Cổ phiếu ngân hàng: Có hết thời?
Bị khối ngoại bán ra ồ ạt, chịu sức ép về cạnh tranh và tái cấu trúc mạnh, cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là đang mất dần tính hấp dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm có giá ổn định hơn nhiều lĩnh vực khác, thậm chí gần đây nhiều mã có sức tăng mạnh và có tính thanh khoản tốt nhất thị trường.
Đây là một diễn biến không theo quy luật nhưng thường thấy ở TTCK Việt Nam.
Là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong nền kinh tế, ngân hàng thu hút sự chú ý rất lớn của các chuyên gia và giới đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh nhóm này là một trong 3 trọng điểm sẽ được tái cấu trúc quyết liệt.
Sự chú ý được thể hiện cả ở trong và ngoài hành lang Quốc hội trong những ngày vừa qua. Ngân hàng được đem ra mổ xẻ và đánh giá ở mọi góc độ. Nhưng có một điểm chung là các quan chức và chuyên gia tỏ ra khá lo ngại về nhiều vấn đề mà các ngân hàng đang gặp phải và đánh giá không cao về các tổ chức tín dụng này.
Về quá khứ và thực tại, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, lợi nhuận của nhóm này rất thấp nếu so với vốn điều lệ và tổng tài sản. Với một ngân hàng tầm trung bình với tổng tải sản khoảng 50-60 chục ngàn tỷ, vốn điều lệ từ 3.000- 5.000 tỷ thì mức lãi 1-2 nghìn tỷ là thấp, và chỉ ở mức trung bình so với nhóm các doanh nghiệp ở Việt Nam.
Và một trong những điểm cần lưu ý là các TCTD này phải lập dự phòng rủi ro và phân bổ cho các quỹ rất lớn.
Ông Đặng Thành Tâm, đại biểu quốc hội và là một nhà đầu tư cũng tham gia vào lĩnh vực ngân hàng từ đợt sốt 2006 đến nay, cũng chia sẻ với báo chí với cùng quan điểm về tính hấp dẫn suy giảm của lĩnh vực này. Theo đó, ông Tâm cho rằng, với dân số 70% trong lĩnh vực nông nghiệp và theo mô hình phát triển bền vững, thì ngân hàng sẽ không còn là ngành đầu tư hấp dẫn.
Giới đầu tư thực sự có niềm tin rất lớn vào các cổ phiếu ngân hàng, vào sự "vững chắc" của các ngân hàng.
Theo ông Tâm, ngân hàng dù vai trò rất quan trọng nhưng sẽ không "hot" như trước đây. Sẽ khó có thể tái diễn cảnh mọi người lao vào mua cổ phần ngân hàng cho dù ngân hàng vẫn đóng góp vai trò quan trọng cho nền kinh tế.
Bên cạnh những đánh giá nêu trên, trên thực tế hệ thống ngân hàng đang gặp khá nhiều vấn đề như nợ dưới chuẩn đang gia tăng rất mạnh, nhiều ngân hàng gặp rắc rối về thanh khoản, quy mô ngân hàng nhỏ mà theo đó tính cạnh tranh thấp...
Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu ngân hàng. Nhiều người vốn đã chán nản và mất niềm tin đối với TTCK nay có thể không còn mặn mà với loại cổ phiếu một thời từng thống trị với tên gọi "cổ phiếu vua".
Tuy nhiên, một điều khá ngạc nhiên là cho dù liên tục bị cảnh báo những vấn đề mang tính cốt lõi như tính rủi ro gia tăng và khả năng bị tái cấu trúc, sáp nhập... nhưng không phải vì vậy mà cổ phiếu ngân hàng bị rơi vào tình trạng lao dốc và mất thanh khoản như rất nhiều cổ phiếu ở các lĩnh vực khác đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trái lại, tính thanh khoản của các cổ phiếu này luôn đứng ở mức cao, nhất là mỗi khi giá cổ phiếu giảm theo đà lao dốc của TTCK nói chung.
Có thể thấy, trong 10 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank vẫn đạt trung bình gần 2 triệu cổ phiếu/phiên, rất cao so với mức 20-30 triệu/phiên trên cả sàn HOSE. MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội cũng có giao dịch đạt gần 1 triệu cổ phiếu/phiên.
