Khi nào mới có “2196” cho thị trường chứng khoán?
(Vietstock) - Hai “con rùa” chứng khoán và bất động sản cùng bắt đầu điểm xuất phát về thời gian trong cuộc chạy đua giành chính sách. Nhưng “con rùa” bất động sản lại được trao cho phần thưởng của vận động viên cán đích trước: Chỉ thị số 2196 do chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký.

* Thị trường bất động sản: Hy vọng cho thanh khoản
* Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý bất động sản
Chứng khoán và bất động sản cùng bắt đầu điểm xuất phát về thời gian trong cuộc chạy đua giành chính sách, thậm chí chứng khoán còn được đánh giá là vận động viên trội hơn về thể lực. Nhưng rốt cuộc thì bất động sản lại về đích trước.
Quá tam ba bận, cuối cùng vào đầu tháng 12 này, thị trường bất động sản cũng được trao cho phần thưởng của vận động viên cán đích trước: Chỉ thị số 2196 do chính thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký. Chỉ thị này, về tiêu đề có khác cơ bản với trích yếu trong bản dự thảo, tức “một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản” thay vì “một số giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản”.
Nhưng sự khác biệt trên cũng không đến nỗi đáng thất vọng bởi người bạn đồng cam cộng khổ của thị trường bất động sản (BĐS) là thị trường chứng khoán (TTCK) cho tới giờ đã chưa được cầm trong tay một văn bản nào tương tự.
Hai thân phận, một nỗi niềm
Từ quý 1 năm nay, cả TTCK và BĐS đều cùng chung một nỗi niềm. Nếu không khí nhà đất còn được an ủi đôi chút bởi con sóng bất động sản ở Hà Nội và Đà Nẵng lần lượt kéo dài đến tận tháng 3 và tháng 5/2011, thì chỉ ngay sau Tết 2011, hai chỉ số VNI và HNX bắt đầu giở quẻ.
Gần như suốt quý 1 và nửa quý 2, TTCK chìm trong cơn hôn mê đầu tiên với đà kéo ngang tưởng chừng bất tận. Kéo ngang về điểm số nhưng mặt bằng giá cổ phiếu lại vẫn đi xuống. Vào giữa tháng 5, cùng với cú lao dốc bất thần của thị trường, tiếng than khóc của nhà đầu tư theo đó nổi lên trên hầu hết các diễn đàn mạng. Cho đến thời điểm ấy, những người thề thốt chia tay với TTCK đã không còn thuộc về số ít.
Cũng chẳng khác gì TTCK, tháng 4 và tháng 5 làm điên đảo tâm trí và bóp vụn con tim của phần lớn doanh nghiệp BĐS. Nếu bối cảnh của chứng khoán là đòi hỏi thu nợ và do vậy cần phải giải chấp càng sớm càng tốt khối cổ phiếu sử dụng đòn bẩy tài chính của những nhà đầu tư liều mạng, thì mục tiêu phải kéo giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất về 22% vào thời điểm cuối tháng 6/2011 cũng làm cho các ngân hàng lên ruột khi doanh nghiệp chây ì chưa chịu trả nợ.
Tình cảnh bĩ cực của hai thị trường càng “nâng lên một tầm cao mới” khi được báo chí hóa một cách trên cả nhiệt tình. Những hình ảnh sống động mà thường chỉ biểu hiện trong màn lễ hóa lộ quỷ như “cái chết được báo trước”, “chết lâm sàng”, “địa ngục”… đã được phục dựng một cách đầy công phu vào vai diễn của hai nhân vật TTCK và BĐS trên sân khấu Halloween Việt Nam.
Kết quả là đến cả Chính phủ cũng phải xót xa. Trước nguy cơ TTCK bị biến thành con nợ, thị trường BĐS bị biến thành con tin, vào cuối tháng 5/2011, Thủ tướng Chính phủ đã lần đầu tiên trong năm yêu cầu các bộ ngành liên quan mật thiết như Bộ Xây dựng, UBCK tiến hành rà soát đầy đủ về thực trạng của hai thị trường này, cũng như soạn thảo hai dự thảo chỉ thị nhằm ổn định, lành mạnh hóa và quản lý đối với hai thị trường.
Con sóng phục hồi nổi lên trên TTCK từ cuối tháng 5/2011 càng làm cho nhà đầu tư tin vào lời hứa “cứu chứng khoán” của các cấp có thẩm quyền. Thêm vào đó, thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư chứng khoán cũng lần đầu tiên được đưa ra bàn thảo và hướng đến giải pháp giảm 50% thuế đến hết năm 2011 và thậm chí còn có thể sang cả năm 2012.
Nhiều người đã tin TTCK lập đáy dài hạn. Cho đến giữa tháng 6/2011…
Vào lúc đó, một bản sơ phác chỉ thị về thị trường BĐS đã được Bộ Xây dựng gia công, có sự phối hợp với cả Ngân hàng nhà nước. Hai thị trường chỉ còn hồi hộp chờ xem đến cuối tháng 6 Chính phủ sẽ quyết định như thế nào.
Thế nhưng cuối tháng 6 chỉ xử lý được mỗi chuyện là Ngân hàng nhà nước không xử lý bất kỳ ngân hàng nào có tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất còn treo trên mức bắt buộc 22%.
