Góc nhìn nhà đầu tư:
Góp ý tưởng lành mạnh hóa TTCK Việt Nam

(Vietstock) – Chỉ số chứng khoán 2011 giảm kéo dài, thị trường rơi vào ảm đạm, nhiều nhà đầu tư thua lỗ, rời bỏ thị trường. TTCK Việt Nam cần được vực dậy và phát triển lành mạnh vì đây là phản ánh đầu tiên về môi trường sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài...
Trước tiên, TTCK là nơi phản ánh môi trường sản xuất kinh doanh của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế cho thấy môi trường càng minh bạch và lành mạnh thì càng trở nên hấp dẫn. Ở góc độ khác, công ty cổ phần là mô hình quan trọng để tập trung và tích lũy vốn phát triển nền kinh tế quốc dân trong giai đoạn hiện nay trong bối cảnh doanh nghiệp Nhà nước thu hẹp dần hoạt động và doanh nghiệp tư nhân có quy mô vốn hạn chế.
Bên cạnh những giải pháp phát triển thị trường được UBCK đưa ra, một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn cũng cần được nghiên cứu giải quyết. Đó là làm cách nào để an toàn hóa, công khai hóa, hiệu lực hóa, hiệu quả hóa hoạt động các công ty cổ phần, đảm bảo nhà đầu tư có vai trò tích cực hơn trong hoạt động của loại hình doanh nghiệp này.
Trong đó, HĐQT phải thực sự là đội ngũ trung thực, cẩn trọng, trung thành và hoạt động vì lợi ích cổ đông (theo tinh thần Điều 119 Luật doanh nghiệp). Tối ưu hóa bộ máy điều hành, quản lý để hạn chế tối đa những rủi ro, thua lỗ lớn hoặc phá sản đối với công ty cổ phần niêm yết. Hay nói cách khác, thực tiễn đặt ra yêu cầu phải tập trung sửa đổi, bổ sung phần nội dung Công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp - là phần gốc của vấn đề, chứ không phải Luật Chứng khoán là phần đi sau. Và quan trọng hơn hết là vai trò quản lý Nhà nước đối với công ty cổ phần, nhất là các doanh nghiệp niêm yết, phải được xác định lại theo hướng nâng tầm chủ động, tích cực và có hiệu quả.
Việc hiện thực hóa mục đích này sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề cần giải quyết. Ở đây chỉ xin nêu ra một số vấn đề có thể được xem xét:
Do đặc thù là công ty đại chúng, có vốn lớn, số lượng cổ đông nhiều và thay đổi linh hoạt, mặt khác lại khá nhạy cảm với những thông tin, biến động liên quan, nên công ty cổ phần niêm yết có đặc điểm khác biệt với công ty cổ phần nói chung. Vì thế, nội dung công ty cổ phần tại Luật doanh nghiệp nên dành riêng những quy định cho Công ty cổ phần niêm yết theo hướng :
Một là Hội đồng Quản trị (HĐQT): Cơ quan quyền lực này phải đại diện và thể hiện đặc trưng cho số đông cổ đông, phải thay đổi linh hoạt theo biến động cơ cấu cổ đông. Theo tôi, có thể xem xét theo mô hình sau đây:
- Không giới hạn số lượng thành viên HĐQT để tất cả cổ đông lớn (hiện nay là 5%, hoặc ít hơn do UBCK quyết định phù hợp với từng quy mô công ty) là Thành viên HĐQT. Đương nhiên khi giảm lượng cổ phiếu sở hữu thì Thành viên HĐQT sẽ bị miễn nhiệm. Cơ chế vận hành này cho phép tránh được tình trạng cá nhân thao túng HĐQT bằng cách đưa người của mình “có chuyên môn nhưng không bỏ vốn” làm Thành viên HĐQT. Từ đó dẫn đến việc HĐQT đưa ra những quyết định vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, đưa ra các quyết sách mang tính cục bộ, phiêu lưu dẫn công ty đến chỗ khó khăn, thậm chí phá sản. Mặt khác, cơ chế này cũng khuyến khích nhà đầu tư mua vào cổ phiếu của công ty vì khi nắm giữ đủ lượng cần thiết thì sẽ được vào Thành viên HĐQT và quyết định được vận mệnh vốn của mình. Thêm vào đó, với số lượng nhiều, HĐQT sẽ đưa ra những quyết định hài hòa lợi ích công ty và lợi ích cổ đông.
- Hạn chế quyền quyết định của HĐQT trong phạm vi kinh doanh đươc Đại hội đồng cổ đông thông qua. Đồng thời hạn chế quy mô vốn đi vay theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông để tránh trường hợp đầu tư dàn trải, ngoài ngành, vay nợ quá lớn so vốn chủ sở hữu, dẫn đến thua lỗ trầm trọng như quá nhiều trường hợp đã xảy ra trên sàn. Theo ước tính sơ bộ, với lãi suất hiện nay, chỉ cần vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu thì lãi vay 1 năm cũng đủ nuốt trọn vốn doanh nghiệp. Chỉ cần có nợ phải trả gấp 3 lần vốn chủ sở hữu thì doanh nghiệp xem như trắng tay khi giá sản phẩm sụt giảm 25%.
Hai là nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của UBCK đối với công ty niêm yết, không để tình trạng thụ động như trước nay. Cụ thể:
- Tăng cường kiểm tra, giám sát và phát hiện ngay các cổ phiếu bị làm giá để thông tin công khai, kịp thời ra thị trường. Đồng thời có các chế tài xử lý thật nghiêm, không để hậu quả phát sinh mới xử lý như hiện nay.
- Có ý kiến độc lập về trường hợp các cổ phiếu biến động giá lớn bên cạnh giải trình của doanh nghiệp nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
- Có cảnh báo về trường hợp vay nợ quá lớn hoặc nợ phải trả quá lớn so với vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết để nhà đầu tư có thông tin nhận định.
- Chủ động can thiệp việc thay đổi thành viên HĐQT, đưa ra quy định miễn nhiệm thành viên bán ra cổ phiếu dưới mức chuẩn và bổ sung thành viên HĐQT có số cổ phiếu vượt mức chuẩn. Có quy định hạn chế việc bán ra cổ phiếu của Chủ tich HĐQT và Ban Giám đốc nhằm hạn chế việc thoái vốn của những lãnh đạo chủ chốt nhằm hạn chế tình trạng lãnh đạo doanh nghiệp sau khi gây hậu quả cho công ty rồi tìm cách trút hậu quả lên những nhà đầu tư mới. v.v…
Nhưng trên tất cả, thị trường chứng khoán muốn phát triển lành mạnh và bền vững cần phải nhận được sự hậu thuẫn và hỗ trợ từ các chính sách phát triển môi trường kinh doanh. TTCK chỉ phát triển được trên cơ sở các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có lãi phù hợp. Và trong môi trường lãi suất cao, chính sách tiền tệ thắt chặt thì các doanh nghiệp nói chung sẽ gặp nhiều khó khăn. Hệ quả là thị trường chứng khoán sẽ nhuốm gam màu ảm đạm.
Sông Ray



Xem bài viết: Góp ý tưởng lành mạnh hóa TTCK Việt Nam