Nhiều ngân hàng nhỏ có “nội lực” cao
Dưới áp lực tái cấu trúc hệ thống ngành mà thông điệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra, bên trong mỗi ngân hàng cũng đang xuất hiện làn sóng cơ cấu nội bộ.Xu hướng thay đổi diện mạo và nâng cao năng lực tài chính để củng cố niềm tin đang là cách mà nhiều ngân hàng thực hiện bước đầu tái cấu trúc.

Rất đông khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank)

Kết thúc 3 quý đầu năm 2011, theo nhiều đánh giá thì lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn được xem là khả quan mặc dù tình hình hoạt động của ngành gặp nhiều trở ngại trong năm tài chính 2011 do chính sách thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Bất chấp khó khăn trong huy động vốn với trần lãi suất 14%/năm và phải giảm lãi suất cho vay, lợi nhuận ngân hàng vẫn được xem là khá tích cực so với các doanh nghiệp khác như bất động sản, chứng khoán trong giai đoạn hiện nay. Ngoài 8 ngân hàng đang niêm yết trên 2 sàn chứng khoán phải công bố thông tin theo quy định thì đến nay hầu hết các ngân hàng đều đã chủ động hoàn thành công bố báo cáo tài chính quý 3/2011 với lợi nhuận vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước.
So với “đàn anh đàn chị” khác, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) được xếp vào diện ngân hàng nhỏ và vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến 30/09, Ficombank đã “phá” chỉ tiêu về tổng tài sản khi đạt hơn 17.100 tỷ đồng, vượt 128% so kế hoạch. Nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư của ngân hàng này đạt 8.800 tỷ đồng, bằng gần 90% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế là 219 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch 285 tỷ đồng cho cả năm 2011.
Một điển hình khác được gọi là “tạo hiện tượng” khi các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch trong 9 tháng là Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Ngân hàng này đã đạt mức tăng trưởng ở nhiều chỉ tiêu như tổng tài sản đạt 58.939 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2010, vượt 7,16% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế là 579,6 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2010, vượt 5,3% kế hoạch; tổng vốn huy động đạt gần 53.325 tỷ đồng, vượt 11,1% kế hoạch.
Riêng trường hợp của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) khá đặc biệt khi thông tin ban đầu cho rằng ngân hàng này lỗ sau thuế 18 tỷ đồng trong quý 3. Ngay sau đó, phía lãnh đạo của ngân hàng đã có thông tin giải trình và xác nhận ABBank vẫn hoạt động ổn định và có lãi. Cụ thể, lợi nhuận trước dự phòng rủi ro của quý 2 là 260 tỷ đồng và quý 3 là 262 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu 2011 đạt 329,4 tỷ đồng. Thực chất, nguyên nhân dẫn đến sự hiểu lầm lỗ là do trong quý 2 năm 2011, ABBank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là 100 tỷ đồng và trong quý 3 trích tiếp 240 tỷ đồng nhằm điều tiết hoạt động ngân hàng ổn định và bền vững.
Nhìn chung, trong chiến lược tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà NHNN đã có chủ trương thì các ngân hàng nhỏ phải chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, có chuyên gia trong ngành lại cho rằng “nhỏ chưa hẳn đã yếu và to chưa hẳn đã khỏe” để nói về nhóm ngân hàng này.
Mới đây, Ficombank đã chính thức khai trương trụ sở mới với tổng diện tích sàn sử dụng 10.100 m2, đồng thời nhấn mạnh sự thay đổi mạnh mẽ về diện mạo qua hệ thống nhận diện thương hiệu với logo, slogan mới. Trong khi nhiều ngân hàng thu hẹp hoạt động, thì Ficombank lại hướng đến đầu tư cho tài sản. Ngoài việc sở hữu hơn 10.000 m² tại Ficombank Tower từ tầng trệt đến tầng 11, hiện ngân hàng này đang đàm phán mua tiếp hết phần còn lại của tòa nhà 27 tầng này.
Trong tháng 11 qua, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) cũng công bố hội sở mới tại cao ốc 17 tầng thuộc sở hữu của chính ngân hàng. Ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc NamABank nhận xét: “Với hội sở mới tất nhiên ngân hàng cũng sẽ khoác lên tư thế mới chuyên nghiệp và hiện đại hơn”.
Nhất Minh - Tường Châu
*********



Xem bài viết: Nhiều ngân hàng nhỏ có “nội lực” cao