Đáy chứng khoán phụ thuộc vào… thâu tóm doanh nghiệp?
(Vietstock) - Không khí bi quan của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng là tâm trạng phổ biến của các doanh nghiệp niêm yết. Lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn phải gia tăng biện pháp “phòng chống trộm cướp” trong những ngày tháng tới.
Giả thuyết đã được xác nghiệm
Một giả thuyết có vẻ khá mong manh xuất hiện đầu năm 2011 về mục tiêu thâu tóm doanh nghiệp qua sàn chứng khoán đã được thời điểm giữa năm xác nhận.
Những nạn nhân đầu tiên của phong trào thâu tóm là CTCP Vật tư - Xăng dầu (HOSE: COM), CTCP Thương mại & Dịch vụ Dầu khí Vũng Tàu (HNX: VMG), CTCP Dược Phẩm Hà Tây (HNX: DHT).
Một doanh nghiệp có quy mô khá lớn - CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) - cũng nằm trong diện có nguy cơ bị “đi đêm”. Tất nhiên với bản lĩnh niêm yết nhiều năm và cũng đã trải qua nhiều sóng gió thương trường, lãnh đạo REE đã đưa ra tuyên bố cứng cỏi như một lời thách đối với các âm mưu thâu tóm.
Nhưng không phải ai cũng có được bản lĩnh và tiềm lực như REE. Càng về cuối năm 2011, càng hiện ra nhiều trường hợp doanh nghiệp tự nguyện xin hủy niêm yết. Một trong những nguyên do chính cho thái độ tự nguyện này là tâm trạng lo sợ thường xuyên đối với sự biến mất đột ngột của công ty và cái ghế lãnh đạo doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán càng đổ dốc mạnh thì nguy cơ thâu tóm càng tăng lên. Từ cuối năm 2010 đến nay, chỉ số HNX của sàn Hà Nội đã mất đi ít nhất 40%. Nhưng không tương ứng với hành vi ấy là độ lệch pha lớn hơn khá nhiều của mặt bằng giá cổ phiếu.
Hàng loạt cổ phiếu nhỏ đã phải chịu số phận hẩm hiu về giá và thanh khoản. Chưa bao giờ trong lịch sử của mình, số cổ phiếu nhỏ lại thấp giá như hiện thời. Trong hơn một năm qua, nhóm cổ phiếu nhỏ đã sụt giảm bình quân 60-80%.
Điều đó vô hình trung cũng cổ vũ cho những người đang ấp ủ ý đồ mua lại doanh nghiệp với giá rẻ mạt.
Chỉ cần vài ba chục tỷ đồng là có thể sở hữu cả một doanh nghiệp. Chưa cần tính đến khung cơ sở kỹ thuật, máy móc thiết bị hay đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp, mà chỉ xét đến giá trị thị trường từ những mặt bằng đắc địa mà doanh nghiệp sở hữu, đã có thể thấy những thương vụ “M/A” sẽ có lời đến thế nào.
Bởi thế, từ giữa năm 2011, đã xuất hiện những lời cảnh báo thống thiết dội đến các doanh nghiệp đang niêm yết, trong đó có những doanh nghiệp vẫn còn đang mơ màng chờ đợi thị trường hồi phục.
Nhưng qua 6 tháng cuối năm 2011, đã chẳng hề có gì thay đổi. Không có bất kỳ một vận hội nào xảy đến mà có thể làm đổi thay số phận của những doanh nghiệp bị đặt trong tầm ngắm thâu tóm. Quá trình thâu tóm dần vẫn cứ diễn ra. Cổ phiếu rẻ vẫn được thu gom với một kỷ luật thép và một quy trình được thể hiện một cách nhẫn nại và khôn khéo.
Đáy thị trường hiện ra chỉ khi…
Không thể biết trước được là sẽ còn bao nhiêu doanh nghiệp nữa bị thay ngôi đổi chủ trong năm 2012.
Đến lúc này, điều cần rút ra có lẽ không chỉ thuần túy về những bài học của thâu tóm doanh nghiệp. Mà nhìn xa và rộng hơn, các doanh nghiệp niêm yết lại cần quan tâm đến những ẩn ý về chiến lược đường đi của thị trường cùng một hệ quả không tránh khỏi - kế hoạch tiếp tục thâu tóm.
