Chứng khoán Việt Nam năm 2011: Những góc khuất
(Vietstock) - Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2011 suy giảm trầm trọng, không có chiều hướng hồi phục. Các nhà đầu tư cá nhân lớn hay nhỏ đều lần lượt rút vốn, dừng cuộc chơi. Dưới đây là một vài nguyên nhân chủ quan có thể khắc phục được để hướng đến một thị trường minh bạch, ổn định và phát triển.
Thứ nhất, Cơ quan quản lý chứng khoán không chủ động, chưa kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư và hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển.
Thông tư 74 theo báo chí quảng bá, mang tính đột phá khi cho phép mở nhiều tài khoản và mua bán cùng phiên, tuy nhiên thời điểm ban hành lại quá trễ. Thị trường dường như không chút xao động trước thông tin này.
Hàng loạt công ty niêm yết vi phạm quy định luật chứng khoán nhưng việc xử lý thiếu kiên quyết, chậm trễ gây nhiều thiệt hại cho nhà đầu tư.
Những giải pháp được mong đợi nhiều như giao dịch T+2, minh bạch thông tin vẫn không được ban hành. Không chỉ nhà đầu tư mà cả công ty niêm yết đều trông chờ cơ quan quản khi nhận được báo cáo, thông tin bất thường sẽ chủ động kiểm tra giao dịch, thông tin và có biện pháp xử lý kịp thời nhằm ổn định thị trường.
Thứ hai, nhiều công ty chứng khoán chưa được đầu tư đúng mức để có thể hoạt động lâu dài và ổn định vẫn tồn tại. Hiện tượng vốn khiêm tốn, chưa tách bạch tài khoản của khách hàng nên đã không đủ sức cầm cự khi thị trường suy giảm.
Và cũng có rất ít công ty đầu tư vào việc quảng bá, hướng dẫn khách hàng đầu tư ổn định, lâu dài, có lợi.
Thứ ba, cơ quan quản lý vốn Nhà nước trong các công ty niêm yết không làm hết nhiệm vụ. Nhà đầu tư rất hoang mang trước những trường hợp công ty niêm yết có phần vốn góp đa số của Nhà nước liên tục vi phạm quy định chứng khoán và bị xử phạt, trong khi đó người đại diện phần vốn Nhà nước và lãnh đạo công ty vẫn “ung dung”.
Tình cảnh này khiến nhà đầu tư không thể tin tưởng vào doanh nghiệp khi mà lãnh đạo thiếu trách nhiệm tiếp tục được đề cử lãnh đạo.
Thứ tư, các công ty niêm yết không chủ động công bố thông tin. Hầu hết họ chỉ công bố thông tin bắt buộc theo quy định pháp luật, ít quan tâm đến việc phổ biến các thông tin, sinh hoạt khác của doanh nghiệp.
Một chính sách thông tin tốt sẽ giúp phân biệt doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp xấu, gây dựng niềm tin của nhà đầu tư vào doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu cũng như góp phần ổn định thị trường.
Và cuối cùng, ngay chính các cơ quan thông tấn, báo chí cũng đưa tin không chính xác.
Có nhiều thông tin bị “bóp méo” được đưa lên báo chí, mạng internet ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp, thị trường. Tuy bị khiếu nại nhưng người viết không bị xử lý và thông tin cũng không được đính chính.
Một thị trường chứng khoán ổn định, phát triển, ngoài những yếu tố kinh tế, đòi hỏi sự minh bạch thông tin và tinh thần trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Luật sư Quách Tú Mẫn



Xem bài viết: Chứng khoán Việt Nam năm 2011: Những góc khuất