Vì sao Jetstar Pacific phải chuyển 70% cổ phần cho VNA?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Hãng hàng không Jetstar Pacific kinh doanh lỗ nhiều năm nên cần sắp xếp lại.
Thời gian vừa qua, một nguồn tin chưa chính thức đã cho hay: Tổng công ty hàng không quốc gia Việt Nam (VNA) sẽ chính thức nhận quyền quản lý gần 70% cổ phần hãng hàng không Jetstar Pacific từ tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), trở thành cổ đông chi phối Jetstar Pacific.
Với việc chuyển giao này, VNA sẽ nắm đến trên 90% thị trường hàng không nội địa.
Tại buổi họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 1/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã công khai “bật mí”: Việc chuyển đại diện chủ sở hữu nguồn vốn của Nhà nước từ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước sang doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước (Vietnam Airlines) là tiến trình đang được xem xét và sẽ có quyết định sớm.
Bộ trưởng Đam cũng nhấn mạnh: Mục đích của việc chuyển đổi này là nhà nước nắm phần vốn của Nhà nước mà hiện nay đang sở hữu và mong muốn nâng cao tính hiệu quả hoạt động của Jetstar Pacific.
Bởi lẽ, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam: Chủ trương chung của doanh nghiệp cũng như của Chính phủ trong thời gian tới là sẽ đẩy nhanh hơn nữa tiến trình sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Phó Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Phạm Viết Muôn cũng đã thừa nhận: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của nước ta thời gian vừa qua tiến hành khá chậm chạp do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chung của thế giới và kinh tế trong nước.
Đến nay, thủ tướng Chính phủ đã duyệt được 49 đề án sắp xếp doanh nghiệp theo cấp Bộ, ngành, địa phương và đang làm thủ tục tiếp 36 đề án nữa còn 13 đề án các địa phương, các bộ ngành chưa trình lên. Qua tổng hợp bước đầu, theo thông tin từ ông Muôn, dự kiến 5 năm tới đây sẽ cổ phần hóa 573 doanh nghiệp, trong đó có 1 tập đoàn, mấy tổng công ty 91 và mấy chục tổng công ty 90 còn lại các doanh nghiệp độc lập, đồng bộ ở địa phương.
Ông Muôn hi vọng: “Khi nền kinh tế phục hồi, chúng ta có thể thực hiện được kế hoạch này”.
Trong đó, có những doanh nghiệp hoạt động lỗ liên tục nhiều năm, cần phải có phương án sắp xếp lại.
Đối với trường hợp Jetstar Pacific, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, để xảy ra trường hợp VNA thâu tóm thị trường tới 90% là do “kinh doanh nhiều năm của Jetstar Pacific không tốt, chủ đại diện sở hữu vốn của Nhà nước trong công ty này là tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước do Bộ Tài chính quản lý”.
Trước đó, để việc quản lý vốn được hiệu quả hơn gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của hãng này được tốt hơn, các cơ quan chức năng đã đề xuất lên Thủ tướng chính phủ phương án chuyển đại diện chủ sở hữu nguồn vốn của Nhà nước từ SCIC sang doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước. Hiện tại, Chính phủ chưa có câu trả lời về quyết định cuối cùng nhưng đang trong quá trình xem xét cụ thể về phương án này.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đam cũng khẳng định: Quá trình cổ phần hóa ở đây không phải là cổ phần hóa đại chúng, “không phải là cổ phần của một nhóm lợi ích nào đó với nhau” mà tinh thần chung cũng giống như tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, “sẽ cổ phần hóa một số ngân hàng thương mại nhà nước đang gặp khó khăn nhưng Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ cổ phần chi phối, sẽ sắp xếp lại những ngân hàng ngoài quốc doanh, nếu tốt thì làm cho tốt hơn, đang khó khăn sẽ bớt khó khăn”.
Khởi Sự
giáo dục việt nam



Xem bài viết: Vì sao Jetstar Pacific phải chuyển 70% cổ phần cho VNA?