Nếu quả thực thị trường bị đánh xuống theo một kế hoạch trung hạn và có thể cả dài hạn, thì đã đến lúc người ta cần lật ngược lại vấn đề: thị trường sẽ lập đáy hoặc vùng đáy vào khi nào?
Sự lật ngược vấn đề như trên cũng dẫn đến một câu hỏi khác: phải chăng chỉ đến lúc quá trình thâu tóm doanh nghiệp cơ bản kết thúc, cơ bản “kết thúc tốt đẹp”, khi đó thị trường mới thực sự lập đáy?
Có thể cho đó là một giả thuyết có tính kế thừa từ giả thuyết đã xuất hiện vào đầu năm 2011.
Một năm đã trở nên quá đủ đối với những doanh nghiệp mất ngôi và gần đủ cho những doanh nghiệp đang đau đầu với việc làm thế nào để chống thâu tóm.
Với những doanh nghiệp lớn như REE, tiềm lực tài chính cho phép họ có thể chủ động mua lại cổ phiếu của chính mình để ít nhất, nếu không dùng vào việc gì khác thì cũng biến chúng thành cổ phiếu quỹ chờ đợi thị trường hồi phục.
Nhưng với nhiều doanh nghiệp khác là lượng tiền mặt hạn hẹp. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, khi thậm chí doanh nghiệp còn mang trên mình những món nợ khổng lồ đối với ngân hàng, đương nhiên họ không còn được tự quyết về phương án mua lại cổ phiếu của mình.
Mà phải nhường sân cho kẻ khác.
Kẻ khác ấy là những doanh nghiệp, và có thể là cả ngân hàng, những đối tượng mà giới đầu cơ thường gọi là “cá mập”, dồi dào về tài chính, dư dả về tiền mặt, đang nhìn thấy một cơ hội trời cho từ cơ chế mua bán sáp nhập - cơ hội biểu thị tỷ lệ lợi nhuận còn lớn hơn so với khả năng thị trường được phục hồi gấp đôi hiện nay.
Còn trong trường hợp thị trường chứng khoán bật dậy, nguồn lợi của những kẻ thâu tóm sẽ đến từ việc bán cổ phiếu với giá cao gấp nhiều lần so với giá thu gom. Thứ nữa, mớ tài sản cố định như mặt bằng sẽ có cơ hội tăng giá gấp vài ba lần nếu thị trường bất động sản hồi phục cùng với thị trường chứng khoán, hoặc trước thị trường chứng khoán.
Trong cả hai trường hợp trên, đường nào cũng có lãi. Thậm chí cán được gọi là lợi nhuận kép như thế còn có thể xác nghiệm với thuyết “một vốn bốn lời”.
Giờ đây, tiếng chuông cảnh báo về nạn thâu tóm doanh nghiệp vẫn đều đặn vang lên vào những ngày cuối năm. Trong khi đó, thị trường vẫn chưa hé lộ bất cứ tín hiệu phục hồi ngắn hạn, chưa nói đến những dấu hiệu nào cho sự phục hồi bền vững trong năm 2012.
Không khí bi quan của các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng là tâm trạng phổ biến của các doanh nghiệp niêm yết. Không chỉ lo sợ giá cổ phiếu xuống và cổ đông của mình thêm chua chát, lãnh đạo các doanh nghiệp còn phải gia tăng biện pháp “phòng chống trộm cướp” trong những ngày tháng tới.
Trong bối cảnh bất an ấy, giải pháp hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp vẫn chỉ là sự phục hồi của thị trường. Bởi thế, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh không chỉ quan tâm đến chính sách về lãi suất cho vay mà còn để tâm đến tất cả những tín hiệu về chính sách vực dậy chứng khoán.
Nhưng nếu thị trường vẫn tiếp tục bị bỏ rơi, sẽ là một khoảng thời gian dài hơn nữa để thử thách lòng kiên nhẫn của những kẻ thâu tóm và bản lĩnh vủa người có nguy cơ “mất trộm”.
Hạ Xuyên



Xem bài viết: Đáy chứng khoán phụ thuộc vào… thâu tóm doanh nghiệp?