Nhìn lại những vụ bê bối chứng khoán năm 2011 (Phần 1)
(Vietstock) – Đây là cơ hội để giới đầu tư và cả cơ quan quản lý rút tỉa nhiều kinh nghiệm thú vị, khi năm 2011 sắp qua đi.
* Những sự kiện đình đám trên TTCK năm 2011 (phần 1)
* Những sự kiện đình đám trên TTCK năm 2011 (phần 2)
Năm 2011 chứng khiến sự khó khăn tột cùng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn bùng nổ hàng loạt vụ bê bối chưa có tiền lệ và hệ quả là niềm tin của thị trường đã bị đánh cắp ít nhiều.
Nhìn lại các vụ bê bối này là cơ hội để giới đầu tư và cả cơ quan quản lý rút tỉa nhiều kinh nghiệm thú vị.

Câu chuyện phá sản của DVD và việc ém nhẹm thông tin
Năm 2010 là giai đoạn đầy biến cố đối với CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cùng một loạt nhân sự cao cấp bị bắt do liên quan đến việc thao túng giá chứng khoán, đồng thời xuất hiện những nghi ngờ xung quanh việc lập báo cáo tài chính “ảo”.
Tình hình kinh doanh năm 2011 của DVD tiếp tục lao dốc thảm hại, các khoản lỗ ngày một gia tăng, công ty mất khả năng thanh toán, và khi không thể gượng dậy nổi thì phá sản dường như là điều tất yếu.
Mặc dù tại cuộc họp đại hội cổ đông, cổ đông của DVD đã nhận thấy nguy cơ phải phá sản, nhưng nhiều người vẫn “ngã ngửa” khi các thông tin liên quan đến việc mở thủ tục phá sản được công bố.
Thông tin DVD mở thủ tục phá sản chỉ đến sau gần 20 ngày từ một công văn của Ngân hàng TNHH MTV ANZ Việt Nam (một chủ nợ của DVD) vào ngày 24/8/2011 gửi cho Sở GDCK TPHCM; trong đó cho biết Tòa án Nhân dân TPHCM đã thụ lý đơn vào ngày 10/05/2011 và ban hành Quyết định số 426/2011/QĐ-MTTPS ngày 05/08/2011 cho phép mở thủ tục phá sản đối với DVD.
Ngày 4/10, UBCKNN thông báo đã nhận được công văn từ DVD cho biết công ty này chính thức chấm dứt hoạt động.
Việc che đậy hàng loạt thông tin xấu làm cho không ít câu hỏi cần được đặt ra: liệu rằng có hoạt động “thoát hàng” diễn ra trong khoảng thời gian thông tin được che đậy hay không, liệu có hay không việc tẩu táng tài sản hay nâng thêm các khoản nợ của DVD…
Việc DVD phá sản đã khiến cho hàng nghìn cổ đông của doanh nghiệp này đối diện với nguy cơ gần như mất trắng, các chủ nợ là những ngân hàng lớn cũng không tránh khỏi lao đao.
Vụ việc DVD cũng làm bộc lộ những yếu kém trong công tác giám sát doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông. Ngoài ra, câu hỏi cũng cần đặt ra đối với chất lượng cũng như trách nhiệm của các đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính.
CTCK: Thiếu hụt thanh khoản và kiểm soát rủi ro yếu kém
Trong vòng chỉ hơn 1 tháng từ ngày 1/11 đến ngày 5/12, CTCK SME (HNX: SME) đã 2 lần lâm vào tình trạng thiếu hụt tiền trong thanh toán bù trừ với quy mô giao dịch bị hủy lần 1 chỉ vào khoảng 1.6 tỷ đồng và lần 2 với hơn 3 tỷ đồng.
Với quy mô thiếu hụt tương đối nhỏ nhưng công ty vẫn không thể thực hiện việc thanh toán khiến cho giới đầu tư e ngại về năng lực tài chính thực sự tại CTCK này.
