Tết nghèo của ngành chứng khoán, bất động sản
Kinh doanh thua lỗ, đầu ra của dự án hạn hẹp nên việc thưởng Tết năm nay khiến các ông chủ trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản đau đầu hơn bao giờ hết.

Tổng giám đốc Công ty Lilama SHB Lê Tấn Hòa chia sẻ: "Năm 2010 doanh nghiệp còn thưởng Tết 2-3 tháng lương nhưng năm nay sụt giảm hơn 50%". Ông Hòa giải thích, doanh thu giảm mạnh, thậm chí bị thua lỗ nên thưởng Tết của doanh nghiệp không thể như mọi năm. Tuy nhiên, dù khó đến đâu, doanh nghiệp vẫn chuẩn bị quà Tết và tháng lương thứ 13 cho nhân viên. Những người ở xa sẽ được hỗ trợ thêm tiền tàu xe.
Ông Hòa giải thích thêm, công nhân thời vụ và nhân viên gián tiếp tại các công trường bị giãn tiến độ tạm nghỉ, hiện chỉ còn một phần ba lượng nhân viên trực tiếp còn làm việc nên doanh nghiệp mới cáng đáng nổi khoản thưởng Tết này.
Tình cảnh của các sàn địa ốc cũng không khá hơn là bao. Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Song Phát, Trần Tấn Thiện thổ lộ: "Hiệu quả kinh doanh năm nay kém, tính cả 4 quý công ty lỗ nhiều hơn lời, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo thưởng tối thiểu một tháng lương cho nhân viên. Dù khó đến đâu thì ai cũng phải ăn Tết".
Theo ông Thiện, những năm trước, thưởng Tết của nhân viên khá cao, không khí rất sôi nổi vì bán được nhiều hàng. Có người được nhận 7-8 tháng lương, mức thưởng gần 100 triệu đồng. Năm nay thưởng Tết chỉ là một tháng lương sẽ khiến không ít anh em lo nghĩ. "Trong hoàn cảnh hiện nay khó có thể cầu toàn vì ngành nghề nào, doanh nghiệp nào cũng khó", ông Thiện giãi bày.
Dù nhiều doanh nghiệp địa ốc bạc mặt lo thưởng Tết nhưng một số đơn vị vẫn có mức thưởng khá cao. Tổng giám đốc Công ty địa ốc Phúc Khang, Lưu Thị Thanh Mẫu cho biết: "Năm nay doanh nghiệp đã chọn đúng phân khúc đất nền vùng ven để bung hàng và có doanh thu khả quan. Chính vì vậy, mức thưởng năm nay sẽ cao hơn mọi năm, tăng ít nhất 50% so với năm ngoái".
Theo bà Mẫu, nhân viên kinh doanh của Phúc Khang được thưởng theo doanh số. Các nhân viên còn lại được thưởng theo thâm niên và mức độ cống hiến. Mức thưởng thấp nhất là quà Tết cộng với 1-2 tháng lương. Mức thưởng cao hơn dự kiến tương đương 5 tháng lương. Bà Mẫu cho biết thêm, do vật giá leo thang và ảnh hưởng của lạm phát nên công ty đã tăng lương 10-40% cho nhân viên tùy vị trí công tác.
Cùng cảnh ngộ với địa ốc, hàng loạt công ty chứng khoán thua lỗ, tài chính yếu kém nên chuyện thưởng Tết cho nhân viên trở nên xa xỉ.
"Lây lắt sống qua ngày đã không hề dễ dàng gì nên chưa dám bàn tới chuyện thưởng Tết", tổng giám đốc một công ty chứng khoán có trụ sở ở quận 1, TP HCM than thở. Thế nhưng, không sớm thì muộn, ban lãnh đạo cũng phải tính đến việc này để nhân viên hưởng chút không khí Tết. Đây cũng là lý do mà cả tuần nay ông "ăn không ngon ngủ không yên".
"Mọi năm, nhân viên ít nhất cũng được 1 tháng lương, nhưng năm nay khả năng này rất thấp. Việc thưởng vài tháng lương giờ chỉ còn là giấc mơ, ông nói. Tới thời điểm này, công ty thua lỗ hàng chục tỷ đồng, đang vật lộn để tồn tại hàng ngày nên không biết lấy từ nguồn nào để xét thưởng cho nhân viên.
Chưa gút lại phương án thưởng Tết, song ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC cũng cho biết đây là câu chuyện đau đầu với Hội đồng quản trị hiện nay, do thị trường chứng khoán đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử.
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán ở quận 3, TP HCM cho biết sẽ cố gắng có tháng lương thứ 13 cho nhân viên, chứ không thể thêm bất kỳ khoản nào khác. "Đó đã là nỗ lực lớn, bởi quỹ khen thưởng hiện bằng 0, phải xoay sở nguồn khác để thưởng", ông nói.
Năm nay, công ty ông tăng lương 15-20%, song nhân viên chỉ bằng một nửa so với năm ngoái nhưng cũng khiến quỹ lương đuối sức. Doanh thu môi giới 9 tháng không bằng một phần tư cùng kỳ, nhân viên chán nản. Giai đoạn từ giữa năm, hàng loạt cán bộ chủ chốt ra đi tìm hướng mới khi thị trường chứng khoán quá khắc nghiệt, chưa thấy triển vọng sáng sủa. "Những người ở lại cũng không biết có chờ nổi tới ngày 'trời sáng' hay cũng sẽ lần lượt ra đi", ông chua chát.
Số ít công ty chứng khoán có lãi, nhưng việc xét thưởng được xem xét chặt chẽ, đặt nặng vấn đề hoàn thành doanh số, kế hoạch được giao. Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) Johan Nyvene cho biết: "Hội đồng quản trị duyệt khoảng 10% lợi nhuận sau thuế để thưởng cho nhân viên, gọi đây là thưởng thành tích, chứ không chỉ mang ý nghĩa thưởng Tết".
Năm nay, HSC vẫn có lãi, ước tính khoảng 185-190 tỷ nên sẽ trích gần 20 tỷ đồng cho thưởng. Nhân viên nhận một phần bằng tiền mặt, một phần bằng cổ phiếu. Theo ông, có nhân viên sẽ được hưởng 6-8 tháng lương và có người sẽ không một đồng nào nếu không hoàn thành công việc.
Vũ Lê - Bạch Hường
vnexpress



Xem bài viết: Tết nghèo của ngành chứng khoán, bất động sản