Ngành ngân hàng Việt Nam năm 2012 – Cơ hội và thách thức
  • Thông báo


    + Reply to Article
    Kết quả 1 đến 7 của 7

    Hybrid View

    1. #1
      Ngày tham gia
      Apr 2010
      Bài viết
      128
      Được cám ơn 41 lần trong 24 bài gởi

      Mặc định Ngành ngân hàng Việt Nam năm 2012 – Cơ hội và thách thức

      Blogger: Bùi Quỳnh Vân
      Thời gian đăng: 09/12/2011
      Blog: http://pgbankresearch.wordpress.com

      --------------------------

      Tóm tắt một số tình hình năm 2011

      Bối cảnh kinh tế vĩ mô:

      Năm 2011, trước khá nhiều tác động bất lợi từ trong và ngoài nước, lạm phát và bất ổn tỷ giá nổi lên như là 2 thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam. Cụ thể, thâm hụt cán cân tổng thể kéo dài cùng chênh lệch cung cầu ngoại tệ ngắn hạn vào cuối năm 2010 đã khiến tỷ giá USDVND tăng mạnh. Đầu năm 2011, tỷ giá tự do cao hơn mức trần tỷ giá liên ngân hàng khoảng 8%, trước tình hình đó, tỷ giá chính thức USDVND được nâng thêm 9,3% vào ngày 11/2/2011. Việc phá giá mạnh VND cùng giá hàng hóa thế giới tăng mạnh đã ảnh hưởng mạnh làm giá hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa trong nước tăng cao. Cùng với tác động trễ từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ nửa cuối năm 2010 và chủ trương điều hành giá các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu theo cơ chế thị trường, lạm phát các tháng đầu năm đã tăng cao và luôn ở trên mức 1,5%/tháng.




      Lạm phát cao - Bất ổn tỷ giá




      Chính sách của Chính phủ:

      Trước tình hình đó, ngày 24/02/2011 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP đưa ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong năm 2011. Để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết 11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã ban hành Chỉ thị 01/2011/CT-NHNN chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua áp trần tăng trưởng tín dụng cả năm dưới 20%, giới hạn tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán dưới 15-16% đồng thời đề ra lộ trình giảm tín dụng phi sản xuất của các ngân hàng về mức 22% tổng dư nợ vào 30/6/2011 và 16% tổng dư nợ vào cuối năm 2011.


      Diễn biến thị trường tiền tệ:


      Thị trường VND:

      Huy động VND gặp nhiều khó khăn khiến lãi suất tăng cao: Trước tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, nhiều ngân hàng gặp khó khăn thanh khoản đã đẩy lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng như thị trường dân cư tăng mạnh. Lãi suất huy động VND có lúc bị đẩy lên tới 18-19% để hấp dẫn người gửi tiền. Trước tình hình đó, NHNN đã nhiều lần ban hành các văn bản nhắc nhở các tổ chức tín dụng về việc thực hiện nghiêm quy định về trần lãi suất. Tuy nhiên, chỉ khi Chỉ thị 02/2011/CT-NHNN ra đời vào ngày 7/9/2011, trong đó quy định rõ các hình thức xử phạt cùng với việc NHNN kiên quyết xử lý tổ chức tín dụng huy động vượt trần, trong tháng 9/2011 lãi suất huy động VND mới chính thức quay về mức 14%.


      Tín dụng VND tăng chậm: Bên cạnh khó khăn thanh khoản của một số ngân hàng khiến nguồn cung tín dụng bị hạn chế, lãi suất huy động tăng đẩy lãi suất cho vay vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng VND 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,67% so với cuối năm 2010. Tín dụng VND thậm chí có xu hướng giảm dần về cuối năm khi tính chung 10 tháng, tổng dư nợ tín dụng VND chỉ tăng khoảng 0,25% so với cuối 2010.
      Mặt khác, dưới áp lực của trần tăng trưởng tín dụng, một số ngân hàng đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm đã xảy ra tình trạng dư vốn nhưng không thể giải ngân thêm. Quy định bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn huy động trong Thông tư 13 và 19 năm 2010 cùng sự ra đời của nhóm G12+1 với cam kết đưa lãi suất cho vay sản xuất về mức quanh 17%-19%/năm cũng không giúp tình hình tăng trưởng tín dụng có nhiều cải thiện.


