Sắp đấu giá cổ phần BIDV: Cuộc IPO “khủng” nhất năm nay!
Dự kiến ngày 28/12/2011, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) ra công chúng. Đây chắc chắn sẽ là cuộc IPO lớn nhất trong năm nay.

Nguồn tin của VnEconomy vừa cho biết, hôm nay (30/11), Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2124/QĐ-TTg, phê duyệt phương án cổ phần hóa BIDV.
Quyết định này chính thức cụ thể hóa kế hoạch cổ phần hóa ngân hàng quốc doanh hàng đầu trên thị trường hiện nay, tiếp sau Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank). Và sau nhiều lần lỡ hẹn, kế hoạch cổ phần hóa của BIDV cũng đã chính thức được lên lịch triển khai cụ thể.
Theo phê duyệt của Thủ tướng, các nội dung chính của phương án cổ phần hóa BIDV bao gồm: BIDV cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên vốn nhà nước hiện có, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ, trong đó tỷ lệ sở hữu của nhà nước không thấp hơn 65% (với hai giai đoạn, tỷ lệ sở hữu của nhà nước trên 78% trong giai đoạn 1, trên 65% trong giai đoạn 2).
Thực hiện theo phương thức bán đấu giá công khai cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2011; bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn và chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần. Sau đó, BIDV sẽ triển khai các bước để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước, phát hành và niêm yết quốc tế vào thời điểm thích hợp.
Quy mô vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành được xác định: vốn điều lệ của BIDV là 28.251,4 tỷ đồng, cơ cấu cổ phần phát hành theo hai giai đoạn.
Tổng khối lượng phát hành trong giai đoạn 1 là 22% vốn điều lệ, trong đó IPO lần đầu ra công chúng là 3% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên là 1% vốn điều lệ; bán cho tổ chức công đoàn là 3% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 15% vốn điều lệ.
Trong giai đoạn 2, BIDV sẽ phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tổng mức không vượt quá 20% vốn điều lệ và phát hành thêm cổ phần ra công chúng, giảm dần tỷ lệ sở hữu của nhà nước xuống không thấp hơn 65% vốn điều lệ đến năm 2015.
BIDV sẽ lựa chọn một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp với tiêu chí do Ngân hàng Nhà nước quy định. Về cơ bản, BIDV cho biết sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là một định chế quốc tế có danh tiếng, cam kết dài hạn, hỗ trợ BIDV trong quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro tiên tiến, phát triển sản phẩm dịch vụ và áp dụng công nghệ hiện đại. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được tham gia trong cơ cấu tổ chức quản trị của BIDV theo quy định của pháp luật.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của BIDV sẽ được thực hiện với sự hỗ trợ của tổ chức tư vấn tài chính Morgan Stanley. Trong thời gian qua, BIDV cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng các nhà đầu tư và đã có trên 40 định chế tài chính bày tỏ sự quan tâm đến cơ hội đầu tư vào BIDV khi cổ phần hóa.
BIDV sẽ triển khai thực hiện các công việc của cấu phần lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ngay sau khi IPO và chuyển thành ngân hàng thương mại cổ phần. Quá trình này sẽ được thực hiện theo các thông lệ, tập quán quốc tế đảm bảo tính hiệu quả và sự minh bạch.
Lộ trình triển khai cổ phần hóa BIDV được xác định: quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp vào ngày 1/12/2011; công bố thông tin bán đấu giá chính thức ngày 2/12/2011; tổ chức roadshow tại Hà Nội và Tp.HCM ngày 10 và 11/12/2011; ngày đăng ký đấu giá là 21/12/2011; ngày cuối cùng bỏ phiếu đấu giá là 26/12/2011; ngày tổ chức đấu giá là 28/12/2011.
Sau các bước trên, BIDV sẽ tiến hành bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trước ngày 31/12/2011; tổ chức đại hội cổ đông lần thứ nhất và chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần và quý 1/2012; tiến hành niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HSX) không muộn hơn quý 3/2012. Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài dự kiến trong năm 2012.
Đến 30/11/2011, tổng tài sản của BIDV đạt 403.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 274.000 tỷ đồng; tín dụng đạt 268.200 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 4.100 tỷ đồng; hệ số CAR đạt 10%, đảm bảo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Nguyễn Hoài
TBKTVN



Xem bài viết: Sắp đấu giá cổ phần BIDV: Cuộc IPO “khủng” nhất năm nay!