TS Lê Thẩm Dương: Hợp nhất 3 ngân hàng là động thái quản trị rủi ro chủ động
(Vietstock) - “Niềm tin thị trường hiện nay là cái đau đầu nhất, cho nên việc hợp nhất như thế là bước đi đầu tiên để đạt được mục tiêu bình ổn niềm tin”.
* Hợp nhất 3 ngân hàng SCB, TinNghiaBank, Ficombank
Sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình vừa công bố phương án hợp nhất tự nguyện giữa 3 ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Đệ Nhất (Ficombank).
Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh - ĐH Ngân hàng TPHCM trong bối cảnh hiện nay, việc hợp nhất này sẽ có tác động tích cực đến thị trường.
Thứ nhất, niềm tin thị trường hiện nay là cái đau đầu nhất, cho nên việc hợp nhất như thế là bước đi đầu tiên để đạt được mục tiêu bình ổn niềm tin.
Kế đến, việc hợp nhất mang tính tự nguyện này thể hiện động thái quản trị rủi ro chủ động. Còn nếu rơi vào thế bị động “mất bò mới lo làm chuồng” thì việc hợp nhất, sáp nhập mang ý nghĩa rất thấp. Đặc biệt, với sự chủ động này thì cơ quan quản lý hoàn toàn có thể ổn định tâm lý của người gửi tiền ở các ngân hàng có liên quan đến việc hợp nhất.
Thứ ba, với “trụ đỡ” là BIDV, mô hình hợp nhất lần đầu tiên này tỏ ra rất vững chãi. Điều này có thể giúp tạo hiệu ứng tốt, vì giả sử “trụ đỡ” là một ngân hàng khác khì có lẽ người ta sẽ e ngại là liệu tiến trình hợp nhất có thành công không, sau hợp nhất liệu có trục trặc gì hay không...
Ngoài ra, việc tự nguyện hợp nhất có ưu điểm là tôn trọng luật pháp. Bản chất của sáp nhập, hợp nhất là phải dựa trên luật pháp chứ không phải tự nhiên sáp nhập, hợp nhất. Do vậy, SCB, TinNghiaBank và Ficombank tự nguyện hợp nhất là một hình thức tái cấu trúc tôn trọng luật pháp.
Nếu trong trường hợp không đủ chuẩn, thì tự ngân hàng cũng phải sáp nhập, hợp nhất theo luật.
Ở đây có 3 tình huống: ngân hàng đã đủ chuẩn muốn mạnh lên thì sáp nhập, hợp nhất; ngân hàng chưa muốn sáp nhập, hợp nhất nhưng không đủ chuẩn nên theo luật cũng phải thực hiện; ngân hàng rơi đến mức thấp hơn chuẩn mà không chịu sáp nhập, hợp nhất thì khi đó phải áp dụng đến phương pháp quản trị rủi ro đặc biệt. Đến lúc đó thì bản thân ngân hàng có nguy cơ rơi vào tình trạng phá sản.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cũng cho biết kết quả cuối cùng quan trọng nhất của quá trình tái cấu trúc là phải nhìn thấy tương lai sáng hơn sau hợp nhất. Việc hợp nhất cũng phải quan tâm đến nhân sự, toàn bộ nợ xấu, di sản quản trị, nét văn hóa, toàn bộ các quá trình định giá tài sản... Đây là một việc làm không dễ dàng.
Bội Mẫn thực hiện



Xem bài viết: TS Lê Thẩm Dương: Hợp nhất 3 ngân hàng là động thái quản trị rủi ro chủ động