Thứ sáu, 13 Tháng 11 2009 11:26



Một cơn sốt vàng toàn cầu đang xảy ra do các quỹ đầu cơ (hedge funds), những tay đầu cơ giàu có và các chính phủ… đổ xô đi mua vàng để tích trữ.

Từ lâu vàng đã được coi là nơi trú ẩn cuối cùng cho những nhà đầu tư yếu bóng vía. Hiện nay Giá vàng đang tăng dần theo đà suy yếu của đồng đô la Mỹ, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng của châu Âu và Mỹ, các ngân hàng trung ương tiếp tục bơm nhiều tỉ đô la vào các nền kinh tế đang suy thoái… tạo ra mối lo sợ về một bong bóng tài sản khác đang phình ra và sắp bùng nổ.

Bà Suki Cooper, nhà chiến lược về kim loại quý của Barclays Capital tại New York, nhận xét: “Không phải là vàng thay đổi, nhưng người mua vàng đã thay đổi. Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển dịch mang tính cơ cấu ở phương diện đầu tư, từ các ngân hàng trung ương châu Á cho tới các nhà đầu tư cá nhân đang mua vàng thỏi để cất giữ”. Bà Cooper dự báo giá vàng sẽ lên mức 1.140 đô la Mỹ/ounce vào quí 2 năm tới. “Sức hấp dẫn của vàng đang tăng lên”, bà nói thêm.

Tuy vậy, ngay cả những người dự báo giá vàng tăng cũng bị sốc khi Chính phủ Ấn Độ công bố sẽ mua 200 tấn vàng của Quỹ Tiền tệ quốc tế với giá 6,7 tỉ đô la Mỹ, nâng tỷ lệ của vàng trong quỹ dự trữ của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ - hiện có giá trị khoảng 285,5 tỉ đô la Mỹ, từ 4% lên 6%.

Tiếp theo Ấn Độ, hôm thứ Năm tuần trước, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cũng công bố sẽ mua vàng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, trong sáu năm qua đã lặng lẽ nâng gấp đôi lượng vàng dự trữ, nhưng với động thái của Ấn Độ hồi cuối tuần giới phân tích cho rằng đã có dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương đang xa rời dần các tài sản định giá bằng đô la như trái phiếu chính phủ Mỹ để chuyển sang dự trữ vàng.

Xu thế của các ngân hàng trung ương, một mặt xói mòn nỗ lực của Mỹ trong việc chào bán trái phiếu chính phủ để có tiền trang trải thâm hụt ngân sách, một mặt đẩy giá vàng lên cao.

Hôm thứ Hai 9-11, sau những động thái của Ấn Độ và Sri Lanka, giá vàng lập tức lên mức 1.106 đô la Mỹ/ounce, mức cao nhất trong 20 năm qua. Nhưng nếu điều chỉnh theo tỷ lệ trượt giá thì giá vàng hiện vẫn còn thấp so với mức 1.885 đô la Mỹ/ounce những năm 1980 (xem bảng).

Theo Hội đồng Vàng thế giới, trong quí 2-2009, lượng tiêu thụ vàng trang sức trên toàn cầu giảm 20% so với quí trước, trong khi nhu cầu mua vàng thỏi, vàng miếng của nhà đầu tư đã tăng tới 51%.

Một điểm mới đáng chú ý là nếu như trước đây người dân Trung Đông và châu Á thường mua vàng để tích trữ tài sản thì nay xu hướng đó đã chuyển sang Tây Âu và Bắc Mỹ. Đợt bán vàng hồi cuối tháng trước của siêu thị Harrods ở London ghi nhận “vàng thỏi bán chạy hơn tiền vàng; vàng thỏi 100 gam cho nhà đầu tư cá nhân bán chạy nhất” và lượng mua vàng thỏi loại dưới 100 ounce (khoảng 3 ki lô gam) đã tăng tới 80% so với cùng kỳ.

Theo giới phân tích, ngoài nỗi lo sợ trước tương lai bấp bênh, người giàu Âu-Mỹ còn lo ngại những xu hướng chính trị gần đây - chẳng hạn việc các ngân hàng Thụy Sỹ phải cung cấp danh tánh các khách hàng Mỹ giàu có cho chính quyền Mỹ - làm cho việc gửi tiền ở ngân hàng không còn “bí mật” nữa. Họ muốn đầu tư vào những tài sản có thể cất giấu dễ dàng khỏi sự soi mói của nhân viên thuế vụ và vàng là lựa chọn hợp lý nhất.

Trước những xu thế như vậy, ông Jim Rogers - một nhà đầu tư nổi tiếng trong ngành kinh doanh cổ phiếu hàng hóa, dự báo trên Đài Truyền hình Bloomberg đầu tuần trước rằng giá vàng sẽ lên tới 2.000 đô la Mỹ/ounce.

Nhận định của ông Rogers lập tức nhận được sự phản bác mạnh mẽ của Giáo sư Nouriel Roubini - nhà kinh tế - đã tiên đoán sớm và chính xác việc nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tại một cuộc hội nghị ở New York thứ Tư tuần trước, Giáo sư Roubini nói rằng, dự báo của ông Rogers là “hoàn toàn phi lý”. Theo ông Roubini, hiện chưa có áp lực lạm phát hoặc áp lực kinh tế nào có thể đẩy giá vàng lên mức 2.000 đô la Mỹ/ounce.

Tuy vậy, Giáo sư Roubini thừa nhận các biện pháp kích thích kinh tế mà các chính phủ đang thực hiện đã tạo ra những quả bong bóng tài sản, đẩy giá cổ phiếu và giá bất động sản tăng cao ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo ông, nếu các biện pháp này không sớm chấm dứt, nền kinh tế thế giới có khả năng rơi vào một cuộc suy thoái thứ hai trong một tương lai không xa. Giáo sư Roubini đã không xét tới vai trò của vàng như một phương thức thanh toán và dự trữ được giới đầu tư chọn lựa trong những thời điểm mà tương lai có vẻ bấp bênh. Chính vì vậy lập luận của Giáo sư Roubini về xu thế của giá vàng xem ra ít sức thuyết phục.