Thị trường niêm yết: Viễn cảnh OTC hoá?
(Vietstock) - Một khi ngân hàng không bị chứng khoán đe dọa, thì có lẽ cũng chẳng có ai phải quyết tâm cứu chứng khoán! Bởi thế, cần nghiêm túc mà dự cảm rằng viễn cảnh bị “OTC hóa” của thị trường niêm yết không phải là một cái gì đó quá xa vời…

Bài học nào cho dĩ vãng?
Lại một năm sắp trôi qua. Đã quá muộn để nhà đầu tư rút ra những bài học đắng lòng về thị trường chứng khoán dĩ vãng, nhưng vẫn còn quá sớm để tổng kết nhiều bài học nữa vẫn chờ đợi ở đoạn cuối con đường của TTCK tương lai.
Chúng ta hãy cùng nhớ lại, ở đâu và vào lúc nào người ta bắt đầu dự cảm về số phận oan nghiệt của chứng khoán?
Còn khi thời gian trắng bệch đang trải ra trước bộ mặt đã phai bạc của nhà đầu tư, khi tất cả chúng ta đều phải thừa nhận một thực tế trần trụi là giá trị giao dịch bình quân của những tháng cuối cùng trong năm 2011 chỉ bằng chưa đầy một nửa so với đoạn kết của năm 2010, thì đã kịp có đến 400 cổ phiếu trên cả hai sàn bị ép thị giá xuống dưới mệnh giá, hàng trăm cổ phiếu đang bị nén xuống “đầu 5” (5,000 đồng chứ không phải là 50,000 đồng), và phân nửa của con số hàng trăm đó chỉ còn có “đầu 3”.
Nhưng khác căn bản với thời đoạn cuối của cuộc khủng hoảng thị trường vào hai tháng đầu năm 2009, giờ đây người ta còn có thêm một bài học nữa: thanh khoản.
Hẳn thế, từ tháng Tư năm nay, tình hình đã xoay chuyển đầy bất lợi cho nhóm cổ phiếu nhỏ. Bất chấp những mã cổ phiếu có vốn hóa siêu lớn như BVH, MSN, VIC vẫn được làm giá không biết mệt mỏi theo một chiến lược đã được định hình sẵn, giá trị giao dịch của cổ phiếu nhỏ vẫn thúc thủ theo chiều hướng suy giảm cùng chiều với mặt bằng thị giá của chúng.
Tháng Tư cũng là thời gian mà tâm trạng chán chường trong tâm não nhà đầu tư tưởng chừng đã lên đến mức cực độ, với bao lời oán thán về thái độ quan liêu và tắc trách của Ủy ban chứng khoán nhà nước về hành vi “cố ý bỏ rơi” thị trường.
Nhưng tháng Tư lại đã được bắt nguồn từ tháng Giêng của năm nay – màn khởi đầu của tấn bi kịch. Còn hiện giờ thị trường đang bước vào tháng Chạp – thời điểm mà nỗi oán thán của nhà đầu tư còn vượt hơn cả mức đỉnh tâm tư hồi tháng Tư.
Thanh khoản: đoạn cuối của con đường?
Trong nửa năm qua, thị trường đã chuyển giai đoạn một cách êm thắm và gọn ghẽ. Những gì cần xả đã được xả trong con sóng tăng nhẹ vào tháng Sáu. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người còn kiên cường bám trụ và cả những người mới chân ướt chân ráo đu theo làn sóng “giá rẻ” – đã ôm trọn khối cổ phiếu khổng lồ do các công ty chứng khoán và quỹ nước ngoài xả ra.
Sau Tháng Sáu, mọi chuyện lại trở về tháng Tư với mức thanh khoản sụt giảm theo ngày tháng. Nhưng khác với tháng Tư, từ tháng Bảy trở đi, nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu than phiền về câu chuyện “mua được - bán không được”. Hàng loạt cổ phiếu nhỏ như SQC, NVB, RIC, IFS, STG, COM, SPP, TMS, TMP, POM… rơi vào tình thế của những kẻ ăn nhờ ở đậu.