Với việc SME liên tiếp vi phạm quy chế thanh toán bù trừ, UBCK đã đưa ra các biện pháp mạnh hơn với việc đình chỉ tạm thời từ cách thành viên của hai Sở GDCK (HOSE và HNX) trong vòng 1 tháng kể từ ngày 7/12. Bên cạnh đó, Sở GDCK Hà Nội cũng quyết định đưa cổ phiếu SME vào dạng kiểm soát từ ngày 7/12 và chỉ được giao dịch trong ngày thứ 6 hàng tuần.
Trước đó, CTCK Tràng An (HNX: TAS) cũng đã bị Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cảnh cáo do vi phạm quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán chứng khoán.
Việc SME và TAS mất thanh khoản xuất phát từ tình hình kinh doanh thua lỗ do thị trường chứng khoán trầm lắng, thanh khoản èo uột. Hơn 50% thị phần lại đang tập trung vào 10 CTCK lớn và như vậy gần 90 CTCK nhỏ chia sẻ chưa đầy 50% thị phần còn lại.
Hoạt động đầu tư trở nên khó khăn hơn khi diễn biến thị trường “phập phồng”, xu hướng giảm điểm là chủ đạo và do đó các khoản trích lập dự phòng cũng vì thế ngày một gia tăng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tràn lan công cụ margin đã khiến cho nhiều CTCK tràn ngập nợ xấu và khó khăn về dòng tiền.
Liên quan đến hợp đồng hợp tác đầu tư, sử dụng margin thì đỉnh điểm là 2 sự kiện:
(1) Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Hà Thành (HASC) bỏ trốn cùng khoản nợ lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đây là khoản thâm hụt do ông Chủ tịch vay các tổ chức tín dụng dưới danh nghĩa cá nhân và HASC để sử dụng cho việc đầu tư chứng khoán bằng công cụ margin.
(2) Vụ kiện xoay quanh PFI và CTCP Chứng khoán Phố Wall (HNX: WSS). PFI yêu cầu WSS phải hoàn trả toàn bộ số tiền nợ gốc còn lại, cũng như nợ lãi và nợ quá hạn lên tới gần 100 tỷ đồng. Vẫn chưa rõ kết quả của vụ kiện ra sao nhưng rõ ràng trong xu thế giảm điểm của thị trường hiện tại thì các hợp đồng hợp tác đầu tư sẽ còn gây thêm nhiều rắc rối.
Rất có thể nỗi lo về thanh khoản ở nhóm CTCK sẽ còn tiếp tục lan truyền trong thời gian sắp tới khi thị trường vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Cho dù điều gì xảy ra đi nữa thì niềm tin của giới đầu tư cũng sẽ bị sứt mẻ đáng kể sau những vụ việc này.
CTCK không muốn làm chứng khoán, bỏ nghiệp vụ môi giới, “bán” khách hàng…
CTCP Chứng khoán Kim Long (HNX: KLS) từng vang bóng một thời với số vốn điều lệ lên tới hơn 2,000 tỷ đồng “bỗng dưng” muốn bỏ chạy khỏi ngành chứng khoán. Sự việc này đã khiến TTCK Việt Nam một phen chấn động.
Lý do KLS đưa ra là do ngành kinh doanh chứng khoán đã trở nên rủi ro và muốn chuyển qua lĩnh vực hấp dẫn hơn như bất động sản hoặc các dự án phát triển khác.
KLS đã tiến hành ĐHĐCĐ để thông qua ý tưởng trên nhiều lần nhưng đều bất thành. Sau đó, lãnh đạo đành phải khẳng định KLS sẽ vẫn tiếp tục là một công ty chứng khoán.
Dù vẫn giữ nguyên hoạt động, nhưng có nhiều nhiều câu hỏi đặt ra khi KLS đã thu hẹp quy mô hoạt động chứng khoán từ cuối năm 2010, và quan trọng nhất là tâm huyết của ban lãnh đạo có còn đối với nghiệp “chứng trường” khi họ đã nhiều lần quyết tâm từ bỏ.
Bên cạnh KLS, xu hướng từ bỏ chứng khoán có vẻ như đang lan rộng khi mới đây, CTCP Chứng khoán Đông Dương (DDSC) vừa có thông báo tạm ngưng nghiệp vụ môi giới và chuyển khách hàng qua CTCK Kim Eng Việt Nam (KVS). Trong khi đó, CTCK Hà Nội (HSSC) đã có động thái xin rút nghiệp vụ môi giới.
