Chứng khoán, “bỗng dưng muốn khóc”
Tại sao các công ty chứng khoán nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung lại bị dư luận nhìn nhận và phản ánh khá tiêu cực trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi bắt đầu giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu? VnEconomy xin giới thiệu một góc nhìn của ông Đoàn Ngọc Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS).
Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, nhưng, những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam những năm qua đã cho nhà đầu tư thấy niềm tin cũng thật mong manh.
Áp lực để tồn tại
Trong thời kỳ hoàng kim thị trường chứng khoán Việt Nam từ cuối năm 2005 đến đầu năm 2007, khi hầu hết nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán đều có lãi, số lượng công ty chứng khoán không đủ đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư.
Doanh thu của các công ty chứng khoán từ nghiệp vụ môi giới rất lớn, nhiều công ty chứng khoán có doanh thu phí môi giới giao dịch một ngày từ 1 đến 3 tỷ đồng - một lực hút hấp dẫn cho việc trào lưu thành lập công ty chứng khoán một cách rầm rộ - bắt đầu từ giữa năm 2006.
Các doanh nghiệp Nhà nước, một số tập đoàn Nhà nước, các cá nhân đã đổ vốn vào thành lập công ty chứng khoán và đến nay đã có 105 công ty chứng khoán được thành lập. Số lượng công ty chứng khoán được thành lập quá nhanh và quá nhiều đúng vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu bắt đầu rơi vào khủng khoảng từ đầu năm 2008 kéo theo sự suy giảm của thị trường chứng khoán sau một giai đoạn phát triển quá hưng phấn.
Phải gánh chi phí đầu tư rất lớn cho cơ sở vật chất và quản lý nhân sự, trong khi đó, doanh thu chủ yếu của công ty chứng khoán từ nghiệp vụ môi giới dần dần bị thu hẹp. 50% tổng doanh số phí giao dịch của toàn thị trường thuộc về 10 công ty chứng khoán lớn, 50% doanh số phí giao dịch còn lại chia cho gần 100 công ty chứng khoán vừa và nhỏ.
Nhìn con số sơ bộ nói trên, có thể thấy được các công ty chứng khoán phải đối mặt với khó khăn như thế nào. Các hoạt động khác hầu như không đem lại hiệu quả, đặc biệt là hoạt động đầu tư tự doanh, nhiều công ty chứng khoán thua lỗ lớn vì đã đầu tư tự doanh với số vốn lớn qua các đợt IPO như Vietcombank (VCB), Bảo Việt (BVH), các doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí...
Vì vậy để tồn tại, các công ty chứng khoán đã phải quyết liệt đưa ra các sản phẩm, các dịch vụ nhằm cạnh tranh thu hút khách hàng. Một số công ty chứng khoán có lợi thế từ công ty mẹ là các ngân hàng thương mại, các tập đoàn kinh tế lớn đã rót tiền cho các công ty chứng khoán để làm đòn bẩy tài chính với các tỷ lệ đòn bẩy quá cao nhằm mục đích tăng thị phần, lôi kéo khách hàng và triệt tiêu các đối thủ khác, trong khi lại coi nhẹ vấn đề quản trị rủi ro.
Dưới tác động của khủng khoảng tài chính toàn cầu bắt đầu từ năm 2008, thị trường chứng khoán thoái trào, liên tục mất điểm và giảm mạnh kéo theo các hệ quả của nó: nhiều công ty chứng khoán trở thành nhà đầu tư “bất đắc dĩ” bỗng dưng phải ôm một khối lượng cổ phiếu lớn khi mà đa số nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính cao không có khả năng thanh toán và từ bỏ danh mục đầu tư của mình; nhiều tổ chức tài chính và tín dụng cung cấp nguồn vốn cho các công ty chứng khoán không thu hồi được vốn của mình; nhiều tranh chấp xảy ra khi mà cơ sở pháp lý chưa rõ ràng.
Phong trào cho nhà đầu tư vay cổ phiếu để bán trước và hoàn trả lại trong một thời gian nhất định (gọi là nghiệp vụ short-sell) đã được một số công ty chứng khoán rầm rộ triển khai khi mà cơ sở pháp lý chưa có. Nghiệp vụ này trên thị trường chứng khoán thế giới đã thực hiện từ rất lâu, tuy nhiên đối với thị trường chứng khoán Việt Nam đây là một hoạt động chưa được pháp luật thừa nhận.
