TTCK Việt Nam còn nhiều cơ hội tốt để đầu tư dài hạn
“TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, nhưng không thể phủ nhận những cơ hội tốt để đầu tư dài hạn. Nếu chúng ta chờ thị trường tăng trưởng trở lại mới giải ngân thì có thể sẽ tự đánh mất những cơ hội tốt nhất”.
Đó là nhận định của ông Henk Ruitenberg, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Prudential Việt Nam khi trao đổi với ĐTCK về triển vọng của TTCK Việt Nam và tác động của quỹ mở đối với TTCK Việt Nam khi mô hình được phép triển khai vào đầu năm 2012.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng mô hình quỹ mở sắp tới tại Việt Nam?
Tôi đã nghiên cứu bản dự thảo quy chế quỹ mở. Về tổng thể, bản dự thảo này được xây dựng theo tiêu chuẩn UCIST IV - Luxembourg, phù hợp với chuẩn mực quốc tế hiện hành cho hoạt động của quỹ mở.
Khung pháp lý cho hoạt động của quỹ mở ra đời là sự kiện được mong chờ với ngành quản lý quỹ nội địa. Việc cho phép quỹ mở ra đời đánh dấu một bước ngoặt lớn với thị trường vốn Việt Nam, các NĐT có thêm các công cụ mới để đầu tư, còn các công ty quản lý quỹ có thể cung cấp nhiều chuỗi sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của thị trường.
Quỹ mở được phép hoạt động cũng tạo tiền đề cho phép ra đời các loại hình như quỹ hưu trí, một loại hình quỹ chưa hề có mặt tại Việt Nam nhưng đã phổ biến trên thế giới.
Nhưng với những khó khăn của TTCK hiện tại, đặc biệt là sự thất thế của 5 chứng chỉ quỹ đóng niêm yết khiến mô hình mới đang bị hoài nghi?
Prudential đã có kinh nghiệm huy động vốn và vận hành quỹ mở thành công tại 10 quốc gia trong khu vực châu Á. Từ thực tế này, chúng tôi cho rằng, khác với quỹ đóng, sự thành công của quỹ mở chỉ được đánh giá thấu đáo sau khoảng 5 năm hoạt động.
Nếu một quỹ mở mới ra đời chỉ thu hút được con số khiêm tốn NĐT tham gia thì chưa hẳn sản phẩm đó đã thất bại, vì chứng chỉ quỹ mở sau đó được mua bán liên tục. Nếu quỹ hoạt động hiệu quả thì chắc chắn sẽ thuyết phục được các NĐT mới tham gia, quỹ sẽ tăng trưởng về số lượng NĐT và quy mô vốn.
Ở giai đoạn đầu tiên, theo ông, các yếu tố nào sẽ quyết định đến sự thành công của sản phẩm quỹ mở?
Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định của sự thành công của quỹ mở phải là công tác đào tạo. Việc trang bị kiến thức đầu tư, kiến thức về quỹ mở không chỉ cần thiết với đối tượng NĐT, mà còn rất cần với các nhân viên đang làm việc trong các tổ chức phân phối của quỹ và cả nhà quản lý của các quỹ.
Từ thực tiễn hoạt động quỹ mở tại các quốc gia châu Á khác, việc đào tạo này có thể phải mất tới 5 - 10 năm. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sự chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phần mềm công nghệ, nguồn lực quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ, vì việc vận hành quỹ mở phức tạp hơn rất nhiều so với quỹ đóng.
Để thành công, công ty quản lý quỹ đương nhiên cũng phải tiến hành các nghiên cứu, khảo sát thị trường nhằm cho ra đời các sản phẩm phù hợp dựa trên nhu cầu của các nhóm đối tượng NĐT khác nhau.
Sự thất thế của chứng khoán hiện tại có khiến các công ty quản lý quỹ nội địa e ngại cung cấp các sản phẩm mới về quỹ mở?
Chúng ta đã từng chứng kiến TTCK Việt Nam xuống đáy vào tháng 2/2009 và tăng liên tục trong 7 tháng sau đó. Nhưng tại vùng đáy này, rất ít NĐT tổ chức giải ngân.
TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, nhưng không thể phủ nhận những cơ hội tốt để đầu tư dài hạn. Nếu chúng ta chờ thị trường tăng trưởng trở lại mới giải ngân thì có thể sẽ tự đánh mất những cơ hội tốt nhất.
Với Prudential, chúng tôi đã có sự chuẩn bị và sẵn sàng cho sự ra đời không chỉ một mà cả chuỗi các sản phẩm cho các NĐT trong nước, phù hợp các điều kiện thị trường khác nhau.
Liệu sự ra đời của quỹ mở có đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của các quỹ đóng khi chứng chỉ quỹ đại chúng niêm yết đang bị thị trường chiết khấu rất cao?
Điều này sẽ không xảy ra. Thực tế, tại các thị trường Prudential đang hoạt động, mô hình quỹ đóng và quỹ mở vẫn tồn tại song song. Quỹ đóng vẫn có ưu thế cho các sản phẩm đầu tư không có tính thanh khoản cao như đầu tư bất động sàn và đầu tư vào các công ty chưa đại chúng hóa.
Vậy Prudential Việt Nam có kế hoạch chuyển đổi quỹ đóng đại chúng đang thực hiện thành quỹ mở, thưa ông?
Chúng tôi xin phép chưa đưa ý kiến về vấn đề này. Trước hết, chúng tôi phải xem khung pháp lý về quỹ mở có cho phép việc chuyển đổi được thực hiện không. Nếu có, chúng tôi sẽ làm việc với Ban đại diện Quỹ PRUBF1 để tìm hiểu nguyện vọng của các NĐT. Quyết định chuyển đổi hay không chuyển đổi sẽ do Đại hội đồng NĐT quyết định. Chúng tôi cũng sẽ phải xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về vấn đề này.
Giang Thanh thực hiện
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: TTCK Việt Nam còn nhiều cơ hội tốt để đầu tư dài hạn