Nhưng đâu là đáy và mức giá này là bao nhiêu thì khó ai có thể biết chính xác. Việc mua bắt đáy hiện nay đã trở thành chiến thuật riêng biệt của từng NĐT.
TTCK Việt Nam khó tìm đáy!
Với quan niệm TTCK Việt Nam là "một cô gái đẹp mặc váy", ông Nguyễn Trung Kiên, một NĐT tại sàn của CTCK HSC cho rằng, cách dò đáy tốt nhất là khi thị trường xuống một mức giá nào đó khoảng 10 - 15% là bắt đầu mua vào. Phương cách mua là không nên bỏ hết tiền mua một lần mà mua từ từ theo hướng trung bình giảm. Nghĩa là khi thị trường bật trở lại thì đã có sẵn CP để bán ra thu lợi nhuận ngắn hạn.
Một số NĐT dò đáy bằng việc dựa vào xu thế của thị trường và tìm các phiên điều chỉnh để mua vào. Ông Ngọc Thạch, NĐT trên sàn CTCK KimEng cho rằng, khi quyết định mua vào hay bán ra CP thì nên biết xu thế chung hiện nay trên thị trường đang chuyển động theo hướng nào.
Hiện nay, TTCK Việt Nam đang chịu ảnh hưởng khá nhiều từ biến động của TTCK Mỹ, Trung Quốc, Singapore... Trong quá trình lên giá, tất yếu sẽ có những phiên điều chỉnh đi xuống hoặc đi ngang, nếu tình hình kinh tế Việt Nam không có sự thay đổi nhiều về chính sách kinh tế vĩ mô thì có thể nắm bắt những phiên này để mua vào. Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, NĐT tại CTCK Tràng An nói, NĐT nên dựa vào những thông tin TTCK thế giới và tình hình kinh doanh của các DN để mua CP. Theo quan điểm bắt đáy của bà thì khi có thông tin xấu, CP rớt giá sàn liên tục là có thể mua vào.
Thật sự, tìm đáy của thị trường không phải chỉ khó đối với các NĐT cá nhân mà ngay cả với các quỹ đầu tư, các CTCK cũng không thể dự đoán một cách chính xác. Trước đây, khi VN-Index rớt từ 1.100 điểm xuống 700 điểm, trong một cuộc hội thảo, các quỹ đầu tư lớn đều khẳng định đáy của thị trường đã hình thành và khuyến nghị NĐT nên mua vào. Và thực tế các quỹ trên đã giải ngân ở mức này.
Khi VN-Index chuyển động đi ngang tại mức 400 điểm, một chuyên gia quỹ đầu tư nước ngoài có tên tuổi cũng đã chứng minh một cách chắc chắn 400 điểm là mức đáy với tất cả các lý do rất hợp lý. Khi được hỏi nếu thị trường rớt dưới mức 400 điểm, ông này vẫn cho rằng điều đó khó có thể xảy ra. VN-Index rớt về 235 điểm, một số CTCK đã dự đoán thị trường sẽ rơi xuống mức 190 điểm và đó là đáy của thị trường.
Thực tế, đáy thị trường đã hình thành tại mức 235 điểm và bắt dầu quá trình phục hồi lên giá. Như vậy, việc tìm đáy của thị trường một cách chính xác là rất khó. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể tìm được. Người ta khó tìm đáy nhưng có thể tận được các điểm gần đỉnh và gần đáy bằng việc nhận biết các dấu hiệu từ phân tích các mô hình kỹ thuật để bán ra hay mua vào CP.
Có thể bán gần đỉnh, mua gần đáy
Mua bán CP theo xu thế là chiến thuật hợp lý và hiệu quả nhất hiện nay. Nhưng để xác định được khi nào một xu thế bắt đầu và khi nào nó kết thúc thì rất khó khăn. Trong quá trình chuyển động, nó không đi theo một đường thẳng mà lên xuống thay đổi theo các xu thế cấp 2, cấp 3, có khi kéo dài trong vài năm, nên dễ gây sự nản lòng cho các NĐT ngắn hạn.