Nếu chỉ nhìn vào những cổ phiếu trên, có cảm giác như chẳng có gì khác biệt giữa thị trường niêm yết và thị trường OTC.
Sát tháng Chạp, một tính toán cho thấy đã có gần 400 cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân 30 ngày ít hơn 0,1% lượng cổ phiếu đang niêm yết. Trong thực tế, không ít cổ phiếu trải qua không ít phiên mà chẳng có giao dịch nào.
Cùng lúc, người ta nhận ra nguy cơ cạn kiệt giao dịch là nguy hiểm không thua kém gì so với mối nguy sụt giá cổ phiếu. Nhưng nhận ra được hệ quả này thì đã muộn.
Không chỉ là nguy cơ cạn kiệt thanh khoản trên sàn, mà từ tháng Tám đến nay, cùng với hàng loạt vụ đổ vỡ tín dụng đen bất động sản ở Hà Nội và tín dụng đen chứng khoán ở TP.HCM, mạch cạn kiệt thanh khoản đã dần lan đến khối công ty chứng khoán.
Ban đầu chỉ là những công ty chứng khoán có quy mô nhỏ như SME. Nhưng cũng như đối tượng ngân hàng nhỏ có mối liên thông với các ngân hàng lớn, người ta đồn rằng sau trường hợp SME sẽ còn là những công ty chứng khoán có tầm cỡ hơn. Mà bản thân nhiều công ty chứng khoán có tầm cỡ như SSI, TLS cũng đang phải thu hẹp văn phòng giao dịch và cho nghỉ việc ít ra 20% số nhân viên.
Những hiện tượng trên cho thấy điều gì? Những bài học đã được nhà đầu tư rút ra cho bản thân họ lại đang có nguy cơ trở thành tiền lệ của những tiền lệ. Dường như tất cả vẫn chưa hề kết thúc, vẫn còn những bài học tiếp nối mà nhà đầu tư chưa có cơ hội nhìn thấy.
Một khi làn sóng hủy niêm yết chưa dừng lại…
Cho đến nay, dù chưa chính thức xảy ra hiện tượng nộp đơn ồ ạt, nhưng bản chất thâu tóm doanh nghiệp thông qua sàn là một vấn đề đã được nhiều doanh nghiệp khẳng định. Và còn vì nhiều lý do khác nữa để hủy niêm yết. Sau những trường hợp thua lỗ kéo dài đã được minh định như Công ty Nhựa Tân hóa (VKP), việc có những công ty chứng khoán như ORS đột ngột xin hủy niêm yết không bởi một nguyên do rõ ràng nào cũng xứng đáng trở thành một hiện tượng mang tính hiệu ứng domino.
Chỉ không có lý do nào đủ thuyết phục để những doanh nghiệp nhỏ yếu kém, kể cả không yếu kém tiếp tục tồn tại trên sàn niêm yết mà thôi.
Lại một năm nữa gần trôi qua. Đã đến lúc các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần nghiêm túc nhìn lại “thành quả” của năm qua, rằng họ đã được “nâng lên một tầm cao mới” như thế nào. Sẽ còn những gì sẽ xảy ra trong thời gian tới – ít nhất trong năm 2012?
Không ai có thể đoán định được.
Nhưng rõ ràng thị trường vẫn đang tiếp tục xấu đi cùng với mối nguy cạn kiệt thanh khoản, mà nói một cách nào đó, có thể biến cái thị trường niêm yết từng được sủng ái này thành một thứ “chợ OTC”.
Những người vẫn còn mang tư tưởng bắt đáy, đặc biệt là những nhà đầu tư “mới nổi” mang trong đầu mối vọng tưởng về chuyện dùng tiền tiết kiệm để ít ra cũng một lần chiến thắng thị trường, có bao giờ dự cảm rằng thị trường này còn có thể trượt giảm ít ra 30-40% nữa, với thời gian kéo dài có thể đến gần hết năm sau?
Chính sách – nhưng là chính sách nào?
Chỉ còn chính sách là cứu cánh duy nhất cho thị trường.
