Chứng khoán và những “cuộc chia ly màu đỏ”
Sáng 2/12, cộng đồng nhà đầu tư gửi cho nhau bức thư chia tay của Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS). Không chỉ các “sao” đổi ngôi trên thị trường này, mà sự khốc liệt còn khiến nhiều nhà đầu tư kỳ cựu “ngã ngựa”.

Thông tin TLS đang quyết liệt cải tổ đã râm ran từ lâu và cũng không lạ lắm khi chính ngân hàng “mẹ” cũng đang phải tập trung nguồn lực để hỗ trợ. Tại buổi giới thiệu niêm yết của Ngân hàng Quân đội (MB), đại diện ngân hàng này cho biết đã nhiều lần họp riêng với TLS để cảnh báo. Đồng thời, yêu cầu TLS phải có khảo sát đánh giá lại để có một đánh giá chung, từ đó MB sẽ đưa ra một “gói vay cứu trợ” giúp TLS hoạt động ổn định và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Thực ra, khó khăn của TLS cũng không có gì nổi bật trong khi hàng chục công ty chứng khoán khác đang lỗ triền miên, cụt vốn, mất thanh khoản, thậm chí có công ty đã tính chuyện “bỏ nghề”. Tuy nhiên TLS để lại cho cộng đồng nhà đầu tư dấu ấn sâu đậm về sự thành công - cũng như rủi ro - trong cuộc đua cung cấp dịch vụ đòn bẩy tài chính, phát triển mạng lưới cộng tác viên, môi giới, thậm chí cả phong cách viết phân tích tư vấn từ cá nhân các lãnh đạo công ty hàng ngày.
Có lẽ vì thế, mà sự ra đi của người đứng đầu TLS nhận được nhiều sự quan tâm, mặc dù phải tới ngày 9/12 tới, đại hội cổ đông bất thường của TLS mới tổ chức.
Theo những thông tin ban đầu, người thay thế ông Lê Đình Ngọc trên cương vị Tổng giám đốc TLS sẽ là ông Lưu Trung Thái, nguyên là Phó tổng giám đốc MB. “TLS là thách thức lớn nhất mà tôi đã từng gặp” là thừa nhận của người thay thế, và “TLS quay trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường và đúng với vị trí của mình” là mong muốn của người ra đi…
Cũng không khác lắm giai đoạn cuối 2008, đầu 2009, dòng thông tin chủ đạo từ các thành viên thị trường của năm nay là sự co hẹp hoạt động, đóng cửa phòng giao dịch, giải thể chi nhánh và sự thay đổi nhân sự chủ chốt. Sự thay đổi của các vị trí nhân sự tại các công ty chứng khoán nhanh đến nỗi nhiều tấm danh thiếp không đủ cập nhật vị trí và công việc mới. Không đâu xa, ngay tháng 11 vừa qua, VnEconomy ghi nhận đã có tới 8 công ty công bố thay đổi lớn trong các vị trí tổng giám đốc và phó tổng giám đốc.
Việc đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch, thay đổi chức vụ người đứng đầu chi nhánh thì còn nhiều gấp đôi. Nhiều nhân sự quan trọng, từng kinh qua nhiều chức vụ cao nhất trong nhiều công ty, cả những người có mặt trên thị trường từ những ngày đầu tiên cũng phải chia tay với chứng khoán và giờ vẫn đang tìm khoảng lặng riêng.
Đối với các vị trí thấp hơn như trưởng phòng, phụ trách bộ phận hay nhân viên thì sự thay đổi sôi động đến mức chỉ có người trong cuộc mới biết hết. Đã có một thống kê nhân sự dựa trên báo cáo của chính các công ty chứng khoán từ đầu năm đến nay, ghi nhận mức cắt giảm lên tới hàng trăm người. Ngay cả SSI, SBS, VND... cũng nằm trong số công ty có mức độ cắt giảm hàng đầu.
Lĩnh vực chứng khoán luôn là nghề có sự xáo trộn nhân sự mạnh nhất, ngay cả lúc thị trường thăng hoa cũng như lúc thị trường ảm đạm. Không hẳn là do sức ép công việc hay sức ép chỉ tiêu lợi nhuận, đa số các vị trí chủ chốt được thông tin với cuộc “chia tay” trong hòa bình và tự nguyện. Cũng có sự ra đi là hệ quả của hoạt động thôn tính, đổi chủ. Đối với nhân viên cấp thấp, sự ràng buộc lỏng lẻo đến mức nhảy việc là điều tất yếu nếu quyền lợi và trách nhiệm không phù hợp.
Một thông tin thú vị mà không mấy người chú ý, là Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) mới đây đã thông báo tạm dừng phát hành bản tin, bắt đầu từ ngày 1/1/2012. Cùng với nhu cầu cải tiến chất lượng, một thông tin khác còn cho biết thị trường ảm đạm đã khiến lượng phát hành bản sụt mạnh. Trưởng bộ phận môi giới của một công ty chứng khoán còn cho biết, chỉ đạo của lãnh đạo công ty là cắt ngân sách đặt mua bản tin từ giữa năm, phần vì phải tiết kiệm, phần vì khách hàng lên sàn thưa thớt quá.
Không ồn ào như các “sao” của công ty chứng khoán, cũng có những cuộc chia tay trong lặng lẽ của nhiều nhà đầu tư kỳ cựu. Một nhà đầu tư từng cùng chiến tuyến với người viết trong thời huy hoàng 2006-2007 lẫn thời nước sôi lửa bỏng 2009, cách đây 6 tháng đã nói lời giã biệt chứng khoán. Cả gia đình dọn lên Thái Nguyên với nghề mới là xây nhà cho thuê. Vốn liếng vài tỉ đồng, khởi nghiệp mới ở Hà Nội là khó khăn, nhưng thừa cho một cuộc sống nhẹ nhàng nơi phố huyện.
Trong lúc thị trường khó khăn, dễ dàng bắt gặp những lời than thở não nề trên các diễn đàn chứng khoán. Điều lạ là có quá nhiều lời “tự bạch” thề chia tay chứng khoán, nhưng rồi lại đâu vào đó, khi thị trường khởi sắc. Phải thừa nhận rằng khó có nghề nào cuốn hút, đủ mọi cung bậc tâm lý như đầu tư chứng khoán. Có lẽ vì thế, các cuộc chia tay rồi lại tái hợp cũng là chuyện thường ngày!
Thiện Ý
tbktvn



Xem bài viết: Chứng khoán và những “cuộc chia ly màu đỏ”