Đã đến lúc bắt đáy chứng khoán?
Đã có những thay đổi trong nhận định của một số công ty chứng khoán, nhiều cổ phiếu quay đầu tăng trần sau chuỗi ngày giảm sàn, quyết tâm vực dậy TTCK của Chính phủ... Những dấu hiệu này cho thấy đáy chứng khoán đang ở rất gần?
Trong vài ngày qua, có một điểm chung là các công ty chứng khoán đồng loạt đưa ra những nhận định về TTCK không còn quá u ám, bi quan như họ liên tục đưa ra trước đó. Các nhận định đã thiên về hướng thị trường có chiều hướng đi ngang hoặc giảm nhẹ, đang tích lũy... Thậm chí có công ty đã đưa ra khuyến nghị cân nhắc mua đối với đầu tư dài hạn.
Trong nhận định đưa ra ngày 2/12, Công ty chứng khoán ACBS cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đang giao dịch ở mức P/E khá hấp dẫn. Con số này ở sàn thành phố là 8,37 trong khi ở sàn Hà Nội là 6,71.
Theo ACBS, về mặt phân tích kỹ thuật, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục di chuyển ngang do tâm lý nhà đầu tư đang do dự trong thời điểm này. Ngược lại, chỉ số HNX-Index có thể phục hồi về ngưỡng kháng cự 65 - 67 nhờ vào áp lực bán đang suy yếu dần.
Bên cạnh đó, các thông tin tiêu cực theo ACBS dường như hầu hết đã được phản ánh vào giá chứng khoán. Do đó, công ty chứng khoán này cho rằng đây là thời điểm tốt cho nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và tìm kiếm cho mình những mã có yếu tố cơ bản tốt.
Trước đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - SSI và Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT - FPTS cũng đã cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và có giảm thì cũng với biên độ giảm dần.
Một điều dễ nhận thấy là TTCK trong vài phiên giao dịch gần đây đã có phiên tăng phiên giảm xen kẽ và lực bán ra cũng đã giảm đáng kể. Cả hai sàn chứng khoán trong phiên giao dịch cuối tuần 2/12 cùng tăng điểm với VN-Index tăng 1% và HNX-Index tăng 0,82%.
Trừ một vài mã gặp tin xấu như Chứng khoán Phương Đông (ORS) bất ngờ xin hủy niêm yết..., còn lại lực bán ở hầu hết các cổ phiếu rất thấp, dư bán không nhiều và hầu hết ở mức trần hoặc sát trần.
Trên thị trường xuất hiện khá nhiều mã cổ phiếu có thị giá thấp hoặc/và mã giảm sàn liên tục trong tháng 11 quay đầu tăng mạnh trở lại.
Điển hình là mã PTC của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện sáng 2/12 đã quay đầu tăng trần với dư mua tới hơn 140.000 đơn vị. Mà này trước đó đã giảm gần 30 phiên liên tục (trong đó đa số giảm sàn) từ 17.300 đồng xuống còn 5.600 đồng/cổ phiếu.
Một số mã cổ phiếu chứng khoán như SME, AGR, SHS cũng quay đầu tăng trần trong phiên giao dịch cuối tuần sau khi giảm sàn thê thảm trong tháng trước đó.
Hơn thế nữa, còn phải kể đến một số doanh nghiệp vượt qua được sóng gió hoặc công bố chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông trong thời buổi khó khăn cũng có cổ phiếu tăng vọt trở lại như DBC (cổ tức bằng tiền 20%), KTS (EPS điều chỉnh 9 tháng đạt 16.000 đồng), LCS (lợi nhuận 9 tháng tăng 35,7% so với cùng kỳ), VCH (trả cổ tức tiền mặt 8%)...
Một yếu tố khá quan trong nữa giúp lực bán trên TTCK giảm và sức cầu có xu hướng tăng lên là tín hiệu vực dậy TTCK của các cơ quan chức năng.
Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng các đề án tái cấu trúc ngành, xây dựng định hướng phát triển TTCK 10 năm tới với yêu cầu nhất thiết phải gắn quá trình tái cơ cấu với xây dựng và vực dậy TTCK Việt Nam.
Hiện tại, điểm mấu chốt là đa số các nhà đầu tư đã thua lỗ quá nhiều do giá cổ phiếu giảm thê thảm trong suốt thời gian vừa qua. Họ do dự không dám quay lại thị trường cho dù sự giảm giá ở nhiều mã cổ phiếu được cho là quá đà.
Về sâu xa hơn, các nhà đầu tư vẫn lo ngại các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2012 nếu lạm phát không được kiềm chế tốt và lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp vay vẫn ở mức 18, 19 thậm chí hai mấy phần trăm/năm.
Hầu hết các nhà đầu tư đang đợi một cú huých mạnh từ chính sách và khi đó TTCK có thể hồi phục.
Về cơ bản, Chính phủ đã định hướng rõ sẽ hạ lãi suất trần huy động về 12, thậm chí 10%. Và trong mấy ngày qua, cũng đã rộ lên tin đồn lãi suất sắp được đưa về mức 12%. Mặc dù ngay sau đó, NHNN đã phủ nhận thông tin này. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới đầu tư, nếu lạm phát trong các tháng trước và sau Tết mà được khống chế tốt thì việc lãi suất được kéo về thấp hơn là đương nhiên. Bởi, lãi suất cao sẽ bóp chết nền kinh tế, mà trong đó là hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Lãi suất được kéo về thấp cũng là một áp lực buộc hệ thống ngân hàng phải đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc như đã được đề ra.
Mạnh Hà
Diễn đàn kinh tế Việt Nam



Xem bài viết: Đã đến lúc bắt đáy chứng khoán?