Điều gì đang xảy ra trên thị trường chứng khoán?

12/12/2009 10:47


Nhiều nhà đầu tư vẫn đang tự hỏi vì sao thị trường lại giảm sâu đến như vậy - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
(TNTT&GT) Có hai điều dễ nhận thấy nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay. Một, điểm số của chỉ số chứng khoán gần như rơi tự do (xem biểu đồ đăng kèm).

Ngày 11.12 so với ngày 1.12, VN-Index đã giảm 70,76 điểm hay 13,74%. HNX trong thời gian tương ứng tốc độ giảm còn nhiều hơn (giảm 17,01%).
Hai, giá trị giao dịch khớp lệnh sụt giảm mạnh, bình quân 1 phiên trong 9 phiên qua trên sàn HOSE chỉ khoảng 1.500 tỉ đồng, thấp xa so với một số tháng trước (tháng 6 đạt 1.952 tỉ, tháng 8 đạt 2.075 tỉ, tháng 9 đạt 3.183 tỉ, tháng 10 đạt 3.836 tỉ, tháng 11 đạt 2.429 tỉ -bình quân 11 tháng đầu năm đạt 1.622 tỉ đồng).
Giá chứng khoán rơi như vậy do nhiều yếu tố. Ngoài những yếu tố như đòn bẩy tài chính, sự chi phối của các “cá mập” (mà Báo Thanh Niên đã có những bài phản ánh rất hay), các tin đồn, sự hoảng loạn của các nhà đầu tư trong nước (trong khi Tây mua, ta lại bán)... còn có một yếu tố rất quan trọng, mà chủ yếu lại do một số công ty chứng khoán đã vô tình hoặc cố ý đưa ra, đó là thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ thu hồi hết số vốn cho vay hỗ trợ lãi suất trước thời hạn 31.12.2009. Thông tin này là không đúng, bởi việc cấp bù lãi suất 4% cho vay vốn lưu động trong thời gian 8 tháng, tính từ 1.4.2009 đến hết ngày 31.12.2009, được hiểu như sau:
- Thời hạn vay vốn lưu động (vốn ngắn hạn) dưới 1 năm;
- Thời hạn ký hợp đồng và giải ngân có giá trị trong thời gian từ 1.4 đến ngày 31.12.2009, chứ không phải là phải hoàn trả trước 31.12.2009;
- Từ nay đến hết 31.12.2009 vẫn có những hợp đồng cho vay và giải ngân tiếp các khoản vay vốn lưu động có hỗ trợ lãi suất theo hợp đồng đã ký, việc ký hợp đồng mới chỉ dừng lại từ sau ngày 31.12.2009;
- Việc hoàn trả vốn vay lưu động có hỗ trợ lãi suất được thực hiện theo hợp đồng vay đã ký giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại từ 1.4.2009 (thường có thời hạn dưới 1 năm), do đó việc hoàn trả số vốn vay sau 1.4.2009 mà có kỳ hạn trên 8 tháng sẽ diễn ra từ đầu năm tới, và về mặt lý thuyết là trước tháng 8 sang năm; nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp đều hoàn trả vào một thời điểm mà tùy theo thời hạn đã ký trên hợp đồng;
- Việc cho vay (ký hợp đồng và giải ngân) vốn lưu động có hỗ trợ lãi suất kết thúc trước 31.12.2009, nhưng vốn cho nông dân vay mua máy móc và cho các doanh nghiệp vay đầu tư trung-dài hạn được cấp bù lãi suất vẫn được tiếp tục, tuy lãi suất hỗ trợ thấp hơn, đối tượng thu hẹp hơn so với quyết định trước và sẽ được quyết định chính thức trong tháng 12 này.
Việc một số công ty chứng khoán đưa ra thông tin thu hồi vốn hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động trước 31.12.2009 có thể do vô tình (hiểu lầm như đã nói trên), nhưng đối với một số công ty có thể là do cố ý, bởi hầu như công ty chứng khoán nào cũng có tự doanh chứng khoán, và thu nhập từ khoản này còn lớn hơn là phí dịch vụ thu được từ giao dịch của nhà đầu tư. Họ cố ý đưa ra để các nhà đầu tư cá nhân hoảng loạn xả hàng với bất cứ giá nào (thường là giá sàn) và họ sẽ mua được ở mức giá thấp; để rồi khi giá cao lên sẽ bán ra thu lời. Trước đây đã có thời gian, nhiều công ty liên tiếp đưa ra thông tin và khuyến cáo nhà đầu tư bán ra lúc giá thấp để họ mua vào, và khi giá tăng cao thì họ lại bán ra thu lời!
Cần lưu ý rằng, thật là vô lý nếu việc thu hồi hết số vốn cho vay cấp bù lãi suất vốn lưu động được diễn ra trước 31.12.2009, thì với dư nợ cho vay đến nay đã ở trên mức 400 ngàn tỉ đồng, tương ứng với số vốn cấp bù lãi suất khoảng 10 ngàn tỉ đồng, thì nền kinh tế sẽ ra sao; hơn nữa, nếu thu hồi như vậy thì các ngân hàng thương mại việc gì phải nâng lãi suất huy động lên cao (lên sát 10,5%/năm) sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất cơ bản từ 7 lên 8%?
Các nhà đầu tư nên cảnh giác với tin đồn và cần thận trọng với các khuyến cáo kiểu như trên để không mắc vào “bẫy” bán ở đáy, mua ở đỉnh!
Đào Lâm