Cũng trong 10 phiên gần nhất, khi mà TTCK liên tục lập đáy mới (HNX-Index) và xoay quanh mốc cực thấp 380 điểm (VN-Index), thì các mã cổ phiếu ngân hàng nổi bật như MBB, STB, ACB, EIB, CTG, VCB... đều có số phiên tăng điểm nhiều hơn so với giảm, trong đó có những mã có 1-2 phiên tăng trần ấn tượng.
Ngay cả thời kỳ trước đây, khi mà cổ phiếu ngân hàng được coi là cổ phiếu vua thì việc để có được những phiên tăng trần không phải là nhiều.
Đây là điều mà nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi. Nó lạ là vì nhiều ngân hàng đang trong thế thanh khoản kém, phải đi vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất cao ngất 20-30%/năm. Một số khác vật lộn với việc thu hồi nợ, đặc biệt nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản, nhưng giao dịch cổ phiếu vẫn sôi động?
Có người đưa ra lý giải là vì các ngân hàng vừa được tháo gỡ một gánh nặng về việc phải đưa tỷ lệ tín dụng cho vay phi sản xuất về 16% sau khi NHNN gần đây đã đưa 4 nhóm ĐS ra khỏi định danh mục phi sản xuất. Có người thì cho rằng, năm cũ sắp qua đi, năm mới sắp tới và các ngân hàng sẽ bước vào một chu kỳ cho vay mới và tình hình sẽ khả quan hơn.
Những nhận định trên có thể đúng. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan hơn, có thể thấy, giới đầu tư thực sự có niềm tin rất lớn vào các cổ phiếu ngân hàng, vào sự "vững chắc" của các ngân hàng.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà TTCK bị xáo trộn và mất niềm tin trầm trọng, thì nếu có mua cổ phiếu thì việc mua cổ phiếu nào là một vấn đề rất quan trọng. Có thể hôm nay mua vào một mã cổ phiếu này nhưng chỉ vài hôm sau họ có thể nhận được thông tin cổ phiếu đó sắp bị hoặc xin hủy niêm yết. Điều này đồng nghĩa với việc đồng tiền của họ sẽ bị chôn chặt và không biết bao giờ mới lấy ra được. Và cũng khó có ai đứng sau chống lưng bảo vệ họ.
Trong khi đó, đối với ngân hàng thì cho dù có tái cấu trúc như thế nào đi nữa thì đây vẫn là xương sống của nền kinh tế. Hơn thế nữa, đứng sau họ là NHNN... và việc đổ vỡ là gần như không thể xảy ra. Giả sử có đổ vỡ thì cũng rất lâu. Hàng loạt doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác sẽ phải chết trước.
Còn mua bán hay sáp nhập hoặc tái cấu trúc lại nợ của các ngân hàng thì cũng không thể làm ngày một ngày hai được.
Hơn thế nữa, có thể thấy cho dù tính tỷ lệ lợi nhuận so với tài sản thấp nhưng tài sản của hệ thống ngân hàng hình thành rất khác so với các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận/vốn đạt 25-30% là dạng tốt trong các ngành kinh tế. Vả lại, tỷ lệ lợi nhuận này khá đều đặn. Và các ngân hàng có thể đạt được mức này ngay cả khi khủng hoảng như những năm vừa qua.
Còn về vấn đề nợ xấu, phải trích lập dự phòng... thì đây là vấn đề quản trị, là năng lực của các nhà lãnh đạo chứ không liên quan tới tiềm năng của một ngành kinh tế.
Rõ ràng, dù hệ thống ngân hàng có đang khó khăn như hiện nay, nhưng nhìn vào hiệu quả hoạt động và sự thuận lợi khi có một ngân hàng đứng đằng sau thì rất nhiều nhà đầu tư lớn không thể bỏ qua. Các nhà đầu tư nhỏ cũng không nằm ngoại lệ.
Ngọc Thảo
Diễn đàn kinh tế Việt Nam



Xem bài viết: Cổ phiếu ngân hàng: Có hết thời?