      Ngoài nguyên nhân lãi suất cao khiến doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn ngân hàng, tín dụng tăng chậm còn bắt nguồn một phần từ việc kinh tế khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản, hoặc phải thu hẹp quy mô. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2011, số doanh nghiệp phá sản, giải thể ước khoảng 4,7 nghìn doanh nghiệp. Sản xuất kinh doanh gặp khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp không thanh toán được nợ, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng vào cuối tháng 8/2011 ở mức trên 3%, tương đương khoảng 76.000 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 37.000 tỷ đồng.


      Thị trường ngoại tệ:

      NHNN tích cực chống đô la hóa: Song song với chủ trương thắt chặt tiền tệ, trong năm 2011, NHNN còn có những động thái mạnh mẽ và kiên quyết nhằm hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế, qua đó ổn định tỷ giá. Cụ thể, bên cạnh việc siết chặt kiểm tra và xử lý mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do, NHNN đã đưa ra hàng loạt chính sách như hạ trần lãi suất huy động USD xuống lần lượt các mức 3%, 2%, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc với ngoại tệ thêm 2%, hạ lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc ngoại tệ, kết hối với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Theo đó, các biện pháp trên đã giúp hạn chế tối đa hoạt động của thị trường ngoại tệ tự do, giảm dần các quan hệ vay mượn ngoại tệ và chuyển sang quan hệ mua bán ngoại tệ, đồng thời, giao dịch mua bán ngoại tệ được diễn ra tập trung chủ yếu tại các ngân hàng thương mại.

      Mất cân đối tín dụng – huy động ngoại tệ là một phần nguyên nhân gây bất ổn tỷ giá: Chênh lệch lãi suất cho vay VND và ngoại tệ khá lớn khiến người vay có xu hướng ưa thích vay ngoại tệ, tín dụng ngoại tệ qua đó tăng trưởng khá nhanh trong các tháng đầu năm. Trong khi đó, huy động ngoại tệ có xu hướng giảm trước hàng loạt biện pháp mạnh của NHNN khi liên tiếp tăng trưởng âm với mức tăng lần lượt -1,96%, -3,62% và -3,29% trong các tháng 5,6 và 7/2011. Mất cân đối tín dụng và huy động ước đạt khoảng 7 tỷ USD vào tháng 7/2011, làm tăng rủi ro bất ổn tỷ giá cuối năm. Trước tình hình đó, NHNN đã ban hành Thông tư 07/2011/TT-NHNN hạn chế đối tượng được vay ngoại tệ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng ngoại tệ thông qua việc yêu cầu các TCTD báo cáo tình hình cho vay ngoại tệ. Nhờ đó, mất cân đối tín dụng và huy động ngoại tệ dần thu hẹp về mức hơn 5 tỷ USD vào cuối tháng 10/2011. Tuy nhiên, bất ổn tỷ giá còn chịu sức ép từ sự biến động của giá vàng và nhu cầu ngoại tệ nhập khẩu tăng mạnh theo chu kỳ cuối năm. Thanh khoản ngoại tệ của ngân hàng nhìn chung vẫn gặp rất nhiều khó khăn, lãi suất liên ngân hàng USD luôn duy trì ở mức cao khiến cam kết giữ tỷ giá biến động không quá 1% của Tân Thống đốc đối mặt với nhiều áp lực.


      Thị trường vàng:

      Năm 2011 đã chứng kiến những biến động khó lường của giá vàng thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến giá vàng trong nước. Sau quyết định chính thức của NHNN chỉ cho phép tổ chức tín dụng huy động chứng chỉ vàng ngắn hạn (kết thúc vào 1/5/2012) phục vụ cân đối lại số vốn bằng vàng đã chuyển thành tiền để cho vay trước đó, đồng thời chỉ được cho vay vàng phục vụ gia công, chế tác trang sức, thị trường vàng vật chất hầu như chỉ phụ thuộc vào các công ty kinh doanh vàng. Giá vàng biến động mạnh là cơ hội cho các nhà đầu cơ dồn vốn vào thị trường này, đồng thời hút mất nguồn lực vốn quan trọng cho sản xuất. Để bình ổn thị trường, NHNN đã cấp quota nhập khẩu ít nhất 10 tấn vàng trong năm 2011 song số lượng này không đủ sức để hạ nhiệt cơn sốt vàng. Giải pháp của NHNN cho phép 5 ngân hàng cùng SJC bán vàng huy động được từ dân đã giúp cung ra thị trường một lượng vàng lớn, qua đó thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa giá thế giới và Việt Nam, phần nào ổn định thị trường vàng trong các tháng cuối năm.