Trong quá trình diễn ra xu thế cấp 1, đổi chiều sang xu thế cấp 2 (ngắn hạn), đây là cơ hội có thể giúp NĐT lướt sóng kiếm lợi nhuận. Để tìm kiếm được lợi nhuận này, các NĐT phải nắm được các ngưỡng tâm lý và các mức kháng cự, hỗ trợ của các chỉ số.
Một hiện tượng đã trở thành quy luật trên TTCK Việt Nam hiện nay là khi giá CP lên nhanh, lên mạnh các phiên liên tục hoặc rớt nhanh, rớt mạnh xuống liên tục thường được kết thúc bằng những phiên đổi hướng 180 độ mà không cần có thông tin gì. Những phiên đó gọi là sự bật lại theo phản ứng kỹ thuật. Do nguồn cung hoặc cầu bị cạn kiệt trong ngắn hạn, các dấu hiệu của sự xoay chiều đổi hướng xu thế (cấp 1, cấp 2) thường được biểu hiện thông qua các mô hình kỹ thuật đã được định dạng.
Khi thị trường đang lên giá tại gần mức đỉnh thường hay xuất hiện mô hình lá cờ bay. Mô hình đầu vai, mô hình chữ nhật. Nếu không xuất hiện các mô hình này, để bán được gần đỉnh có 2 phương cách: chờ đợi những phiên bứt phá mạnh bán ra từ từ. Hoặc chờ khi thị trường xuống mạnh mất từ 50 - 70 điểm, khi đỉnh thứ 2 nhô lên thấp hơn đỉnh thứ nhất là bán ra.
Thông thường, người ta chọn phương cách này trong xu thế lên giá. Nó gần sát với đỉnh hơn. Với mô hình này, chỉ cần phiên thứ 3 rớt sâu là có thể nhận biết được dấu hiệu đổi chiều xu thế. Khi thị trường xuống giá, để mua gần đáy cũng có 2 phương cách. Xác định các ngưỡng hỗ trợ để mua vào theo phương thức trung bình giảm. Xác định thời điểm phục hồi giá thông qua các mô hình đã được định dạng để mua vào. Mô hình phổ biến nhất hiện nay là mô hình hai đáy (w), chữ U, tách tay cầm... để mua vào.
Khi thị trường chuyển động nhấp nhô sang ngang tại các mức kháng cự hay hỗ trợ, đây là lúc cung cầu cân bằng, khối lượng giao dịch thấp. Những thông tin tốt xấu trên thị trường trở nên rất nhạy cảm đối với giá CP. Chỉ cần một biến động nhỏ có thể làm thị trường xoay chiều đổi hướng xu thế. Do đó, NĐT muốn mua bắt đáy chỉ nên sử dụng một phần trăm nhất định lượng tiền mình có theo độ mạo hiểm của từng người.
Thời điểm này, người ta thường phải chờ đợi những phiên quyết định xu hướng thông qua các mô hình đã định dạng để mua vào. Các mô hình của nó thường là các tam giác, tam giác vuông, tam giác giác cân..., trong đó, đỉnh tam giác thường là những phiên biến động mạnh phá vỡ thế cân bằng xoay chiều đổi hướng xu thế.
Chỉ số VN-Index sau khi gặp mức hỗ trợ 520 điểm đã không trụ được lâu do những thông tin không có lợi trên thị trường. Tuy nhiên, việc tiếp tục rớt sâu xuống gần 460 điểm trong phiên 26/11 đã đưa đến 3 phiên phục hồi vừa qua, đạt 514,92 điểm. Nhiều khả năng, VN-Index sẽ quay trở lại vùng 520 điểm (theo hình chữ V) rồi chuyển động sang ngang theo chiều hướng cũ trước khi bắt đầu một xu thế mới.