TS Nguyễn Sơn: 4 trụ cột trong đề án tái cấu trúc TTCK
TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - UBCKNN tại hội thảo do Vietstock Communications tổ chức
(Vietstock) – Đề án tái cấu trúc TTCK đã chuẩn bị xong và UBCKNN đã báo cáo với Thủ tướng chiều 16/12. Trọng tâm của tái cấu trúc xoay quanh 4 nội dung.
Đó là tái cấu trúc trung gian tài chính (CTCK); tái cấu trúc 2 Sở GDCK; tái cấu trúc khu vực hàng hóa của thị trường, kể cả thị trường trái phiếu; và tái cấu trúc cơ sở các nhà đầu tư.
Thông tin trên được TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường - UBCKNN, công bố tại hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro trong năm 2012 - Từ vĩ mô, chính sách đến thị trường chứng khoán” diễn ra sáng ngày 17/12 tại TPHCM, do Vietstock Communications tổ chức.
Thứ nhất, về tái cấu trúc CTCK, ông Sơn cho rằng đây là việc phải làm vì số công ty thua lỗ và đứng bên bờ vực phá sản. Thực trạng cho thấy vốn hóa của các CTCK hiện khá thấp nhưng số lượng công ty lại quá nhiều (105 CTCK). Việc tái cấu trúc sẽ dựa trên tiêu chí an toàn tài chính, thực hiện theo Thông tư 226. Theo đó, sẽ đưa công ty chứng khoán vào 3 nhóm: Hoạt động bình thường; diện kiểm soát và kiểm soát đặc biệt. Theo lộ trình, từ nay đến 01/04/2012 sẽ có phân định rất rõ về mảng tái cấu trúc CTCK.
Nhận diện cơ hội và rủi ro 2012:
* TS Võ Trí Thành: Dự báo lãi suất giảm vào nửa cuối Q2/2012 là không xa
* TS Nguyễn Sơn: 4 trụ cột trong đề án tái cấu trúc TTCK
* Vì sao T+2 chưa được áp dụng?
* TS Quách Mạnh Hào: Nhận diện kịch bản TTCK 2012 qua 5 nhóm nhân tố quan trọng
* TTCK 2011 dưới con mắt nhà quản lý
* Tin ảnh: Hội thảo nhận diện Cơ hội và Rủi ro năm 2012

Thứ hai, đối với việc tái cấu trúc 2 Sở, ông Sơn cho biết hiện nay trên thực tế chưa có chế tài để buộc doanh nghiệp niêm yết (DNNY) phải vào thị trường nào, mặc dù lý thuyết có sự ràng buộc về quy mô vốn. Do vậy, mới có chuyện ai muốn vào thị trường nào thì vào, dẫn đến hoạt động của các DNNY chưa thực sự hiệu quả. Theo ông Sơn, việc hợp nhất các Sở hay thành lập một Tập đoàn Sở với các Sở con là vấn đề cần cân nhắc. Đề án này sẽ báo cáo Chính phủ trên cơ sở sẽ phân loại thành thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường công cụ phái sinh (phái sinh dựa vào chỉ số - Index Future, Option, ETF, một số loại chứng chỉ, sản phẩm, hợp đồng đầu tư). Theo lộ trình, quá trình tái cấu trúc sẽ mất từ 2-3 năm.
Thứ ba, ở góc độ tái cấu trúc hàng hóa, gồm cấu trúc về thị trường cổ phiếu và trái phiếu, trước đây phát triển TTCK Việt Nam theo chiều rộng và hiện nay phải theo chiều sâu. Theo đó, UBCKNN sẽ nâng cấp các tiêu chuẩn niêm yết, đây là điều đã được đưa vào Nghị định của Chính phủ, dự kiến sẽ được ký ban hành trong tháng 12 này. Đối với thị trường trái phiếu, sẽ cơ cấu lại hàng hóa trên cơ sở hoán đổi các mã trái phiếu hiện nay trên thị trường thành một số mã nhất định để tạo ra số lượng lớn trên một mã trái phiếu nhằm gia tăng tính thanh khoản. Hiện UBCKNN đã hoàn chỉnh đề án về tái cấu trúc hoán đổi trái phiếu.
Và thứ tư, tái cấu trúc cơ sở các nhà đầu tư nhằm mục đích khuyến khích phát triển các định chế, đầu tư có tổ chức, chuyên nghiệp. Cụ thể là tạo lập quỹ mở để tạo cơ chế thông thoáng và là bài toán để xử lý cho các quỹ đóng đến thời điểm đóng quỹ có thể chuyển đổi thành quỹ mở. Ngoài ra sẽ phát triển các loại quỹ khác như ETF, quỹ hưu trí tự nguyện, các quỹ sản phẩm liên kết bảo hiểm.
UBCKNN cũng dần hoàn thiện khung pháp lý, các thể chế khác, trong đó có công bố thông tin, quản trị công ty, chuẩn niêm yết trên hai thị trường. Các văn bản pháp lý này sẽ được hoàn thiện và ký ban hành trong quý 1/2012.
Riêng Thông tư công bố thông tin (thay thế Thông tư 09/BTC) được xây dựng trên cơ sở minh bạch hóa thị trường, đặc biệt là đối với các công ty đại chúng có quy mô vốn hóa lớn thì trách nhiệm công bố thông tin gần như giống với công ty niêm yết. Ngoài ra cũng sẽ thay đổi các điều kiện công bố thông tin của cổ đông lớn, nội bộ, cổ phiếu quỹ.
> Xem tiếp: TTCK 2011 dưới con mắt nhà quản lý (17/12/2011)
Bội Mẫn ghi



Xem bài viết: TS Nguyễn Sơn: 4 trụ cột trong đề án tái cấu trúc TTCK