Thị trường chứng khoán: Thử thách nhà đầu tư


Sau giai đoạn thăng hoa diễn ra hồi tháng 6 và tháng 7, thị trường chứng khoán (TTCK) đang bước vào giai đoạn giằng co, thử thách tâm lý của các nhà đầu tư (NĐT).


Tính thanh khoản sụt giảm, nỗi lo lớn nhất


Những ngày vừa qua tiếp tục chứng kiến sự tụt dốc liên tục của TTCK Việt Nam. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 11/12, VN - Index đã phá thủng mốc 445 điểm, về sát 444 điểm - mức thấp nhất trong gần 5 tháng qua (HNX - Index cũng xuống dưới 140 điểm). Tâm lý bi quan tiếp tục bao trùm TTCK khi chỉ số VN- Index liên tục xuyên thủng các ngưỡng hỗ trợ một cách dễ dàng.
Hiện tại, nỗi lo lớn nhất của các NĐT là tính thanh khoản của thị trường đang sụt giảm đáng ngại. Cách đây vài tháng, do tâm lý phấn khởi của NĐT khi tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế nên TTCK đã liên tiếp lập kỷ lục với giá trị trung bình mỗi phiên đến 5.000 tỷ đồng.
Những phiên giao dịch gần đây, giá trị giao dịch chỉ ở mức 1.000 tỷ đồng, bằng 1/3 so với giá trị giao dịch bình thường trong những phiên thị trường giảm điểm ở các giai đoạn điều chỉnh trước đó. Các NĐT thậm chí lo ngại về tính thanh khoản hơn cả việc thị trường giảm điểm.
Cần nhắc lại rằng, một trong những nguyên nhân khiến TTCK "nóng" như hồi tháng 5, tháng 6 là do khối các công ty chứng khoán "tung" các đòn bẩy tài chính hỗ trợ NĐT. Hàng nghìn NĐT đã liên tiếp quay vòng đồng tiền bằng vay mượn nhằm gia tăng lợi nhuận khiến sức cầu được khuếch đại lớn gấp nhiều lần thực lực.
Luồng tiền đổ vào TTCK đã tạo ra những phiên giao dịch "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử 9 năm hình thành TTCK Việt Nam khi có nhiều phiên giá trị giao dịch lên đến 4.000-5.000 tỷ đồng.

Theo ước tính của một số chuyên gia, có tới 20-50% dòng tiền trên TTCK là đến từ nguồn vốn kích thích kinh tế (đòn bẩy tài chính - ĐBTC). Kỳ vọng của các NĐT khi sử dụng đòn bẩy tài chính trên TTCK là tạo ra tỷ suất sinh lợi cao. Tuy nhiên, ĐBTC cũng dễ dàng "khoắng" sạch tài sản của NĐT, đẩy thị trường mất điểm kéo dài nếu như quá lạm dụng...
Có thể nói, chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng và gói kích thích kinh tế năm 2009 là động lực chính để TTCK phục hồi song do những căng thẳng trên thị trường ngoại hối, nguy cơ lạm phát và nợ chính phủ gia tăng nên từ tháng 12, chính sách tiền tệ đã bắt đầu có dấu hiệu thắt chặt thông qua việc nâng các lãi suất như lãi suất cơ bản, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn.
Hơn nữa, từ nửa cuối tháng 10/2009, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phải chấm dứt cho vay chứng khoán nên trong thời gian tới, nguồn vốn đổ vào chứng khoán sẽ giảm xuống. Nhận định chung cho thấy, cầu trên TTCK đã và đang chịu tác động mạnh từ những điều chỉnh trên và dẫn tới tính thanh khoản của thị trường giảm sút.
Thêm vào đó, việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước yêu cầu các công ty chứng khoán không cho phép NĐT bán cổ phiếu trước thời hạn T+ 4 và cho vay để bán trong tháng 11/ 2009 tuy làm giảm thiểu rủi ro cho thị trường song cũng là nhân tố ảnh hưởng tới tính thanh khoản trên thị trường.

Ngoài ra, thời gian qua, có không ít doanh nghiệp (DN) được hỗ trợ lãi suất 4%/năm có thời gian vay vốn dài hơn chu kỳ sử dụng vốn, cho nên khi kỳ hạn trả nợ ngân hàng chưa đến, DN dùng những đồng vốn với chi phí thấp đó để đầu tư vào các tài sản ngắn hạn.
Trong bối cảnh TTCK là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, đã có không ít DN chọn cách sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi đó để đầu tư vào TTCK. Thời hạn 31-12 đã rất cận kề - đây chính là thời điểm đáo hạn của các khoản vay (được hỗ trợ lãi suất 4%/năm) nên không ít DN đang dần rút vốn ra khỏi các kênh đầu tư, trong đó có TTCK.
Mức độ ảnh hưởng của việc rút vốn ra khỏi TTCK của các DN sẽ phụ thuộc vào tổng lượng vốn đầu tư của họ nhưng theo nhận định của một số chuyên gia - đây không phải là con số nhỏ.

Giảm đến mức nào?

Câu hỏi được nhiều NĐT quan tâm hiện nay là VN - Index sẽ giảm đến mức nào? Đây thực sự là một câu hỏi rất khó trả lời. Chính sự khó phán đoán của thị trường trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân khiến nhiều NĐT dừng mua bán.
Tuy nhiên, trong những phiên gần đây, hiện tượng lệnh mua chặn ở mức giá sàn đã được đưa ra không ít. Điều này cho thấy, vẫn có đối tượng gom hàng, nhưng chỉ chấp nhận mua với giá rẻ và đang chờ đợi để có thể mua rẻ hơn nữa. Do đó, khi thị trường tiếp tục xuống thấp, sẽ vẫn có người mua và đây chính là sức cản để thị trường không xuống quá sâu…
Bên cạnh đó, theo nhận định của một số chuyên gia - xét qua tình hình kinh tế vĩ mô, TTCK cũng đang được nâng đỡ bởi một số yếu tố tích cực để khó có thể giảm sâu hơn đó là: Các DN bắt đầu công bố lợi nhuận 11 tháng và số ước của cả năm.
Dự kiến sẽ có nhiều DN hoạt động trên các lĩnh vực vật liệu xây dựng, bất động sản, tài chính, ngân hàng... đạt doanh thu và lợi nhuận cao.
Bên cạnh đó, nhiều DN đã có nghị quyết chia tách cổ phiếu với tỷ lệ từ 50% -100% sẽ kích thích các NĐT mua vào để hưởng quyền lợi, kéo theo nhóm cổ phiếu đó tăng giá, giúp thị trường giữ được mặt bằng ổn định.

Ngoài ra, việc Chính phủ vừa có động thái nhằm chấn chỉnh đối với sàn vàng và đang chuẩn bị giải pháp quản lý chặt hoạt động của các sàn vàng và giá vàng thế giới đang ở ngưỡng cao đầy rủi ro thì nhiều nhà đầu cơ sẽ rút dần "lực lượng" để chuyển sang TTCK chờ cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ, làm cho sức mua sẽ tăng dần lên...