Nhưng chính sách cũng là một phạm trù được thể hiện không ít lần từ đầu năm đến nay. Tạm chưa xét đến những văn bản khá “vô thưởng vô phạt” của Ủy ban chứng khoán nhà nước và thời gian khó khăn vào giữa năm khi lạm phát vẫn treo cao, thị trường đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội từ tháng Chín, khi một phần tiền tiết kiệm đã bị “ép” ra ngoài khi trần lãi suất huy động trở về mức “nguyên thủy” của nó là 14%.
Chưa kể đến những lời hứa hẹn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. “Cứu chứng khoán” là một cụm từ dễ thương và đầy quyến rũ, đã được phác thảo từ nửa năm qua, nhưng chưa được biểu hiện thành hành vi cụ thể nào. Gần đây nhất, cụm từ này lại được nhắc đến sau kỳ họp Quốc hội. Nhưng lần này người nêu ra chủ trương “giải cứu” chứng khoán lại chính là Thủ tướng.
Có thể sắp tới đây, một động tác về giảm thuế thu nhập cá nhân cho nhà đầu tư chứng khoán sẽ được thông qua. Cũng sắp tới đây, một chỉ thị về “lành mạnh hóa thị trường chứng khoán” có thể sẽ được Thủ tướng ký ban hành. Trong phần hành của mình, nhất là từ sau khi được người lãnh đạo mới của Bộ Tài chính “cầm tay chỉ việc”, Ủy ban chứng khoán nhà nước đã chi tiết hóa khá nhiều đầu việc cho năm 2012 – một hành vi minh bạch hóa khác hẳn với những năm trước.
Nhưng nói là một chuyện, còn làm lại là chuyện khác – một đặc tính vốn có trong TTCK đã ăn sâu vào tâm trí nhà đầu tư và đã kiến tạo nên đặc tính hoài nghi không thể thiếu đối với người cầm tiền lẫn người cầm cổ.
Việc giảm thuế chứng khoán đã nghe từ giữa năm nay và thực tế cũng chẳng tạo nên tác động gì lớn lao khi đại đa số nhà đầu tư đều thua lỗ đến đại đa số phần vốn của mình. Còn một chỉ thị hay khung pháp lý nào đó cho thị trường thì liệu có ích lợi gì khi vẫn không thể khuyến dụ được một nguồn tiền nào đủ lớn để dựng ngược thị trường lên?
Có cơ sở cho mối hoài nghi đó trở thành sự thật. Tính đến cuối tháng 8/2011, số dư cho vay chứng khoán đã giảm 43%. Một ước tính cho thấy hiện thời giá trị bị kẹp hàng của các ngân hàng trong TTCK chỉ còn khoảng 3,000-4,000 tỷ đồng. Trước đó, hàng chục ngàn tỷ đã được công ty chứng khoán giải chấp và hoàn trả lại cho ngân hàng để bảo đảm tỷ lệ dư nợ tín dụng phi sản xuất của ngân hàng về mức 22% vào thời điểm 30/6/2011.
Trong khi đó, cũng với 8 tháng đầu năm 2011, số dư cho vay bất động sản chỉ giảm có 10%. So với dư cho vay bất động sản, số dư cho vay của chứng khoán là quá ít ỏi, quá mỏng manh để các ngân hàng và các cấp cao hơn của ngân hàng không mấy phải bận tâm. Mà đã không bận tâm thì có nghĩa là cho dù số dư cho vay kia có mất khả năng thanh toán, ngân hàng cũng không vì thế mà đổ bể.
Đến đây, có lẽ chúng ta đều hiểu ra một “chân lý”: một khi ngân hàng không bị chứng khoán đe dọa, thì có lẽ cũng chẳng có ai phải quyết tâm cứu chứng khoán làm gì!
Bởi thế, cần nghiêm túc mà dự cảm rằng viễn cảnh bị “OTC hóa” của thị trường niêm yết không phải là một cái gì đó quá xa vời…
Hạ Xuyên



Xem bài viết: Thị trường niêm yết: Viễn cảnh OTC hoá?