Nguy cơ phá sản các công ty chứng khoán
Sự kiện công ty chứng khoán (CTCK) SME bị đình chỉ tạm thời các hoạt động thanh toán bù trừ vào tháng 12 gợi lên một câu hỏi: Hiện có bao nhiêu CTCK có thể gặp phải tình trạng tương tự như SME? Liệu SME có trả được nợ và thủ tục phá sản như thế nào?

Đo lường khả năng phá sản của các công ty là điều không dễ, đặc biệt là các công ty tài chính, vì thông tin tài chính không được công bố rõ ràng và các công ty này thường xuyên sử dụng các khoản mục nằm ngoài bảng kế toán. Trong bài viết này sẽ sử dụng một công cụ đơn giản: hệ số Z-score của GS. Altman, công bố vào năm 1968 để đo lường khả năng phá sản của các công ty.
Hệ số này được tính toán dựa trên báo cáo tài chính của các công ty trước thời điểm khủng hoảng. Một phiên bản của hệ số này là Z2 được dùng cho các công ty dịch vụ. Hệ số Z càng nhỏ thì tình hình tài chính càng diễn biến xấu đi. Trong đó nếu hệ số Z lớn hơn 2,6 thì công ty an toàn, không có khả năng phá sản. Nếu nhỏ hơn 1,1 thì công ty sẽ khủng hoảng và khoảng giữa 1,1 đến 2,6 là vùng xám.
Từ khi ra đời đến nay, hệ số Z đã được kiểm nghiệm vào thực tế với khả năng dự báo chính xác của nó có thể lên đến 95% cho thời điểm phân tích trước thời điểm phá sản 1 năm và 70% nếu phân tích cách đó 2 năm.
Ứng dụng mô hình Z-score vào SME với dữ liệu báo cáo kiểm toán 2010, báo cáo soát xét bán niên của năm 2011 và báo cáo tài chính quý III-2011, ta thấy giá trị Z của SME liên tục suy giảm.

Như vậy đến cuối quý III, giá trị của hệ số Z đã tiệm cận với ngưỡng phá sản 1,1. Và đó là một cảnh báo rõ ràng cho khả năng mất thanh khoản của SME. Mở rộng hơn, bài viết này tiến hành phân tích cho 101 CTCK còn lại trong danh sách thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. Đến quý II-2011 có 58 công ty công bố kết quả kinh doanh và con số này đến quý III-2011 là 29 công ty.
Kết quả cho thấy trong số 29 công ty công bố kết quả kinh doanh vào quý 3 có tới 12 công ty diễn biến xấu đi so với thời điểm đầu năm, đặc biệt là các trường hợp sau:

ORS là công ty có nhiều khả năng vỡ nợ nhiều nhất. Đến cuối quý 3, tổng nợ ngắn hạn của công ty đã hơn 1.235 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 223 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến quý III là – 6,58 tỷ trong khi năm 2010 công ty lãi 28 tỷ đồng Vì vậy khả năng ORS tiếp bước SME là rất lớn. Ngoài ORS, các công ty khác như BSC, SHS, VDSC cũng thuộc diện gần với ngưỡng khủng hoảng và nếu các công ty này không có chính sách cải thiện tài chính trong thời gian tới sẽ rất nguy hiểm cho các công ty này.
Nếu nhìn về thời điểm cuối năm 2010, chúng ta sẽ thấy có tới 16 công ty trong tổng số 102 công ty thuộc diện nguy hiểm. Trong đó đáng lưu ý là các công ty: Chứng khoán Châu Á( điểm là 0,5), chứng khoán Beta ( 0,6), chứng khoán Tầm Nhìn (- 6,4), chứng khoán Hà Nội (- 2,1), chứng khoán Navibank (- 1,5), chứng khoán Phượng Hoàng (0,8), chứng khoán Phú Gia (1,0), chứng khoán Miền Nam (- 0,5), chứng khoán Cao Su (0,2), chứng khoán Vina(- 1,0), chứng khoán Việt Nam Thịnh Vượng (0,9), chứng khoán Việt Quốc (0,9), chứng khoán Sài Gòn Tourist (0,8).
Tất cả các công ty này đều không có dữ liệu công khai kết quả kinh doanh trong năm 2011 nên đang tồn tại một câu hỏi: Liệu chúng có thể cải thiện sức khỏe hơn hay sẽ tệ hơn? Nhìn vào diễn biến ảm đạm của chứng khoán năm nay có lẽ đại đa số mọi người sẽ thiên về khả năng thứ hai nhiều hơn.
Tuy vậy, không phải mọi thức đều là bóng đen. Vẫn có vài trường hợp công ty đã cải thiện khả năng tài chính của mình như trường hợp của chứng khoán Sacombank (SBSC). Cuối 2010, hệ số Z của SBSC là 1,5. Nhờ một loạt các cuộc cải tổ mạnh mẽ mà hệ số này đến quý II tăng lên 1,7 và quý III là 2,4, tức xa khỏi vùng nguy hiểm. Chứng khoán Đông Dương sau khi co hẹp hoạt động môi giới, cải tổ lại bộ máy thì hệ số Z đã được cải thiện mạnh mẽ từ vùng nguy hiểm 0,7 vào cuối quý II tăng lên 7,6 vào cuối quý III, DDS chấp nhận giảm kinh doanh hơn là lỗ vì kinh doanh.
Rõ ràng hệ số Z mang đến cho chúng ta một cách đánh giá đơn giản về sức khỏe của các CTCK. Kết hợp với các tỷ số khác như tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, lãi (lỗ), tỷ lệ vốn khả dụng sẽ giúp đánh giá toàn diện hơn về sức khỏe của các CTCK. Tuy nhiên đến đây chúng ta lại đặt ra một câu hỏi: Liệu chăng bắt buộc tất cả CTCK phải công bố công khai kết quả hoạt động kinh doanh định kỳ từng quý để từ đó giúp thị trường có cơ sở đánh giá tình hình của các CTCK? Thông tin càng minh bạch, việc tìm ra giải pháp khắc phục sẽ tốt hơn.
Tóm lại, đến đầu năm sau, khi tất cả các công ty đều công bố kết quả kinh doanh mọi thứ sẽ sáng sủa hơn nhưng rõ ràng ngay từ bây giờ các công ty được đề cập ở trên sẽ là những đối tượng dễ chịu tổn thương nhất: Đó là sẽ là những công ty dễ phá sản, bị vấn đề về thanh khoản và trở thành các mục tiêu dễ bị thâu tóm nhất.
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2012 chắc chắn sẽ chứng kiến những đợt cải tổ mạnh mẽ, thậm chí đau đớn để từ đó tạo nền tảng cho một tương lai tươi sáng hơn.
Nguyễn Ngọc Sơn
(Học viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright)
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH



Xem bài viết: Nguy cơ phá sản các công ty chứng khoán