      Năm 2012, cơ hội và thách thức

      THÁCH THỨC

      Chính sách tiền tệ chặt chẽ:

      Khả năng tiếp tục giảm trần lãi suất: Theo Nghị quyết của Quốc hội cũng như chủ trương chung của Chính phủ và NHNN, chính sách tiền tệ năm 2012 sẽ tiếp tục được định hướng chặt chẽ nhưng sẽ giảm dần lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, khi lạm phát các tháng gần đây đang có xu hướng giảm, khả năng giảm trần lãi suất vào đầu năm sau là hoàn toàn có thể. Việc sử dụng mệnh lệnh hành chính để buộc các ngân hàng chỉ được huy động với lãi suất không vượt quá trần có lẽ chỉ là giải pháp mang tính tình thế, khó có thể duy trì được lâu dài, nói cách khác đây là giải pháp không mang tính thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, NHNN vẫn cần thiết phải sử dụng giải pháp mạnh tay này để đạt được những mục tiêu về kinh tế lớn hơn. Theo đó, đây sẽ là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các ngân hàng tiếp tục gặp khó khăn trong việc thu hút tiền gửi VND. Thêm vào đó, chính sách tiền tệ thận trọng cũng khiến nguồn cung tiền ra thị trường hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến thanh khoản của các ngân hàng.


      Quy mô được phép tăng trưởng tín dụng hạn hẹp: Cũng theo định hướng của NHNN, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 nhiều khả năng chỉ ở mức 15-17%, nếu không tính năm 2011 thì đây là mức thấp nhất kể từ năm 2003. Thực tế hiện nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức rất thấp, (tính chung 11 tháng chỉ khoảng trên 10%) nên quy mô tín dụng được phép tăng trong năm 2012 cho các ngân hàng được tính trên con số này sẽ khá hạn hẹp. Việc áp dụng linh hoạt mức tăng trưởng tín dụng đối với từng ngân hàng cụ thể được nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ, song NHNN vẫn chưa có phản hồi chính thức nào về đề xuất này. Theo đó, các ngân hàng vốn phát triển chủ yếu dựa vào mở rộng tín dụng nhanh sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng có thể giảm đáng kể.
      Ngoài ra, NHNN cũng đưa ra chính sách yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng phải dành 20% tổng dư nợ cho khu vực nông nghiệp và nông thôn, những ngân hàng không có lợi thế trong lĩnh vực này sẽ phải chuyển số vốn tương đương cho Agribank để thực hiện giải ngân. Như vậy, quy định này mặc dù có tác dụng rất tích cực đến kinh tế nói chung và khu vực sản xuất nông nghiệp nói riêng song đây có thể là bất lợi đối với các ngân hàng có khả năng kiếm lợi nhuận cao hơn từ việc giải ngân khoản vốn trên vào các lĩnh vực khác.


      Cầu tín dụng giảm: Kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2012 được dự báo còn nhiều khó khăn khiến người dân thắt chặt chi tiêu, cầu tiêu dùng giảm gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng giảm cũng khiến doanh nghiệp tiếp tục phải thu hẹp sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng. Như vậy, cầu tín dụng sản xuất và cầu tín dụng tiêu dùng năm 2012 dự kiến bị thu hẹp, tín dụng phát sinh mới khá hạn chế trong khi ngân hàng đang triệt để thu hồi nợ xấu, lợi nhuận từ mảng tín dụng của ngân hàng dự kiến sẽ không tăng trưởng mạnh.

      Bài toán nợ xấu chưa có lời giải: Nợ xấu và xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục là vấn đề nóng trong năm 2012 khi tỷ lệ nợ xấu thực tế được cho là lớn hơn nhiều so với mức trên 3% tổng dư nợ mà NHNN công bố cuối tháng 8/2011. Bên cạnh đó, từ ngày 1/4/2012, NHNN sẽ chính thức công bố đều đặn 5/12 chỉ tiêu an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng gồm CAR, ROA, ROE, tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ dự nợ trong từng lĩnh vực. Theo đó, việc chính thức công khai tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống có thể có những ảnh hưởng nhất định đến niềm tin của người dân vào tính an toàn của hệ thống ngân hàng. Hiện tại, ngoài các khoản trích lập dự phòng có sẵn tại các ngân hàng, vấn đề xử lý nợ xấu vẫn chưa có lời giải cụ thể và sẽ là nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay và tương lai của các ngân hàng trong những năm tới.