Cổ đông bất đắc dĩ từ trái phiếu chuyển đổi
Nhiều nhà đầu tư cảm giác như bị lừa – đó là kết luận xung quanh câu chuyện trái phiếu chuyển đối của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (HNX: SHB) và CTCP Vận tải Biển Bắc (UPCOM: NOS). Kết thúc thời gian đăng ký chuyển đổi thì rất nhiều trái chủ đã trở thành các cổ đông bất đắc dĩ của doanh nghiệp.
Với mức giá cổ phiếu SHB vào thời điểm đăng ký chuyển đổi chỉ xoay quanh 10,000 đồng, trong khi đó lại chuẩn bị bị điều chỉnh do hưởng quyền nhận cổ tức 650 đồng thì với mức giá chuyển đổi là 10,000 đồng, việc trái chủ đồng ý chuyển đổi là điều khó có thể xảy ra.
Đối với NOS, mức giá chuyển đổi ấn định 10,000 đồng là quá cao so với thị giá lúc đăng ký chuyển đổi là 1,900 đồng. Nếu trái chủ tiến hành chuyển đổi thì chắc chắn sẽ cầm chắc lỗ nặng.
Mặc dù vậy, việc chuyển đổi vẫn diễn ra vẫn hết sức suôn sẻ khi SHB đã chuyển đổi thành công 13,182,764 trái phiếu trong số 14,976,620 trái phiếu phát hành, chiếm tỷ lệ 88.02%. NOS đạt tỷ lệ hơn 75% khi có tổng cộng 660,000 trái phiếu trên 860,000 trái phiếu được phát hành tiến hành chuyển đổi.
Nguyên nhân là do nhiều nhà đầu tư dường như đã “sập bẫy” khi không theo dõi sát sao cũng như xem xét kỹ thông tin về thời gian đăng ký chuyển đổi trái phiếu của hai doanh nghiệp này.
Trong công văn đề ngày 30/3/2011 của SHB về việc thanh toán lãi và chuyển đổi trái phiếu, được HNX công bố ngày 1/4/2011, ngân hàng này quy định: thời gian đăng ký chuyển đổi là từ ngày 4/5/2011 đến 18/5/2011, trường hợp nhà đầu tư không đăng ký chuyển đổi trong thời gian nói trên, SHB sẽ tự động chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Nhưng chỉ đúng 1 tuần, ngày 8/4/2011, HNX công bố công văn của SHB ký ngày 6/4/2011 về việc thay đổi thời gian đăng ký chuyển đổi trái phiếu, thay đổi thời gian đăng ký chuyển đổi ngày từ 4/5 đến 18/5 lên thành từ 21/4 đến 5/5. Do việc thay đổi bất ngờ và sát với thời điểm công bố thời gian đăng ký chuyển đổi ban đầu nên nhiều nhà đầu tư đã không chú ý và rơi vào thế bị động.
Trong khi đó, trái chủ của NOS cũng bị “tập kích” khi thông tin về thời hạn đăng ký được thông báo khá nhập nhằng, dẫn đến nhầm lẫn cho nhà đầu tư nếu không đọc kỹ càng.
Mặc dù không làm sai luật do các thông tin vẫn được công bố công khai và đầy đủ thủ tục, nhưng việc thay đổi “nhanh chóng” thời gian đăng ký cũng như cách ghi thông tin khá mập mờ khiến những nhà đầu tư không theo dõi sát thông tin trở tay không kịp và đành chấp nhận bị “đánh úp”.
Trong bối cảnh “gạo châu củi quế” thì rõ ràng việc doanh nghiệp phát hành ”xoay sở” để không phải trả lại tiền cho trái chủ là hoàn toàn dễ hiểu. Đây là một cảnh báo đối hàng loạt nhà đầu tư khác đang cầm trên tay trái phiếu chuyển đổi. Rõ ràng cần phải cẩn trọng và tập trung hơn trong việc thu thập và xử lý thông tin liên quan đến trái phiếu chuyển đổi của mình.
Đức Nguyễn



Xem bài viết: Nhìn lại những vụ bê bối chứng khoán năm 2011 (Phần 1)