Chuyên gia Bùi Kiến Thành: "Lãi suất dưới 10%, doanh nghiệp hồi sinh ngay"
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói, nếu Ngân hàng Nhà nước không đẩy ra nhiều nguồn tín dụng, nhiều phương tiện thanh toán, thì với chỉ tiêu tăng tín dụng năm 2011 là 20%, có thể đưa lãi suất xuống dưới 10% và doanh nghiệp (DN) có thể hồi sinh ngay ngày mai.
* Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục bơm tiền hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng thương mại (NHTM). Theo ông, động thái này có đủ sức giúp thanh khoản các NHTM tốt lên?
- Không tốt, cái đó phải tự thân các NHTM. Hiện, nhiều NHTM thực chất là những “tiệm cầm đồ” hoạt động bằng giấy phép ngân hàng (NH).
Thậm chí, không ít NH là sân sau của một số cá nhân, các đại gia, lập ra để huy động vốn, đầu tư cho các dự án riêng.
Khi NHNN bơm tiền ra, họ lại nhờ vả, xin giúp đỡ. Thực tế, không phải cứ bơm tiền ra là giải quyết được vấn đề.
NHNN phải đi “bắt mạch, thăm bệnh” từng NHTM để “chọn mặt” mà “gửi vàng”, chứ đừng để “con sâu” làm rầu cả hệ thống.
* Ngoài bơm tiền cho các NHTM, theo ông, phải làm gì để có mức lãi suất hợp lý?
- Cùng với việc bơm tiền ra, NHNN phải định hướng rõ là để phát triển sản xuất, kinh doanh và phải có chương trình cung ứng tín dụng.
Đặc biệt, NHNN phải thẩm định, giám sát chặt chẽ tiến độ giải ngân của từng dự án, đảm bảo 100% vốn được chuyển cho người vay.
Các NHTM muốn tham gia phải cam kết hoàn thành các điều kiện, chỉ tiêu của chương trình. Như vậy NHNN mới kiểm soát được nguồn vốn cho vay và kiểm soát được lạm phát.
Trong giới hạn tăng trưởng tín dụng 20%, NHNN hoàn toàn có thể cho NHTM vay vốn với mức lãi suất 3 - 4% và NHTM cho DN sản xuất, kinh doanh vay lại với mức lãi suất 7 - 8% (dưới 10%).
Khi đó, các NHTM cũng chỉ huy động vốn ở mức lãi suất 3 - 4% thay vì 14%/năm như hiện nay. Như vậy, không chỉ giúp lãi suất ổn định ở mức hợp lý, mà còn giúp DN có thể hồi sinh ngay ngày mai.
* Có ý kiến cho rằng, như vậy sẽ không có lãi suất dương thuần dương?
- Đó là chuyện cũ rích, trong kinh tế tiến bộ không có chuyện đó. Việt Nam ít có người được đào tạo trong ngành NH trung ương, bởi trước đây Việt Nam không có NH trung ương, nền kinh tế chỉ có một thành phần nên không có vấn đề cung ứng cho phát triển. Bây giờ, nền kinh tế nhiều thành phần mới có vấn đề điều tiết lưu lượng cho vay.
Như vậy mới có người hỏi, NHNN lấy tiền ở đâu ra để cho NHTM vay với lãi suất 3 - 4%? Nói như vậy rõ ràng anh ta không biết gì về quyền hạn, trách nhiệm của NH trung ương.
Trong nền kinh tế, NH trung ương có nhiệm vụ cung ứng đầy đủ tiền tệ cho nền kinh tế phát triển, có quyền phát hành giấy bạc vô hạn định và điều tiết nguồn tín dụng, tiền tệ không nhiều quá để xảy ra lạm phát, không ít quá để xảy ra thiểu phát.
Thực tế, tiền là phương tiện thanh toán, để trong nền kinh tế nó sẽ phát sinh lời. Khi người gửi rút tiền ra để ở nhà, thì phận sự của NHNN là phải bù đắp vào đó mà không cần đến số tiền đó nữa. Nếu có chức năng thanh toán, tiền mới là tiền, còn nếu không nó chỉ là giấy lộn.
* Đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, Chính phủ không để ngân hàng nào phá sản. Ông có nhận xét gì không?
- Cái đó là không hợp lý. NH phải hoạt động theo nghiệp vụ, tuân theo các quy định của Luật Ngân hàng và phải sống chết theo năng lực của nó.
Chúng ta không thể duy trì những NH có tỷ lệ nợ xấu cao, khó khăn về thanh khoản. NHNN có nhiệm vụ giải quyết cho các NH này phá sản mà không động chạm tới người khác, không thể vì nó là con ông này, cháu ông kia mà phải mua lại.
Việc lấy lý do ảnh hưởng đến người gửi tiền để không cho các NH yếu kém phá sản chỉ là chống chế, nhằm bao cấp cho các NH sắp phá sản. Người gửi tiền có quyền lựa chọn NH an toàn.
Nhà nước chỉ bảo hiểm cho người gửi tiền ở mức 50 triệu đồng. Người nào ham lãi suất cao, gửi vào đó 5 -10 tỷ đồng, NH phá sản thì ráng chịu.
* Xin cảm ơn ông!
Hải Vân (thực hiện)
DOANH NHÂN SÀI GÒN



Xem bài viết: Chuyên gia Bùi Kiến Thành: "Lãi suất dưới 10%, doanh nghiệp hồi sinh ngay"