Hệ quả của việc triển khai nghiệp vụ short-sell của một số công ty chứng khoán dẫn đến một làn sóng lôi kéo nhà đầu tư từ công ty chứng khoán này sang công ty chứng khoán khác, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các công ty chứng khoán.
Đồng thời, hậu quả của việc coi nhẹ vấn đề quản trị rủi ro đã đẩy một số công ty chứng khoán đến bờ vực phá sản, mất hết vốn hoặc có hiện tượng lạm dụng vốn của nhà đầu tư…
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các thông tin tiêu cực từ một số công ty chứng khoán, làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam đã xấu lại càng xấu thêm, nhà đầu tư hoang mang và thêm mất niềm tin. Nhiều công ty chứng khoán khác đang hoạt động tốt cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhà đầu tư chịu đựng giỏi nhất
Nếu có một tổ chức nào đó khảo sát về các nhà đầu tư chứng khoán trên thế giới, tôi cho rằng nhà đầu tư Việt Nam là "chịu đựng và lạc quan giỏi nhất" trên thế giới, khi nhìn lại những chặng đường mà nhà đầu tư Việt Nam đã trải qua.
Thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhà đầu tư là người cảm nhận sâu sắc nhất sự thăng trầm này, bởi chính họ cũng bị cuốn theo sự thăng trầm của thị trường chứng khoán với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Những nhà đầu tư vẫn còn bám trụ với thị trường chứng khoán từ ngày đầu đến nay chắc không còn nhiều. Họ đã trải qua những giai đoạn rất khó khăn của thị trường chứng khoán, đặc biệt là giai đoạn bắt đầu khủng khoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thị trường chứng khoán giảm sâu nhưng họ vẫn có niềm tin và lạc quan kỳ vọng vào sự điều tiết của các cơ quan quản lý.
Nhưng thực tế lại không như kỳ vọng, thị trường chứng khoán đã lao dốc không phanh, làm cho hầu hết nhà đầu tư không kịp trở tay và thua lỗ nặng nề, nhiều hệ lụy xã hội sau đó đã diễn ra như: gia đình tan nát, bạn bè và người thân quay lưng…
Tuy nhiên, cũng không lâu sau đó thị trường chứng khoán có dấu hiệu hồi phục lại từ giữa năm 2009, lại có thêm một lớp nhà đầu tư mới lại lao vào thị trường, sự mất mát mới hôm qua thôi tưởng như đã diễn ra từ rất lâu rồi để nhường tiếp cho những kỳ vọng mới.
Thời điểm đó, nhiều sàn OTC ra đời, nhà đầu tư lại bị cuốn hút vào những sàn OTC này để mong muốn tìm kiếm những khoản lợi nhuận nhanh, với một suy nghĩ giản đơn là dễ kiếm lời. Tuy nhiên mọi cái đều có cái giá của nó, nhiều hệ quả tiêu cực từ các giao dịch sàn OTC như vậy đã khiến cho nhiều nhà đầu tư tiền mất tật mang, nhiều tranh chấp xảy ra khi mà cơ sở pháp lý chưa có và tất nhiên người được lợi nhất chính là chủ thể tạo ra các sàn này.
Cũng chính từ giữa năm 2009, các công ty chứng khoán đã liên tục đưa ra các sản phẩm, các dịch vụ cạnh tranh khác biệt nhưng chưa được thừa nhận, nhằm mục đích nâng cao thị phần và lôi kéo nhà đầu tư từ công ty chứng khoán này sang công ty chứng khoán khác.
Làn sóng cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán ngày càng khốc liệt. Nhà đầu tư kỳ vọng vào những khoản lợi nhuận lớn đã sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao, nhiều công ty chứng khoán triển khai nghiệp vụ short-sell cũng đưa nhà đầu tư vào vòng xoáy kỳ vọng lợi nhuận lớn.
Nhiều thông tin nội gián bắt đầu phát huy tác dụng, nhiều tổ chức và nhà đầu tư bắt tay với các tổ chức niêm yết để khai thác, tạo dựng thông tin nội gián để dẫn dắt nhà đầu tư nhằm kiếm lợi nhuận bất chính cho mình. Thị trường chứng khoán đã rộ lên những đội “làm giá” cổ phiếu, các đội short-sell.