      Áp lực phải nâng cao năng lực tài chính: Chủ trương nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được khởi động từ Nghị định 141/2006/NĐ-CP khi Chính phủ đặt ra lộ trình tăng vốn pháp định của các ngân hàng lên mức 3.000 tỷ đồng vào năm 2010. Bên cạnh đó, lộ trình tăng vốn pháp định lên mức 5.000 tỷ đồng vào năm 2012 và mức 10.000 tỷ đồng vào năm 2015 cũng trong quá trình xem xét áp dụng. Cùng với quá trình này, NHNN cũng liên tục đưa ra những quy định buộc các ngân hàng phải nâng cao tiêu chuẩn an toàn hoạt động và khả năng thanh khoản như Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về trích lập dự phòng chung và dự phòng cụ thể, ban hành Thông tư 13 và Thông tư 19 năm 2010 đề ra các tiêu chuẩn về CAR, tỷ lệ cấp tín dụng,…Quá trình thực hiện những quy định trên đã bộc lộ nhiều yếu kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam khi không phải tất cả các ngân hàng đều đáp ứng được yêu cầu của NHNN đúng hạn, một số văn bản đã phải sửa đổi hoặc lùi thời hạn để tạo điều kiện cho các ngân hàng chấp hành đúng quy định đã đặt ra.

      Áp lực tái cơ cấu: Nhiều bất cập của hệ thống ngân hàng được bộc lộ trong thời gian qua, thanh khoản yếu kém cùng với tình hình nợ xấu cao có nguy cơ gây rủi ro đến an toàn hệ thống khiến việc tái cơ cấu, cải tổ toàn bộ hệ thống tài chính, trong đó quan trọng nhất là hệ thống ngân hàng đã trở thành vấn đề cấp bách và khó có thể trì hoãn lâu hơn nữa. NHNN cũng thể hiện mong muốn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thông qua nhiều chính sách quan trọng trong năm 2011 để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Áp lực sáp nhập ngân hàng dự kiến lên đến đỉnh điểm vào cuối năm nay và đầu năm 2012 khi nhiều ngân hàng gặp khó khăn trầm trọng về thanh khoản đang rất cần tiền để trả nợ. NHNN cũng đã có sẵn hành lang pháp lý dành cho các hoạt động phá sản, sáp nhập ngân hàng thông qua việc ban hành Thông tư 34/2011/TT-NHNN về trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng. Như vậy, sự yếu kém trong nội tại ngân hàng dẫn đến áp lực phải tái cơ cấu đang đặt ra thách thức cho các tổ chức này trước 2 lựa chọn hoặc phải tìm đối tác sáp nhập để nâng cao năng lực tài chính hoặc chấp nhận giải thể.

      Sau LienVietBank và Tiết kiệm Bưu điện (VPSC), sự kiện hợp nhất của 3 ngân hàng Ficombank, SCB và Tinnghiabank mới đây là thương vụ thứ 2 của ngành ngân hàng nhưng là thương vụ đầu tiên nằm trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam do NHNN đặt ra. Sau hợp nhất, ngân hàng mới được thành lập sẽ có tổng tài sản ước trên 150.000 tỷ đồng với quy mô vốn điều lệ khoảng 10.600 tỷ đồng và trên 200 đơn vị chi nhánh, phòng giao dịch. Theo đó, quy mô vốn điều lệ của ngân hàng mới sẽ tương đương với Eximbank và lớn hơn so với 1 số ngân hàng thương mại cổ phần lớn trong nước như ACB, MB, Sacombank và Techcombank. Như vậy, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ngoài việc tạo ra áp lực phải sáp nhập hoặc giải thể đối với các ngân hàng yếu kém, quá trình này cũng tạo ra những ngân hàng mới sau sáp nhập và có thể sẽ trở thành thách thức cạnh tranh mới cho các ngân hàng lớn trong tương lai.

      Cạnh tranh từ khối ngoại: Mặc dù các quy định hạn chế đối với ngân hàng nước ngoài (vốn điều lệ, tổng tài sản, thời hạn hoạt động, hình thức, lĩnh vực hoạt động) đã được dỡ bỏ vào năm 2011 theo lộ trình sau khi Việt Nam gia nhập WTO, song do kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn nên mức độ phát triển của các ngân hàng ngoại năm 2011 vẫn hạn chế. Dự kiến, sự phát triển bùng nổ, cạnh tranh gay gắt về các mảng như ngân hàng bán lẻ, tài trợ thương mại, kinh doanh vốn, ngoại tệ của ngân hàng ngoại sẽ tiếp tục diễn ra từ năm 2012 trở đi.


      CƠ HỘI

      Phân chia lại miếng bánh thị phần cho ngân hàng lớn:

      Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu đầu tư công dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ trong những năm tới. Quá trình này vừa là thách thức những cũng tạo ra không ít cơ hội cho việc thâu tóm tài sản giá rẻ, đa dạng hóa đầu tư của các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh.


