Vietstock Weekly: Nhận định thị trường chứng khoán Tuần 19 - 23/12
(Vietstock) – Thị trường vẫn nằm trong vùng nhạy cảm, được thể hiện khá rõ khi chỉ số tăng mạnh vào cuối tuần nhưng thanh khoản đã sụt giảm trở lại, đặc biệt là trên HNX.
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
Giao dịch khởi sắc trong phiên cuối tuần nhưng tính chung cả tuần, VN-Index vẫn giảm 2.95% và đứng tại mốc 366.03 điểm; HNX-Index giảm mạnh 3.08% đứng tại 59.83 điểm. Nhóm cổ phiếu chủ chốt thể hiện qua VS 100 giảm nhẹ 0.35% xuống 54.18 điểm.
VS-Micro Cap có tuần giảm điểm mạnh nhất khi mất 4.36%, tiếp theo là VS-Large Cap giảm 4.15%, VS-Small Cap giảm 2.61%, trong khi đó VS-Mid Cap giảm nhẹ nhất 1.15%.
Tính chung cả tuần giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh đã tăng nhẹ 3.1% trên HOSE và giảm 9.5% trên HNX so với tuần trước.
Giao dịch trên cả hai sàn tốt dần về cuối tuần, tuy nhiên khối lượng giao dịch đã có sự sụt giảm trở lại. Đặc biệt là trên HNX khi khối lượng giao dịch khớp lệnh chỉ đạt hơn 24 triệu, giảm mạnh 20.3% so với phiên giao dịch thứ Năm.
Mặc dù VIC đã có tuần giao dịch khởi sắc nhưng sự sụt giảm mạnh của MSNBVH đã kéo chỉ số VS-Large Cap giảm mạnh. Và điều này cũng đã ảnh hưởng mạnh đến các chỉ số thị trường. Nhìn chung, chỉ số VS 100 cho thấy xu hướng thị trường là giảm nhẹ trong tuần qua.
Khoảng trống thông tin cộng với diễn biến không mấy tốt đẹp từ các CTCK đã khiến cho sự bi quan của giới đầu tư dễ dàng tăng cao và không quá bất ngờ khi các chỉ số thị trường tiếp tục lao dốc trong các phiên giao dịch trong tuần.
Điểm số thị trường liên tục giảm mạnh đã kích thích dòng tiền bắt đáy trở lại vào các phiên giao dịch giữa tuần. Nhìn chung bên mua vẫn duy trì lực mua chủ yếu dưới giá tham chiếu nhưng áp lực bán mạnh mẽ giúp thanh khoản thị trường gia tăng và thu hẹp dần đà giảm điểm của các chỉ số.
Khối ngoại cũng đã góp phần vào việc ổn định tâm lý thị trường khi gia tăng mạnh giao dịch mua ròng trên cả hai sàn.
Phiên tăng điểm cuối tuần đã chính thức chấm dứt chuỗi 8 phiên sụt giảm liên tiếp trên HOSE và 5 phiên trên HNX trước đó.
Vấn đề thanh khoản của SME tiếp tục là đề tài nóng trong tuần qua, khi tài khoản tiền mặt của CTCK này đã cạn kiệt. Nhà đầu tư muốn rút tiền phải phải xếp hàng theo thứ tự trong vòng 2-3 tuần mới có thể được giải quyết.
Sau vụ SME, thị trường lại tiếp tục đón nhận thông tin không mấy tốt đẹp khi CTCP Chứng khoán Đông Dương (DDSC) tạm ngừng nghiệp vụ môi giới, chuyển qua hợp tác với CTCP Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS) để cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và margin cho khách hàng. Trong khi đó, CTCK Hà Nội (HSSC) cũng đã có động thái xin rút nghiệp vụ môi giới.
Tài chính là ngành thu hút dòng tiền nhiều nhất trong tuần qua, điển hình trên HOSE là STB, SSISBS; trong khi trên HNX vẫn là các mã thường lệ KLSVND.
Giao dịch thỏa thuận tăng ”khủng” trên HOSE khi có tới hơn 89 triệu đơn vị được trao tay trong tuần qua. Dẫn đầu là STB với hơn 25 triệu đơn vị, tiếp theo là SSI với 16.2 triệu đơn vị, SBS với gần 12 triệu đơn vị, HAG với gần 8 triệu đơn vị, VIC, SJS, HBC, EIB, SBSMCG đều hơn 1 triệu đơn vị mỗi cổ phiếu.
CNTT-Truyền thông là ngành có mức tăng cao nhất 4.58%, trong khi BVH liên tục sụt giảm mạnh khiến cho ngành Bảo hiểm mất 8.97% trong tuần qua.
Trái ngược với BVH; bộ ba đại gia VIC, VPL và SJS đã có tuần giao dịch khởi sắc giúp Bất động sản tăng điểm mạnh 4.26%, Ngân hàng gần như đứng yên khi chỉ tăng nhẹ 0.08%; trong khi đó Xây dựng và Chứng khoán sụt giảm khá mạnh lần lượt 4.68% và 6.91%.
Trong tuần qua, khối ngoại mua ròng gần 145 tỷ đồng trên cả hai sàn, bao gồm mua ròng gần 103 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng 42 tỷ đồng trên HNX.
Trên HOSE, khối ngoại trở lại ròng mạnh nhất VIC với hơn 850 ngàn đơn vị, tương ứng với 84.7 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, họ bán ròng mạnh nhất STB với hơn 5.9 triệu đơn vị tương ứng với 86.7 tỷ đồng.
Trên HNX, VCG được mua ròng mạnh nhất với giá trị 14.1 tỷ đồng, trong khi SCR bị bán ròng mạnh nhất với 1.8 tỷ đồng.
II. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 19 – 23/12/2011
Trong tuần qua, NHNN đã quyết định tăng thêm 0.05% đối với tỷ giá USD/VND giao dịch liên ngân hàng. Đây là quyết định khá bất ngờ khi trước đó tỷ giá đã dần hạ nhiệt nhờ vào những thông tin tích cực như lượng kiều hối tăng mạnh, nhập siêu giảm, lượng vốn FDI giải ngân tăng và yếu tố đầu cơ vàng vơi đi.
Nguyên nhân của việc gia tăng tỷ giá có thể đến từ áp lực của hoạt động nhập khẩu gia tăng trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, có thể việc mua USD để cơ cấu lại tỷ lệ cho vay ngoại tệ của các ngân hàng, và cũng không loại trừ hoạt động đầu cơ vàng đang trở lại khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại được nới rộng .
Với mức tăng thêm này thì tỷ giá đã tăng tổng cộng 0.9% và vẫn nằm trong phạm vi cam kết 1% của NHNN.
Đáng chú ý, BIDV tiếp tục công bố hạ mức lãi suất ưu đãi thêm 0.5% ở các khoản cho vay đối với những doanh nghiệp nằm trong diện ưu tiên. Động thái hạ lãi suất của BIDV là khá bất ngờ, đặc biệt là trong khoản thời gian cuối năm khi vấn đề thanh khoản được đánh giá là căng thẳng hơn. Tuy vậy, chúng tôi cho rằng khả năng doanh nghiệp tiếp cận được các khoản vay ưu đãi này là không nhiều.
Tuần giao dịch tới, khoảng trống thông tin sẽ được lấp đầy với những thảo luận xung quanh chỉ số CPI tháng 12.
Do yếu tố chu kỳ nên nhiều khả năng CPI tháng 12 sẽ tăng cao hơn so với các tháng gần đây. Con số dự báo đang nằm trong khoảng 0.5-0.6% và như vậy CPI cả năm 2011 sẽ tăng khoảng 18.1% - 18.2% so với cuối năm 2010, và vẫn trong vùng mục tiêu của Chính phủ.
Thị trường đã tỏ ra tích cực hơn trong các phiên cuối tuần; tuy nhiên thống kê lệnh của chúng tôi cho thấy áp lực xả hàng vẫn đang diễn ra khá mạnh.
Cần để ý rằng áp lực thanh lý đến từ nhóm CTCK có thể vẫn còn tiếp tục gia tăng do áp lực về thanh khoản, hoạt động “margin call”. Ngoài ra, áp lực từ việc hoàn trả nợ gốc các khoản vay ngắn hạn cho các ngân hàng và cuối năm cũng có thể diễn ra.
Thị trường có thể có một vài phiên giao dịch tích cực hơn trong ngắn hạn và giúp thị trường đẩy lùi nguy cơ sụt giảm mạnh. Nhưng thị trường vẫn nằm trong vùng nhạy cảm, được thể hiện khá rõ khi chỉ số tăng mạnh vào cuối tuần nhưng thanh khoản đã sụt giảm trở lại, đặc biệt là trên HNX.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Chịu sức ép từ internal trendline. Mặc dù có phục hồi khá mạnh vào giữa phiên ngày 16/12/2011, VN-Index vẫn chịu sức ép rất lớn từ internal trendline và đã thoái lùi vào cuối phiên.
Sự chững lại của đà giảm điểm mạnh cũng phần nào làm giảm bớt lo ngại điều chỉnh sâu của thị trường. Khoảng cách giữa hai đường –DI và +DI sau khi đạt cực đại trong phiên ngày hôm qua (15/12/2011) đã bắt đầu thu hẹp dần. Đây là tín hiệu cho thấy xu hướng điều chỉnh ngắn hạn có thể sắp kết thúc.
Giới phân tích hiện đang lo ngại về vùng kháng cự tổng hợp (vùng 370 – 390 điểm) của internal trendline và SMA 20 sẽ khiến cho sự tăng trưởng sớm kết thúc. Vì vậy, diễn biến trong vài phiên tới sẽ rất quan trọng và quyết định xu hướng ngắn hạn của VN-Index.
HNX-Index – Trendline ngắn hạn đã trụ vững. Ngưỡng Fibonacci Retracement 161.8% và trendline ngắn hạn (tương đương vùng 57 – 58 điểm) đã trụ vững trong các phiên giao dịch vừa qua. Điều này giúp cho hi vọng về một đợt tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn được nâng lên.
Một vấn đề khác cũng được giới phân tích kỹ thuật quan tâm là thanh khoản liên tục sụt giảm trong 3 phiên gần đây. Mặc dù mức độ không quá lớn nhưng động thái này phần nào cảnh báo về khả năng thoái lùi tiếp tục có thể xảy ra.
VIETSTOCK INDEX
VS 100: Hồi phục mạnh (+1.84%) trong phiên giao dịch ngày 16/12/2011, mẫu hình nến hammer xuất hiện hôm trước đã báo hiệu chính xác sự bứt phá của VS 100.
Thanh khoản tiếp tục duy trì mức cao. Nếu điều này vẫn tiếp diễn trong 1 – 2 phiên tới thì có thể sẽ giúp đảo ngược đà giảm điểm ngắn hạn.
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 16/12/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 3.5, tức số mã tăng giá bằng 3.5 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 4.78, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 4.78 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 2.98 lần và VS-U/D HNX bằng 9.92 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 0.50.
Phân kỳ giá lên của chỉ số VS-Thrust VN và VS-ADL VN trong vùng oversold sắp hình thành. Nếu tín hiệu này xuất hiện, sự phục hồi trung hạn sẽ có nhiều khả năng xảy ra.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 12 – 16/12/2011

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Vietstock Weekly: Nhận định thị trường chứng khoán Tuần 19 - 23/12