Dòng tiền “kín tiếng” chảy mạnh
Trong những phiên giao dịch gần đây trên sàn niêm yết, giao dịch thỏa thuận chiếm giá trị áp đảo. Diễn biến này mang thông điệp gì?

Các kịch bản chuyển đổi
Trái với không khí khớp lệnh buồn tẻ trên sàn, hoạt động giao dịch thỏa thuận lại rất sôi động. Điển hình như phiên 21/12, sàn HOSE đón nhận 891,7 tỷ đồng giá trị từ giao dịch thỏa thuận, lớn gấp 2,6 lần so với giao dịch khớp lệnh.
Trong đó, Sacombank (STB), Hoàng Anh Gia Lai (HAG), Vincom (VIC), Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là những cổ phiếu được giao dịch "khủng" nhất.
STB, HAG, VIC, SSI đều đã trải qua nhiều phiên giao dịch có giá trị thỏa thuận gấp trên 10 lần giao dịch khớp lệnh. Diễn biến này khiến không ít NĐT thắc mắc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Chứng khoán - Ngân hàng Đại học Mở TP. HCM cho rằng, "đây đơn giản chỉ là sự chuyển đổi sở hữu".
Hiện có 3 kịch bản được các chuyên gia nghĩ tới. Thứ nhất, đó là kịch bản chuyển đổi sở hữu từ người này sang người khác để "cứu" lượng cổ phiếu sắp phải giải chấp.
Cụ thể, trước diễn biến giá cổ phiếu giảm sâu, thay vì nhìn một lượng lớn cổ phiếu bị CTCK bán giải chấp, NĐT có thể chọn hình thức dùng tài khoản khác để mua lại cổ phiếu nhằm tránh một thua lỗ quá mức sẽ xảy ra.
Kịch bản thứ hai là một số cổ đông tìm cách chuyển đổi sở hữu để giảm tỷ lệ xuống dưới 5% vốn của DN, để vừa tránh được quy định phải bắt buộc công bố thông tin khi mua bán, vừa có thể thực hiện thay đổi cách thức nộp thuế giao dịch chứng khoán.
Thực tế, trước diễn biến càng đầu tư càng thua lỗ, nếu NĐT chọn hình thức nộp thuế theo hình thức nộp thuế thu nhập cá nhân thì rất thiệt thòi. Do đó, họ có thể thỏa thuận chuyển lượng cổ phiếu đang sở hữu về một công ty chuyên đầu tư tài chính để đóng thuế trên lợi nhuận cuối kỳ của DN này. .
Một kịch bản được đánh giá có khả năng xảy ra nhiều nhất, đó là giao dịch khớp lệnh lô lớn nhằm mục đích thâu tóm, sáp nhập. Bằng chứng là những hoạt động mua bán liên tục với khối lượng lớn ở STB, SBS, HVG… thời gian qua ít nhiều đều liên quan đến câu chuyện thâu tóm, chống thâu tóm.
Cũng có thể NĐT mua bán chứng khoán qua giao dịch thỏa thuận chỉ đơn giản để đầu tư hay thoái vốn như trường hợp ở Sacomreal. Nhưng dù là với kịch bản gì thì rõ ràng, hiện nay giới đầu tư, nhất là NĐT tổ chức đang chuộng hình thức "buôn sỉ" hơn "buôn lẻ".
Cách thức này vừa giúp họ giao dịch khối lượng lớn với giá có thể thỏa thuận, vừa có thể chủ động trong tìm kiếm người bán - người mua. Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, ông Thuận đánh giá: "Giao dịch thỏa thuận không mang nhiều ý nghĩa, vì không giúp tăng thanh khoản hay tăng giá cổ phiếu".
Dòng tiền lớn đã tìm được hướng đi?
Nhìn về dài hạn, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích - Đầu tư, CTCK KimEng Việt Nam (KEVS) nhận định: "Việc gia tăng các giao dịch thỏa thuận mang nhiều thông điệp tích cực". Cụ thể, tuy chưa tham gia trực tiếp để tăng thanh khoản, nhưng đã có một lượng vốn đáng kể, bằng cách này cách khác đang âm thầm đổ vào chứng khoán.
Nhưng động thái của dòng tiền kín tiếng này lại đang khiến cho nhiều lãnh đạo DN lo lắng. Một số DN niêm yết bày tỏ ý nguyện rời sàn như một cách phòng vệ từ xa việc bị thâu tóm khi giá cổ phiếu xuống quá thấp.
Ông Khánh nhận định, DN có lý khi đề phòng các giao dịch thỏa thuận với số lượng lớn, khi với thị giá hiện nay, DN có thể bị "mua đứt" bất cứ lúc nào. Bởi lẽ, một số đại gia nhiều tiền - chưa nói đến các tổ chức đã đặt vấn đề với cá nhân ông để tư vấn về việc này. Cái đích mà các NĐT này hướng tới không phải là lợi nhuận từ lướt sóng, mà là tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn hoặc giá trị tài sản của DN.
Chắc chắn người mua - với tâm lý muốn mua rẻ, càng thích thú nếu thấy TTCK tiếp tục lình xình ở mức thấp như hiện nay. Vì thế, họ sẽ không dại gì chọn giao dịch khớp lệnh để khiến cầu tăng, giá tăng. Nhưng đến một lúc nào đó, khi ngày càng nhiều dòng tiền lớn đổ vào và cạnh tranh trong tìm kiếm cơ hội từ TTCK tăng lên, những NĐT giấu mặt bắt buộc phải mua bằng cách khớp lệnh trên sàn.
Thực tế, so với đầu tư vàng, ngoại tệ hay bất động sản thì đầu tư cổ phiếu qua nắm giữ khối lượng lớn với giá rẻ đang là lựa chọn của không ít người có tiền. Họ đã nhìn ra, không phải lúc nào cũng có thể có cơ hội sở hữu cổ phiếu với giá thấp như lúc này.
Vì thế, nhân lúc nhiều DN đang khó khăn về thanh khoản, nhân lúc cổ đông lớn, cổ đông chiến lược cơ cấu lại danh mục, một bộ phận không nhỏ NĐT đã chớp thời cơ gom cổ phiếu và giao dịch thỏa thuận là phương thức hiệu quả giúp họ đạt mục đích.
Ngọc Thủy
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Dòng tiền “kín tiếng” chảy mạnh