      Thách thức bị mua bán sáp nhập của ngân hàng yếu kém cũng chính là cơ hội cho các ngân hàng lớn trong nước tham gia thâu tóm các ngân hàng khác để nâng cao tiềm lực tài chính và nhanh chóng mở rộng mạng lưới hoạt động, quy mô khách hàng.
      Cơ hội cho NH nhỏ phát triển đúng thế mạnh:
      Mặt khác, quá trình tái cơ cấu cũng có thể là yếu tố tích cực với các ngân hàng nhỏ nếu xét trên khía cạnh NHNN đưa họ trở về đúng thị trường và lĩnh vực kinh doanh mà họ có vốn lợi thế. Thị trường hiện nay ít có sự phân biệt rõ ràng giữa các ngân hàng yếu kém và ngân hàng nhỏ. Do đó, khi các ngân hàng nhỏ thực sự phát huy được thế mạnh trong đúng lĩnh vực kinh doanh của mình thay vì đầu tư dàn trải chạy đua phát triển những sản phẩm tương tự nhau như trên thị trường, thì đây chính là cơ hội để khẳng định tên tuổi và trụ vững trong cuộc chiến tái cơ cấu toàn hệ thống của các ngân hàng này.


      Kết luận:

      Năm 2011 kết thúc với áp lực phải tái cơ cấu, cải tổ mạnh mẽ được đặt ra cho toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo đó, năm 2012 được mở ra với khá nhiều thách thức cho các ngân hàng về các vấn đề như xử lý nợ xấu, tìm kiếm đối tác sáp nhập để nâng cao năng lực tài chính, khó khăn đến từ chính sách tiền tệ chặt chẽ và quy mô tăng trưởng tín dụng hạn hẹp. Tuy nhiên, trong những khó khăn, vẫn còn rất nhiều cơ hội dành cho những ngân hàng có tiềm lực tài chính và nhận thức rõ được vị thế của mình trong hệ thống tài chính ngân hàng cũng trong như nền kinh tế.

    2. Những thành viên sau đã cám ơn :

    3. #2
      Ngày tham gia
      Oct 2015
      Bài viết
      2
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định

      Kinh tế vĩ mô, nghe khó hiểu quá.

    4. #3
      Ngày tham gia
      Oct 2015
      Bài viết
      2
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Talking

      Kinh tế vĩ mô, kinh tế thị trường ngày xua học mà chỉ thấy buồn ngủ.

    5. #4
      Ngày tham gia
      Apr 2016
      Bài viết
      6
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định

      Việc phá giá mạnh VND cùng giá hàng hóa thế giới tăng mạnh đã ảnh hưởng mạnh làm giá hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa trong nước tăng cao.

    6. #5
      Ngày tham gia
      Aug 2017
      Bài viết
      2
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định

      Sao bạn chủ topic không viết tiếp để cập nhật thêm thời điểm hiện tại

    7. #6
      Ngày tham gia
      Aug 2021
      Bài viết
      1
      Được cám ơn 0 lần trong 0 bài gởi

      Mặc định Hỗ trợ vay vốn tại Hà Nội

      VAY MUA NHÀ ƯU ĐÃI CHỈ 5%/NĂM

    8. #7
      Ngày tham gia
      Sep 2021
      Bài viết
      34
      Được cám ơn 4 lần trong 4 bài gởi

      Mặc định

      Đợt rồi SHB làm 2 vố kế mọi người sang chấn tâm lý nặng luôn

    Thông tin của chủ đề

    Users Browsing this Thread

    Có 5 thành viên đang xem chủ đề này. (0 thành viên và 5 khách vãng lai)

       

    Similar Articles

    1. Trả lời: 1
      Bài viết cuối: 17-11-2011, 07:39 AM
    2. Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 28-12-2010, 08:22 AM
    3. 6 ngân hàng Việt Nam bị Moody hạ xếp hạng tiền gửi ngoại tệ
      By thienchien in forum Nhận định Thị trường
      Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 16-12-2010, 08:40 AM
    4. Ngành cảng biển! Cơ hội - và - thách thức!
      By thanhromasd in forum Nhận định Thị trường
      Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 19-09-2009, 05:05 PM
    5. Các doanh nghiệp ngành dệt may: Cơ hội và thách thức!
      By chimthan72 in forum Kiến thức Chứng khoán
      Trả lời: 0
      Bài viết cuối: 08-07-2006, 09:27 AM

    Bookmarks

    Quyền viết bài

    • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
    • Bạn Không thể Gửi trả lời
    • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
    • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình