THV có thế chấp tài sản khống để vay ngân hàng?
Trước tin đồn THV đã thế chấp một số khoản vay bằng hàng tồn kho, dù thực tế không có, ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thái Hòa (THV - sàn HNX) khẳng định, không hề có chuyện đó.
* Haverstock có thực sự muốn mua cổ phiếu THV?
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc THV
THV đã sử dụng quá nhiều vốn vay ngắn hạn để tài trợ cho dài hạn. Các khoản nợ cũng đang ở mức nguy cơ cao. Vậy Công ty ông đang làm gì để giải quyết khó khăn này?
Đúng là trong quá khứ, chúng tôi đã có bước phát triển nóng. Tham vọng mở rộng hoạt động của Thái Hòa, dù là đúng lĩnh vực, nhưng do tiềm lực tài chính không theo kịp và diễn biến khó lường của nền kinh tế, nên đã dẫn đến những khó khăn hiện tại. Dù vậy, chúng tôi đang tích cực phối hợp với ngân hàng để giải quyết từng vấn đề.
Trong cuộc họp ĐHCĐ năm 2011, chúng tôi đã giải trình với cổ đông và xin ý kiến việc tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, đồng thời phát hành trái phiếu chuyển đổi. Việc tăng vốn điều lệ là nhằm mục tiêu bù đắp khoản vay ngắn hạn đã dùng để đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, việc tăng vốn này diễn ra chậm, nên chúng tôi đang làm việc với ngân hàng để chuyển nợ vay ngắn hạn thành dài hạn và tái cơ cấu Công ty.
Chẳng hạn, chúng tôi vay đầu tư dài hạn của Maritimebank 100 tỷ đồng, Agribank 110 tỷ đồng, Vietcombank 200 tỷ đồng, Habubank 140 tỷ đồng, VIBank 17 tỷ đồng. Hiện tại, chúng tôi đã chuyển cổ phần và tài sản sang ngân hàng để đảm bảo yêu cầu.
Việc tái cơ cấu dự kiến sẽ hoàn thành trước thời điểm 31/12/2011. Sau tái cơ cấu, chúng tôi sẽ sở hữu không dưới 51% vốn cổ phần tại các đơn vị thành viên, ngoại trừ 2 đơn vị thành viên ở Điện Biên và Quảng Trị là sở hữu 26%. Tuy nhiên, THV vẫn có quyền mua lại số cổ phần sở hữu này khi thực hiện tăng vốn điều lệ và phát hành trái phiếu thành công. Sau tái cơ cấu, khoản vay của chúng tôi chỉ còn khoảng 200 tỷ đồng.
Một vấn đề khác là Công ty đang có lượng hàng tồn kho lớn. Vậy tiền mua nguyên liệu ở đâu? Giá café giảm có làm Công ty bị thua lỗ nhiều không, thưa ông?
Ngoài các khoản trên, hiện nay café đang được thu mua do vào mùa thu hoạch, nên chúng tôi vẫn cần vay tiền, nhưng khoản này được thế chấp bằng chính café nguyên liệu. Việc giảm giá café thời gian vừa qua, Thái Hòa hầu như không bị ảnh hưởng nhiều do các DN khác đã ký hợp đồng bán từ trước trong bối cảnh không có tiền mua café, nên họ phải chấp nhận mua dù giá có lên hay không.
Chúng tôi đã hoàn toàn cấm việc mua bán khống, mà mua trước, bán ngay sau đó để giảm thiểu rủi ro biến động thương mại. Còn hàng tồn kho tăng chỉ đơn giản đây là vụ mùa, nên chúng tôi phải tăng thu mua lên.
Có tin đồn nói rằng, Công ty đã thế chấp một số khoản vay bằng hàng tồn kho, dù thực tế không có. Tin này có chính xác không, thưa ông?
Tôi khẳng định là không. Tất cả các khoản vay đều được thế chấp bằng các tài sản như phần vốn tại các công ty thành viên và diện tích vùng nguyên liệu, không có chuyện Thái Hòa làm khống như trên.
Việc Haverstock cam kết mua 15 triệu USD cổ phiếu THV đang gây chú ý và nghi vấn cho nhiều nhà đầu tư. Liệu quỹ này có chắc chắn sẽ mua cổ phiếu THV không, thưa ông?
Chúng tôi đã có đàm phán với Haverstock về việc bán cổ phiếu cho quỹ này, với người bán là các cổ đông lớn của THV. Chúng tôi cũng đã yêu cầu công ty luật (Công ty DNAS, đơn vị môi giới) phải chứng minh năng lực tài chính của Quỹ.
Việc mua được thực hiện theo phương thức lấy giá bình quân của 5 phiên liền trước, chiết khấu giá 7%. Mỗi lần giải ngân là 750.000 USD (hôm trước chúng tôi có sơ suất truyền thông là 750.000 cổ phiếu). Việc mua này sẽ được thực hiện sau 40 ngày kể từ ngày ký cam kết (tức là khoảng 10/1/2012 - PV) và có thể diễn ra trong 3 - 4 tháng.
Phía Quỹ sẽ phong tỏa tiền tại HSBC, nhưng thời điểm này thì chưa có ràng buộc tài chính nào. Tuy nhiên, theo tôi, là một quỹ lớn, nếu Haverstock không tuân thủ những gì mình cam kết thì họ đã tự đóng cửa đối với thị trường Việt Nam.
Theo ông, nếu 40 ngày sau, quỹ này không mua THV thì những NĐT cá nhân đã trót mua theo thông tin công bố sẽ chịu thiệt hại ra sao?
Thực tế, chúng tôi không có chế tài ép phía đối tác phải mua cổ phiếu như cam kết. Nhưng phải khẳng định rằng, việc công bố thông tin của chúng tôi là không sai luật. Chúng tôi chỉ có một sai sót khi đưa thông tin không chính xác về mức độ giải ngân, nhưng đã kịp thời đính chính ra thị trường rồi.
Có thông tin nói rằng, cách cam kết mua của Haverstock thông thường chỉ là mua 1 khoản rồi quay vòng, chứ không phải mua đủ theo số tiền họ công bố. Ông có lường trước tình huống này?
Thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 12 tháng, tức là sau 12 tháng thì Quỹ sẽ giải ngân hết 15 triệu USD. Đã có ý kiến nói về việc Quỹ chỉ giải ngân một phần, khi nào có lãi thì bán số cũ đi và giải ngân tiếp, nhưng thỏa thuận của chúng tôi không như vậy.
Quỹ sẽ giải ngân theo chủ động của người bán, chứ không phải chủ động của người mua. Khi Quỹ bán đi, HĐQT được ưu tiên mua lại, nhưng chỉ khi Quỹ có lãi từ 25% trở lên.
Tú Uyên thực hiện
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: THV có thế chấp tài sản khống để vay ngân hàng?