Giá vàng lên cao là do lo ngại VND mất giá

Sáng 12.11, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm đã phân tích với các phóng viên báo chí về vấn đề giá vàng lên xuống trong mấy ngày qua.

Liên tục trong những ngày qua, giá vàng trong nước có những diễn biến hết sức bất thường, đã có lúc lên tới 29,3 triệu đồng/lượng và chỉ giảm xuống khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có quyết định cho phép nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm thì nguyên nhân cơ bản và chi phối toàn bộ giá vàng trên thế giới trong thời gian qua là do cung và cầu. Nhà sản xuất sản xuất cầm chừng, còn người có tiền thì lại sợ có sự mất giá của đồng USD nên đã tập trung dự trữ vàng, vì vậy giá vàng bị đẩy lên cao.

Ông Kiêm cũng cho rằng, để bình ổn giá vàng ở mỗi nước, ngân hàng trung ương các nước và Quỹ Tiền tệ (IMF) đã bán ra 400 tấn vàng, nhưng khả năng bán tiếp là khó nên đó cũng là lý do làm giá thế giới tăng lên. Việt Nam cũng chung tác động ấy, nhưng sở dĩ giá vàng trong nước tăng vọt, cao hơn hẳn giá thế giới là do tác động yếu tố tâm lý. Tâm lý này gồm 2 phần, một là do người dân có thói quen khi thấy giá vàng, chứng khoán lên cao thì kéo nhau đi mua vì sợ giá vàng sẽ lên cao nữa.

Thứ hai, một số nhà kinh doanh vàng, người có tiền đã tập trung vào vàng do thị trường bất động sản, chứng khoán, tín dụng không ổn định. Những yếu tố này lại đi kèm với việc có những kẻ tung tin thất thường để đẩy giá kiếm lời, vì vậy đã tác động đến tâm lý nhiều người và làm giá vàng tăng vọt hơn giá quốc tế.

- Ông có cho rằng, việc cho phép nhập vàng của NHNN vào thời điểm này là hợp lý?

- Đó là quyết định đúng, làm dịu sức ép giá vàng và dịu tâm lý. Tuy nhiên, nó chưa đủ sức mạnh can thiệp nhiều tới thị trường; bởi lẽ, giờ cho nhập thì giá thế giới vẫn đang ở mức cao, khi nhập về sẽ giúp giá giảm hơn hiện nay, chống được đầu cơ, còn mức giá chung thì vẫn phải chấp nhận cao theo xu hướng chung của thế giới.

- Việc giá vàng tăng cao và nhập vàng có ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát?

- Tất nhiên giá vàng cũng là một kênh biểu hiện chỉ số giá và tác động vào chỉ số giá tiêu dùng. Song, sự thực để tác động đến lạm phát còn có rất nhiều yếu tố mà vàng chỉ là một kênh, không tác động nhiều, không thể gây đột biến đến giá cả thị trường. Hơn nữa thực tế cho thấy, có lúc giá vàng lên rất cao, nhưng chúng ta vẫn kiềm chế lạm phát tốt.

- Giá vàng lên cao có ảnh hưởng đến thị trường nào nhất, thưa ông?

- Vàng là phương thức thanh toán, nhiều người dùng vàng mua bán đất đai hay những hàng có giá trị lớn, nên khi giá vàng tăng lên sẽ ảnh hưởng đến thị trường này.

- Ông cho rằng những công ty kinh doanh vàng là người được lợi nhất trong diễn biến vàng hiện nay?

- Nói chung là người đầu cơ, họ hưởng lợi nhiều nhất. Họ có thể dự trữ vàng từ trước, nay bán ra để kiếm lời, cũng có khi họ chính là đối tượng gây ra tâm lý khan hiếm, sốt giá để kiếm lời. Còn những công ty nhập vàng, kinh doanh vàng họ cũng có thể có lời, cũng có thể không có lời. Nếu họ dự trữ tốt, có phán đoán chính xác thì họ lời. Nhưng nếu không phán đoán chính xác diễn biến giá vàng, xử lý không nhanh nhạy thì đôi khi cũng bị thua lỗ. Với khả năng như hiện nay thì có tới 70% là lời, còn 30% là lỗ.

Nguồn: http://vfinance.vn/

Linkgốc:http://vfinance.vn/m14/sm24/e462/van...nd_mat_gia.htm