Cổ phiếu ”nóng”: VND đã chạm đáy?
(Vietstock) – Nếu giá không rơi xuống vùng 5,500 – 5,700 mà dịch chuyển ngang hoặc tăng trở lại trong những phiên tới thì việc bắt đáy là khá rủi ro.
VND: Giao dịch mạnh, thu hút dòng tiền đầu cơ hàng đầu trên HNX
Cổ phiếu của CTCP Chứng Khoán VNDirect (HNX: VND) thường xuyên đứng trong tốp đầu về giao dịch trên HNX. Khối lượng giao dịch trung bình 52 tuần ở VND đạt hơn 2.5 triệu đơn vị, và thu hút dòng tiền đầu cơ lớn.
Gần đây xuất hiện nhiều thông tin ”lùm xùm” về khả năng trả nợ tại CTCK này. Sau các thông tin đồn đại, VND đã có đến 3 phiên giảm sàn trong 5 phiên gần nhất, nhưng khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức cao, có lúc vượt hơn 3 triệu đơn vị/phiên.
Giao dịch tại cổ phiếu VND dường như càng được chú ý hơn, khi Chủ tịch HĐQT VND vừa khẳng định đây chỉ là tin đồn và hoạt động kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra bình thường.

Hoạt động kinh doanh quý 4/2011 khó có khả năng cải thiện
Tình hình hoạt động kinh doanh quý 3/2011 của VND đã có chút khởi sắc so với 2 quý đầu năm nhờ thị trường có đợt sóng hồi khá mạnh vào cuối quý. Tuy nhiên, hoạt động quý 4 của VND nhiều khả năng sẽ phải trở lại đối mặt với những khó khăn nhất định, tương tự như nhiều CTCK khác.
Doanh thu hoạt động môi giới nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị sụt giảm, do thanh khoản thị trường đã giảm mạnh từ đầu quý 4 đến nay và luôn dừng ở mức thấp.
Doanh thu khác đến từ hoạt động tiền gửi sẽ giảm sút, do lãi suất huy động của ngân hàng trong thời gian qua đã điều chỉnh giảm khá mạnh.
Kết thúc quý 3, tài khoản tiền và tương đương tiền của VND có 793 tỷ đồng; gồm 224 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, 564 tỷ đồng tiền gửi của nhà đầu tư và 5 tỷ đồng tiền gửi thanh toán bù trừ giao dịch.

Trích lập dự phòng nhiều khả năng sẽ gia tăng ở hoạt động đầu tư, nợ phải thu khó đòi. Lỗ từ mảng đầu tư nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng, do thị trường đã sụt giảm mạnh từ đầu quý 4 đến nay.
Khoản đầu tư ngắn hạn ròng đến cuối quý 3 của VND là 422 tỷ đồng, trong đó 615 tỷ đồng tiền đầu tư gốc, trừ đi khoản dự phòng giảm giá đã trích lập là 193 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản trích lập dự phòng thêm trong quý 3 chỉ là 13.5 tỷ đồng.
Như vậy, nếu thị trường tiếp tục sụt giảm thì con số trích lập dự phòng bổ sung trong quý 4 sẽ tiếp tục tăng lên; đặc biệt trong bối cảnh cuối năm tài chính, việc trích lập dự phòng hầu như khó có thể né tránh.
Thị trường liên tục sụt giảm trong quý cũng khiến những lo ngại về trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng lên.
Khoản phải thu ngắn hạn vào cuối quý 3 tại VND là 656 tỷ đồng; trong đó lớn nhất là khoản phải thu giao dịch chứng khoán 715 tỷ đồng, và số tiền đã phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là gần 64 tỷ đồng, bao gồm hơn 49 tỷ đồng trích thêm trong 3 quý đầu năm.
Chiến lược giao dịch ngắn hạn nào đối với VND?
Giá thủng đáy lịch sử và đang hướng về ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8%. Cổ phiếu VND hiện có hai điểm đáng chú ý về mặt kỹ thuật:
Thứ nhất, giá đã phá vỡ vùng đáy cũ lịch sử (vùng 8,500 – 8,700) và đang trong quá trình tạo đáy mới sâu hơn.
Thứ hai, có một sự hội tụ kỹ thuật tại vùng 5,500 – 5,700. Ở đây có sự hiện diện của trendline chống đỡ trung hạn và Fibonacci Retracement 161.8%. Sự hội tụ mạnh của hai ngưỡng chống đỡ mạnh có thể khiến cho cổ phiếu này hãm bớt đà giảm sau khi test vùng 5,500 – 5,700.

Chiến lược đầu tư: Vì giá đã phá vỡ hết các đường MA nên hiện tại chỉ có thể bắt đáy cổ phiếu này dựa vào các ngưỡng hỗ trợ của Fibonacci, trendline và xem xét thêm dấu hiệu khối lượng.
Vùng bắt đáy tốt của VND là vùng 5,500 – 5,700 vì tại đây có sự hội tụ mạnh của các yếu tố chống đỡ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là nếu khi test lại vùng này mà khối lượng giao dịch vẫn không tăng mạnh (trên 3 triệu đơn vị/phiên) thì khả năng thủng là khá cao.
Nếu giá không rơi xuống vùng 5,500 – 5,700 mà dịch chuyển ngang hoặc tăng trở lại trong những phiên tới thì việc bắt đáy là khá rủi ro.
Quang Đức



Xem bài viết: Cổ phiếu ”nóng”: VND đã chạm đáy?