‘Đầu tư ngoài ngành của EVN không phải tiền ngân sách’
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2012, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận EVN đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả nhưng cho biết phần lớn số tiền này là vốn vay thương mại.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

- Tập đoàn điện lực (EVN) vừa công bố tăng giá bán điện kể từ ngày 20/12 và cho biết với mức tăng dưới 5%, doanh nghiệp không phải chờ ý kiến phê duyệt của Thủ tướng. Là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng có ý kiến như thế nào về việc này và việc điều hành giá điện 2012 sẽ ra sao?
- Đợt điều chỉnh giá điện vừa qua của EVN thực hiện theo tinh thần Quyết định 24 được Thủ tướng phê duyệt từ giữa năm. Theo đó, EVN được phép điều chỉnh giá bán trong phạm vi 5% và nhiều nhất là 3 tháng một lần, trên cơ sở cân đối các yếu tố tạo nên giá thành sản xuất.
Tuy nói là không cần chờ phê duyệt của Thủ tướng nhưng trên thực tế, kế hoạch tăng giá của EVN phải có ý kiến của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Việc tăng giá hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh biến động giá đầu vào, còn phải tính toán đến các mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh…
Việc điều chỉnh lần này là để đảm bảo cân đối giá thành sản xuất điện năm 2012 và sẽ được tính vào hạn mức điều chỉnh của năm sau. Mà như tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã nói giá điện năm 2012 sẽ không tăng quá 15,6%. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng ngay với giá bán tăng 5% cũng chưa đủ bù đắp lỗ của doanh nghiệp khi sản xuất điện.
- Một trong những nguyên nhân gây lỗ khi sản xuất và kinh doanh điện là do tỷ lệ thất thoát lớn. Tại sao cơ quan quản lý và EVN không tính đến việc khắc phục tình trạng này trước khi tăng giá?
- Trong kinh doanh điện ở Việt Nam trước đây và hiện nay thì thất thoát lớn nhất là tại các hệ thống điện hạ áp ở nông thôn. Trước đây, hệ thống này do địa phương quản lý, chia ra nhiều đầu mối bán điện nên xảy ra thất thoát. Đấy là vấn đề khách quan đưa lại. Nay EVN nhận hệ thống này về quản lý. Đương nhiên họ sẽ phải có biện pháp để xử lý, nhằm giảm tối đa tổn thất, giảm giá thành.
- Trong khi kinh doanh ngành chính còn thua lỗ hơn 10.000 tỷ đồng trong năm qua, EVN lại dùng không ít nguồn lực để đầu tư ngoài ngành, hiệu quả kém. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này ?
- Trước hết tôi xin khẳng định lại là khoản lỗ hơn 10.000 tỷ đồng nói trên của EVN là lỗ chính sách, do phải bán điện dưới giá thành mà lỗ. Tập đoàn điện lực có đầu tư ngoài ngành nhưng tỷ lệ không lớn và cũng không phải dùng tiền ngân sách để đầu tư. Đây là số vốn mà họ đi vay thương mại và sẽ phải tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ.
Nhưng nói gì thì nói, kinh doanh ngoài ngành của EVN cũng đã phần nào ảnh hưởng tới sản xuất điện. Và cũng vì lẽ đó mà Chính phủ yêu cầu họ dừng đầu tư, thoái vốn khỏi một số ngành. Việc chuyển giao EVN Telecom cho Viettel vừa rồi là một ví dụ. Quá trình này sẽ được tiếp tục trong thời gian tới để đảm bảo EVN tập trung vào ngành nghề chính, đảm bảo khả năng cung ứng điện cho nền kinh tế.
Trao đổi với VnExpress.net bên lề Hội nghị triển khai Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2012 của Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thông báo về việc Tòa phúc thẩm Mỹ vừa ra phán quyết, yêu cầu Bộ Thương mại nước này không được áp thuế chống trợ cấp đối với các mặt hàng xuất khẩu từ các nước mà Mỹ coi là chưa có nền kinh tế thị trường (trong đó có Việt Nam).
Theo Bộ trưởng thì bên cạnh thuế chống bán phá giá, thuế chống bảo hộ là một hàng rào thuế quan nguy hiểm đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Bộ Thương mại Mỹ đang dự kiến áp dụng mức thuế này đối với sản phẩm túi nhựa PE của Việt Nam. Bộ trưởng cũng cho biết đây là thành công tiếp theo của Việt Nam trong việc đấu tranh (thông qua các hiệp hội ngành nghề) chống lại các rào cản thương mại khi thâm nhập các thị trường lớn, sau vụ thắng kiện thuế chống bán phá giá các mặt hàng thủy sản tại WTO.

Nhật Minh
vnexpress



Xem bài viết: ‘Đầu tư ngoài ngành của EVN không phải tiền ngân sách’