Hàng Tết đang bị đẩy giá

Bia là một trong những mặt hàng đang bị làm giá mạnh. Ảnh: H.Thúy
Giá bán nhiều mặt hàng của nhà sản xuất chỉ tăng 5% nhưng trên thị trường bán lẻ bị đẩy tăng lên 10%- 15%. Giá bia tại các cửa hàng, siêu thị chênh nhau cả chục ngàn đồng/thùng

TPHCM đang nỗ lực kìm giữ giá hàng hóa tết bằng việc hỗ trợ 13 doanh nghiệp (DN) hơn 422 tỉ đồng để bình ổn giá 8 mặt hàng và các DN này cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng để bảo đảm giá bán trong tháng Tết thấp hơn giá thị trường 10% như cam kết. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, một số mặt hàng Tết đang rục rịch tăng giá.
Chợ, siêu thị... đều tăng

Nhiều tiểu thương ở chợ Bình Tây (TPHCM) cho biết bánh kẹo, thực phẩm chế biến dịp Tết đều đã tăng ít nhất từ 10% trở lên. Cụ thể, các loại bánh kẹo tăng từ 3.000 đồng- 5.000 đồng/hộp; tôm khô tăng 60.000 đồng, lên 550.000 đồng/kg; khô mực tăng 100.000 đồng, lên 420.000 đồng/kg... Các mặt hàng nước chấm, gia vị cũng tăng 10%- 15%, tùy loại.

Tại các siêu thị, giá nhiều mặt hàng đang tăng 5%- 10%. Bà Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hòa, cho biết hiện đã có khoảng 30% chủng loại hàng hóa trong siêu thị được nhà cung cấp tăng giá bán từ 5%- 10%. Còn ở hệ thống Co.opMart, theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cũng đã có khoảng 10% DN cung cấp hàng cho siêu thị điều chỉnh giá tăng từ 7%- 10%. Lý do nhà cung cấp đưa ra là ảnh hưởng từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu tăng cũng như giá xăng dầu tăng nên phải điều chỉnh giá bán sản phẩm. Tuy nhiên, do tỉ lệ hàng trong siêu thị tăng giá chưa đại trà nên mặt bằng giá cả chung chưa bị tác động nhiều. Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh, cho hay giá các mặt hàng bánh kẹo nội ngoại đều tăng từ 5%- 10%, thực phẩm chế biến tăng 5%. Nhiều nhà cung cấp hàng đã có thông báo trong tháng 1 này sẽ tiếp tục tăng giá thêm, mức độ bao nhiêu còn tùy mặt bằng giá thị trường.

Các nhà bán lẻ đều khẳng định nguồn hàng Tết dồi dào, không lo thiếu hàng. Tuy nhiên, đến tháng tết, hầu như năm nào cũng vậy, các nhà cung cấp đều đẩy giá hàng hóa lên, nếu các siêu thị không chuẩn bị nguồn hàng sớm, giá bán lẻ sẽ còn bị đẩy lên cao hơn.

Đầu mối tăng ít, bán lẻ tăng nhiều


Đại diện một số công ty chế biến thủy hải sản cho rằng giá nguyên liệu gần đây tuy có tăng nhưng không vượt quá 10%. Còn những mặt hàng chế biến thủy sản khô thì nguyên liệu đã được dự trữ trước đó vài ba tháng với mức giá chưa tăng, nay giá bán ở chợ tăng 15%- 20% là lãi quá lớn. Bà Huỳnh Thị Thanh Giang, Phó Giám đốc Công ty Agifish An Giang, nói: “Đơn vị chúng tôi chỉ tăng giá bán khoảng 5%, tương ứng với mức tăng của giá đầu vào. Còn giá cả trên thị trường tăng cao là do nhà phân phối, nhà bán lẻ đẩy giá lên”.

Tương tự là mặt hàng bánh kẹo. Tuy nguồn hàng rất dồi dào, trong đó hàng nội chiếm ưu thế (các cơ sở sản xuất lớn đều tăng sản lượng từ 15%- 20% so với cùng kỳ năm trước) nhưng trên thị trường, giá bán đều đã tăng trên 15%. Theo ông Nguyễn Quốc Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bibica, giá bột sữa, bột ca cao tăng từ 40.000 đồng lên 60.000 đồng- 70.000 đồng/kg; giá đường tăng 30%... nhưng do công ty có kế hoạch dự trữ nguyên liệu từ rất sớm nên đơn vị chỉ điều chỉnh giá tăng 5% đối với 10% chủng loại (tập trung vào các mặt hàng kẹo). Công ty Kinh Đô cũng chỉ điều chỉnh giá bán tăng khoảng 10% cho nhiều mặt hàng... Giới am hiểu thị trường bánh kẹo cho rằng sở dĩ giá bánh kẹo Tết năm nay tăng cao một phần là do giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng nguyên nhân chính là do hàng ngoại không nhập về ồ ạt như những năm trước (do sự cố bánh kẹo ngoại “dính” melamine) hoặc có về cũng khó bán. Do vậy giới bán lẻ chớp thời cơ này đẩy giá hàng nội lên cao...

Mặt hàng mứt cũng bị đẩy giá lên rất cao. Giá mứt trong nước sản xuất tăng từ 30%- 50% so với cùng kỳ năm ngoái (mứt bí tăng từ 24.000 đồng lên 30.000 đồng/kg, mứt gừng từ 30.000 đồng lên 46.000 đồng/kg...).