Trong khi đó, kỳ họp giữa năm của Quốc hội lại đang đến gần. Bản dự thảo chỉ thị về thị trường BĐS đã lần đầu tiên bị gác lại. Còn dự thảo chỉ thị về TTCK thì không thấy tăm hơi. Những nhóm vận động hành lang chỉ có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan, khi mà tháng 6 lại là cao điểm của chỉ số lạm phát và giá cả tiêu dùng, cùng với tình trạng bát nháo của cặp sinh đôi lãi suất huy động – lãi suất cho vay đã lên đến cao độ.
“Phân hóa xã hội”
Từ tháng 8/2011 trở đi, giới quan sát bắt đầu nhận ra sự bứt tốc của thị trường BĐS so với chứng khoán.
Không phải là bứt tốc về giá hay giao dịch (hai chỉ số này đều hầu như bằng không), mà điều đáng nói là thị trường bất động sản đã vượt lên trước TTCK bằng yếu tố chính sách.
Tháng 8/2011có thể nói là tháng của những cuộc hội thảo chuyên về thị trường BĐS. Hàng loạt chủ đề về “Có hay không bong bóng bất động sản”, “bất động sản hướng tới an sinh xã hội”, “Tìm nguồn vốn cho thị trường bất động sản”… đã được tổ chức ở cả hai đầu cầu Hà Nội – TP.HCM. Trong khi đó, UBCK vẫn im hơi lặng tiếng, còn chỉ số chứng khoán vẫn sắc đỏ vượt hẳn sắc xanh.
Từ tháng 9 đến tháng 11/2011, tốc độ vận động của hai thị trường là tương đương nhau. Điều này dù sao cũng mang lại cho nhà đầu tư chứng khoán một cảm giác an ủi về sự đồng cảm đến từ các doanh nghiệp BĐS bị kẹp hàng.
Nhưng sự an ủi ấy cũng chỉ mang tính tượng trưng, bởi mặt bằng giá đất nền tại TP.HCM cũng chỉ giảm cho có, trong khi ở Hà Nội mới là giảm thực chất – tương đương với tình trạng suy giảm luôn luôn thực chất của chỉ số và giá cả cổ phiếu.
Tuy nhiên, sau hai tháng 9 và 10 quẩn quanh những chủ đề lãi suất và vàng, vào tháng 11 thị trường BĐS bất ngờ dao động khá mạnh. Tất nhiên là dao động xuống, với những vụ bán phá giá căn hộ.
Giải khuyến khích cho “con rùa” về sau?
Cho tới nay, có lẽ không ít người vẫn tự hỏi vì sao từ thời điểm xảy ra vụ việc PVL và An Tiến ở TP.HCM, và trước đó là cuộc “cách mạng” tín dụng đen bất động sản ở Hà Nội, thị trường BĐS đã không mất quá nhiều thời gian để “phục hồi”.
Có lẽ câu hỏi trên còn trở nên lạ lùng hơn với những nhà đầu tư chứng khoán đã từng biết đến cảm giác tuyệt vọng là như thế nào. Khi chứng kiến làn sóng bán tháo căn hộ, ít ai có thể hình dung ra một kết cục khác hơn đối với thị trường BĐS là lao dốc hệt như chứng khoán.
Thế nhưng sự kỳ lạ là đã chẳng hề xảy ra một cơn dư chấn đáng kể nào trên thị trường BĐS. Thay vào đó, từ giữa tháng 11/2011, văn bản 8844 của Ngân hàng nhà nước còn như khuyến khích các ngân hàng ABBank, Oceanbank mở rộng hầu bao cho vay mua nhà. Vẫn chưa có cái chết của doanh nghiệp bất động sản nào được công bố. Tất cả vẫn chìm trong một màn sương đầy ảo giác.
Cũng bởi thế, bản chỉ thị chính thức mà thủ tướng dành cho thị trường BĐS vào đầu tháng 12 đã khiến giới đầu tư chứng khoán phải thốt lên đầy ganh tỵ.
Dù không phải là cuộc đua giữa thỏ và rùa mà đúng nghĩa là cuộc chạy của hai con rùa, nhưng con rùa thắng cuộc, dù có bị chê chậm chạp đến thế nào chăng nữa, vẫn còn vẻ vang hơn con rùa thua cuộc.
Tuy vậy, nói như thế không có nghĩa là chứng khoán không còn hy vọng gì. Thời gian vẫn còn và vẫn cần chờ đợi thêm về chính sách. Thậm chí động thái thị trường BĐS được cấp “quota” như vừa qua cũng làm cho nhà đầu tư chứng khoán hy vọng là sau chỉ thị về thị trường BĐS, có thể Chính phủ sẽ “mủi lòng” mà ban hành tiếp một chỉ thị về thị trường chứng khoán.
Chỉ thị về chứng khoán là tối cần thiết. Không nhất thiết phải dùng từ “phát triển”, mà chỉ cần “lành mạnh hóa”, thậm chí “tăng cường quản lý”.
TTCK đang cần sự minh bạch. Thất bại nhưng cũng phải biết vì sao thất bại, chứ không thể mãi âm u….
Anh Thu



Xem bài viết: Khi nào mới có “2196” cho thị trường chứng khoán?