Tết này nhà đầu tư... “ăn” gì?
"Lì xì” năm mới bằng cổ phiếu, câu nói vui của các nhà đầu tư vào thời điểm cuối năm đã bộc lộ phần nào gánh nặng của thị trường suốt thời gian qua. Năm 2011 được đánh giá là năm tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán, thậm chí tệ hơn cả năm 2008. Đa phần nhà đầu tư, cả ngắn hạn lẫn dài hạn đều thua lỗ. Có nhà đầu tư tự an ủi rằng cá nhân lỗ một thì tổ chức lỗ mười. Nhưng rõ ràng lỗ nào cũng là lỗ và tốt nhất nên tự lo cho túi tiền của mình.
Những cổ đông sẽ được ăn Tết ra sao khi đa phần các doanh nghiệp làm ăn sa sút trong năm 2011?

Trong một bức thư của Hiệp hội nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi), tổ chức này thậm chí kêu gọi cần có giải pháp từ phía doanh nghiệp để an ủi cho cổ đông. Tết Dương lịch và Âm lịch sắp đến, báo giới đang nói về tình hình thưởng Tết tại hệ thống doanh nghiệp cho người lao động và cho ban quản lý, nhưng ít đề cập tới việc Tết này những "người chủ doanh nghiệp” (cổ đông) sẽ được ăn Tết ra sao? Cổ phiếu thì bị giảm giá mạnh, cổ tức thì hầu như không có hoặc ít hơn, không thấm tháp vào đâu so với số tài sản bị mất đi. Đa phần các doanh nghiệp niêm yết làm ăn sa sút trong năm 2011, lỗ nhiều hơn lãi và lãi nếu có cũng giảm đáng kể. Chỉ một bộ phận nhỏ doanh nghiệp duy trì được lợi nhuận bằng năm ngoái, số tăng trưởng còn ít hơn. Vafi cho rằng, cần có những biện pháp cụ thể để chia sẻ khó khăn với cổ đông. Những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có mức lợi nhuận sau thuế tương đối so với các năm trước, ít vay nợ cần tăng mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt so với các năm trước.
Đặc biệt đối với những doanh nghiệp nông nghiệp như doanh nghiệp cao su, mía đường... đa phần lợi nhuận cao đột biến so với năm trước nhờ được hưởng lợi nhiều về giá bán cần xem xét tăng cao mức chi trả cổ tức cho cổ đông. "Trong thời buổi rất khó khăn hiện nay, một đồng vốn có ý nghĩa bằng 2 đến 3 đồng so với lúc bình thường, nguồn tiền này sẽ được các nhà đầu tư thực hiện tái đầu tư giúp thị trường chứng khoán bớt ảm đạm đồng thời cũng là cơ hội để bù một phần kinh doanh thua lỗ”, tổ chức đại diện cộng đồng đầu tư lớn nhất Việt Nam khẳng định. Ngược lại, doanh nghiệp thua lỗ, làm ăn bết bát cần xem xét lại chính sách thưởng cho người lao động và ban lãnh đạo. Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc gặp khó khăn về khả năng tài chính cần kiên quyết cắt giảm các khoản thưởng, đặc biệt là đối với ban quản lý còn phải cắt giảm mức lương, thù lao... không để cao như trước, không theo phong trào, không sỹ diện, hào phóng thái quá thực hiện chính sách thưởng như các đơn vị kinh doanh hiệu quả.... "Không thể để tình trạng ban quản lý lương cao hoặc có thưởng trong khi cổ đông của doanh nghiệp không được nhận cổ tức bằng tiền mặt”, Vafi đề xuất. Một thực tế là các doanh nghiệp thường chi tiêu, đầu tư thái quá trong những lúc thịnh vượng mà không tính đến những thời điểm khó khăn. Tham vọng mở rộng quy mô khiến dòng vốn bị chảy ra quá mức mà không phải tất cả các dự án đầu tư đều hiệu quả. Tình trạng trả cổ tức bằng cổ phiếu rất phổ biến thời gian qua được sử dụng như một biện pháp giữ lại tiền mặt phục vụ nhu cầu kinh doanh, đầu tư. Điều này có thể tốt nếu một đồng vốn bỏ ra đem lại nhiều đồng vốn trong tương lai. Tuy nhiên thực tế lại không hẳn như vậy, nhiều doanh nghiệp lại tái đầu tư lòng vòng vào những công ty khác như một dạng đầu tư tài chính và cả hai cổ phiếu đều sụt giá. Đó là lý do khiến nhà đầu tư càng ngày càng trở nên dị ứng với các hình thức phát hành thêm, vì giá trị doanh nghiệp sẽ suy giảm cùng với việc sử dụng vốn thiếu hiệu quả.
Rất hiếm doanh nghiệp dám cam kết trả cổ tức bằng tiền mặt cao hơn mức lãi suất tiết kiệm. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn thị trường chứng khoán không ảm đạm như hiện tại.
Trọng Nghĩa
Đại đoàn kết



Xem bài viết: Tết này nhà đầu tư... “ăn” gì?