Một số công ty chứng khoán nằm trong số 10 công ty chứng khoán có thị phần cao nhất đã lập rất nhiều phòng môi giới chuyên để làm điều này cùng với việc cung cấp đòn bẩy tài chính cao để cuốn hút nhà đầu tư mạo hiểm tham gia. Nhiều nhà đầu tư thay vì việc nhận được sự tư vấn đầu tư chuyên nghiệp của các chuyên gia, nghiên cứu báo cáo tài chính của doanh nghiệp chuyển sang tìm kiếm thông tin từ các đội "làm giá" để đưa ra quyết định đầu tư của mình.
Thị trường chứng khoán bắt đầu vận động không theo quy luật và vượt ra ngoài quỹ đạo của nó, và tất nhiên hệ quả của nó là nhà đầu tư tiền mất tật mang, nhiều công ty chứng khoán rơi vào tình trạng mất khả năng thanh khoản hoặc phải ôm một khoản nợ khổng lồ.
Tái cấu trúc, hy vọng mong manh
Toàn xã hội đang rộ lên việc tái cấu trúc. Hệ thống ngân hàng tái cấu trúc, các tập đoàn kinh tế lớn tiến hành tái cấu trúc, các thành phần kinh tế khác cũng đang tái cấu trúc, và…
Không nằm ngoài xu hướng đó, thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều vấn đề như vậy tại sao không tái cấu trúc? Suy luận một cách đơn giản như vậy thì đúng là các cơ quản lý đã thể hiện trách nhiệm rất lớn đối với những đứa con của mình sinh ra.
Thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, nhưng, những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán Việt Nam những năm qua đã cho nhà đầu tư thấy niềm tin cũng thật mong manh. Khi nhiều bất cập, thiếu công bằng, không minh bạch thông tin cũng như nhiều tiêu cực đã liên tiếp xảy ra trên thị trường mà thiếu đi sự quản lý và dự báo của các cơ quan quản lý, không đưa ra được những quyết định kịp thời nhằm hướng thị trường vận động theo đúng quỹ đạo.
Nếu cơ quan quản lý triển khai nghiệp vụ cho vay ký quỹ (margin) sớm hơn, và có các biện pháp để kiểm soát và định hướng cho việc phát triển nghiệp vụ này thì chắc chắn hiện nay sẽ không có nhiều vấn đề tiêu cực tồn tại. Nếu cơ quan quản lý mạnh tay hơn với các công ty chứng khoán mất thanh khoản thì có lẽ không có nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và cho nhiều công ty chứng khoán khác. “Nếu” thì nhiều lắm, khi mà chúng ta đã bỏ qua mất nhiều cơ hội dự báo, định hướng và kiểm soát thị trường khi mà nó chưa sinh ra những tồn tại và tiêu cực.
Đề án tái cấu trúc các công ty chứng khoán của cơ quan quản lý có khắc phục được triệt để các tồn tại này hay không, hiện tại không ai có thể trả lời chính xác được câu hỏi này.
Còn đối với nhà đầu tư, mong muốn lớn nhất vẫn là việc được tiếp cận các nguồn thông tin chính xác và minh bạch, các nghiệp vụ và các sản phẩm cho thị trường được triển khai một cách đồng bộ, đảm bảo sự công bằng. Trước mắt thì việc triển khai rút ngắn thời gian thanh toán thành T+2 có thể xem là yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư, khi mà cơ quan quản lý cũng đã đề cập nhiều lần về thời điểm triển khai. Việc trì hoãn triển khai rút ngắn thời gian thanh toán thành T+2 cũng làm cho nhà đầu tư mất dần niềm tin vào cơ quan quản lý. Việc triển khai nó, mặc dù có thể bị trì hoãn vì lý do kỹ thuật, tuy nhiên nếu chúng ta thực sự muốn triển khai thì không có lý do gì mà chúng ta không thể làm được.
Việc tái cấu trúc các công ty chứng khoán không thể chỉ thực hiên bằng phương pháp cơ học, dựa vào các con số và đốt cháy giai đoạn, hơn ai hết các cơ quan quản lý biết được sức khỏe những người con của mình sinh ra, để từ đó đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp cho từng đối tượng. Không nên bắt tất cả các con của mình đều phải uống một liều thuốc như nhau, đều phải thực hiện một phác đồ điều trị như nhau, tất yếu sẽ dẫn những hậu quả không mong đợi.
Đoàn Ngọc Hoàn
tbktvn



Xem bài viết: Chứng khoán, “bỗng dưng muốn khóc”