngân hàng quốc doanh lớn và ngân hàng nước ngoài, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân vẫn áp dụng mức lãi suất cho vay là 18%/năm.
Một số DN thuộc diện khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn cho biết, vào dịp cuối năm, từ 10/12, các ngân hàng đều giảm dư nợ tín dụng, hạn chế giải ngân tăng dự nợ tiền gửi để thực hiện các chỉ tiêu tài chính ở từng chi nhánh ngân hàng. Nhóm DN bất động sản vẫn phải chịu lãi suất vay vốn cao nhất hiện nay, bất chấp những quy định mới về việc đưa một số nhóm đối tượng vay vốn ra khỏi nhóm phi sản xuất mới được ban hành tháng trước.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhà Thủ Đức cho biết, lãi suất vay của DN bất động sản hiện vẫn ở mức 21 - 22%/năm. Theo ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng số 5 (SC5), lãi suất cho nhóm DN bất động sản thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.
Tuy chưa hạ nhiệt lãi suất cho DN bất động sản nhưng một số ngân hàng lại tích cực tiếp cận người vay trả góp mua nhà. Trong các cuộc mở bán nhà ở một số dự án trên địa bàn TP. HCM gần đây, đều có sự xuất hiện của nhân viên tín dụng Ngân hàng TMCP Quân đội. Theo nhân viên tín dụng của ngân hàng này, MB có thể cho vay tới 70% giá trị căn nhà trong 20 năm. Lãi suất cho vay mua nhà ở mức 21,5%/năm, được xem là cạnh tranh trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần.
Dịp cuối năm, các ngân hàng đang tích cực cạnh tranh huy động vốn. Do quy định trần lãi suất huy động 14%/năm, các ngân hàng liên tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi và dịch vụ tiện ích khác.
BIDV và Vietcombank rất tích cực trong việc triển khai các chương trình dự thưởng nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền. Vietcombank cấp mã số dự thưởng cho khoản tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng và 500 USD, trong thời hạn một tháng và lãi suất 13,9%/năm, thay cho mức 14%/năm nếu gửi tiết kiệm không dự thưởng. Trong khi đó, ACB chỉ cấp mã số dự thưởng cho khoản tiền gửi tối thiểu 30 triệu đồng và 1.500 USD hay 10 chỉ vàng ở kỳ hạn 1 tháng. Mức gửi 10 triệu và 500 USD hay 5 chỉ vàng được dự thưởng nếu gửi kỳ hạn 3 tháng trở lên.
Sau đợt Tết này, khi áp lực thu hút tiền gửi giảm xuống thì các ngân hàng có điều kiện tiếp tục giảm nhẹ lãi suất.
Thu Hương
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Lãi suất giảm 1%?