Chứng khoán hoang mang ngày cuối năm
Trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch và chuẩn bị cho tết âm lịch kéo dài, các nhà đầu tư vốn đã quá chán nản với cuộc chơi chứng khoán vẫn chưa được yên khi nhiều thông tin xấu khiến cho họ không khỏi hoang mang.

Thêm một công ty vỡ nợ?
Giống như vụ SME trước đó, trong tuần cuối cùng của năm 2012 TTCK Việt Nam lại đón nhận tin đồn một CTCK có khả năng mất thanh khoản.
Lần này không còn là CTCK nhỏ, mà tin đồn nhằm vào một CTCK khá lớn có trụ sở tại Hà Nội.
Không chỉ đồn về khả năng vỡ nợ, CTCK này cùng với một CTCK có cổ phiếu có tính thanh khoản rất lớn trên sàn chứng khoán Hà Nội được cho là đang đối mặt với số lỗ lên tới gần 100 tỷ đồng.
Theo thông tin mới nhất, Chủ tịch HĐQT của CTCK nói trên đã khẳng định hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường và không có chuyện vỡ nợ hay mất thanh khoản. Sau đó, lãnh đạo Công ty chứng khoán VNDirect đã tự lên tiếng để phủ nhận những tin đồn kia. Nhưng có lẽ chừng đó vẫn chưa đủ để nhà đầu tư bớt lo.
Mặc dù vậy, trong phiên giao dịch 27/12 cổ phiếu này đã giảm sàn với dư bán lên tới hơn 1 triệu đơn vị. Trong 3 phiên trước đó, cổ phiếu này đều giảm từ 3,7-5,8%.
Chưa biết thực hư tin đồn ra sao, nhưng có thể thấy nó đã xoáy thêm vào nỗi đau của các nhà đầu tư và rấy lên một làn sóng bán ra. Chỉ số HNX-Index lập tức đã có đáy lịch sử mới là 56,7 điểm, trong khi đó VN-Index dễ dàng xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý mạnh là 350 điểm.
Với các nhà đầu tư, cho tới thời điểm này thì không có gì là không có thể xảy ra. Từ những bất ngờ về chính sách như điện tăng 5%, cho đến sự chậm chạp về thực thi giao dịch T+2 và những vụ bất ngờ mất thanh khoản như TAS, SME.
Đối với vụ SME, trước đó, trên các diễn đàn đã đồn thổi về khả năng mất thanh khoản. Và thực tế điều này đã xảy ra, thậm chí SME còn không trả lại được tiền mặt của chính các nhà đầu tư. Và cho đến nay SME đã tính đến chuyện rút nghiệp vụ môi giới.
Có thể thấy, khi những vụ việc này vỡ lở thì thiệt hại rơi vào đầu các nhà đầu tư. Nhưng hơn cả, nó ảnh hưởng tới cả thị trường. Niềm tin đối với TTCK ngày càng suy giảm có thể khiến thị trường rơi vào cảnh đóng băng và mục tiêu phát triển chứng khoán và ngân hàng là 2 kênh mang vốn chủ đạo cho nền kinh tế có thể sẽ thất bại.
Trong một thông tin gần đây, UBCK cho biết xử phạt vi phạm trong năm 2011 tăng vọt lên 9,5 tỷ đồng. Nhưng có thể thấy, đây là những việc làm trên bề nổi. Nó giống như việc xử phạt Chứng khoán Chợ Lớn 70 triệu công bố trong ngày hôm nay.
Việc cần thiết nhất là đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc CTCK nói riêng và TTCK nói chung để đảm bảo thị trường được quản lý, giám sát sát sao và các thông tin phải minh bạch.
Trong một thị trường không minh bạch, tin đồn chưa biết đúng hay sai có thể khiến thị trường còn đi xuống hơn nữa.
Vì thế, cùng với sự lao dốc của thị trường, những khó khăn của các CTCK đang ngày càng bộc lộ rõ hơn. Việc tiến hành tái cấu trúc CTCK có thể làm càng nhanh càng tốt, bởi chính các công ty này đang gây ra sự hoang mang cao độ trên thị trường.
Làn sóng tháo chạy
Sau một thời gian mất thanh khoản, không trả được tiền mặt cho các nhà đầu tư và bị đình chỉ một số nghiệp vụ, Công ty Chứng khoán SME đã chính thức xin ý kiến cổ đông tạm dừng nghiệp vụ môi giới.
Thông tin này được Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) thông báo vào chiều muộn ngày 27/12/2011. Theo đó, các cổ đông SME sẽ đăng ký trước ngày 11/02/2012 để cho ý kiến về việc tạm ngừng nghiệp vụ môi giới của công ty.
Cũng trong cùng buổi chiều 27/12, UBCKNN cũng thông báo về trường hợp CTCK Chợ Lớn (CLS) bị phạt 70 triệu đồng vì lỗi không được cấp phép vẫn cho vay margin và không đóng cửa đại lý nhận lệnh tại Quãng Ngãi.
Trước đó, Công ty chứng khoán Artex cũng vướng vào vụ việc một nhà đầu tư khiến nại thanh tra UBCK và cơ quan công an về việc không rút được khoản tiền hơn 6 tỷ đồng trong một tài khoản liên thông đã bị âm và bị thực hiện giải chấp.
Có thể thấy, tình hình hoạt động của đa số các CTCK hiện tại đang rất khó khăn và rất nhiều trong số đó đang đi vào ngõ cụt.
Trên thực tế, thông tin SME xin rút nghiệp vụ môi giới không hề bất ngờ đối với các nhà đầu tư bởi trước đó cổ phiếu SME đã bị HNX đưa vào diện bị kiểm soát kể từ ngày 07/12/2011 để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và bị VSD đình chỉ tạm thời hoạt động thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán từ ngày 07/12/2011 đến ngày 07/01/2012.
Hơn nữa, việc rút nghiệp vụ môi giới - một nghiệp vụ cơ bản của CTCK không còn là điều gì ghê gớm bởi trước đó cũng đã có 3 trường hợp xin rút nghiệp vụ này, trong đó gần nhất là Chứng khoán Hà Nội (HSSC) và Chứng khoán Đông Dương.
Thông tin này khiến những người trong cuộc liên tưởng tới một làn sóng tháo chạy của các công ty chứng khoán. Sau các vụ vỡ nợ, rút lui khỏi hoạt đồng môi giới sẽ là gì và liệu có hay không hiện tượng tuyên bố phá sản đề rút lui khỏi thị trường... khi viễn cảnh ảm đạm chưa thể kết thức trước quý II/2012 như nhiều người dự báo.
Tuy nhiên, liệu những khó khăn mà thị trường nói chung và các CTCK cũng như các nhà đầu tư, cổ đông của các doanh nghiệp này đang gặp phải có đến nỗi tệ hãi như hiện nay hay không nếu các cơ quan chức năng thực thi vai trò quản lý của mình tốt hơn, sớm hơn?. Đó là câu hỏi lớn mà người có thể trả lời là UBCK vẫn còn im lặng.
Mạnh Hà
DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM



Xem bài viết: Chứng khoán hoang mang ngày cuối năm