Doanh nghiệp xi măng: Phá sản gần kề
Có ít nhất ba nhà máy xi măng đã được các chủ đầu tư rao bán để lấy tiền trả nợ. Rất nhiều công ty xi măng khác có tình hình tài chính đang căng như dây đàn. Trong ngành, cụm từ “phá sản” đang được những người trong cuộc nói đến, trong khi chỉ mới hơn một năm trước nhiều doanh nghiệp vẫn muốn đầu tư vào xi măng.
Khi xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2011 vào cuối năm ngoái, Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) đã lường trước nhiều khó khăn đang chờ ở phía trước, nên chỉ đặt ra mục tiêu lợi nhuận ở mức 1.251 tỉ đồng (giảm gần 350 tỉ đồng so với năm 2010 và khoảng 883 tỉ đồng so với năm 2009). Các đơn vị thành viên của tổng công ty cũng không dám kỳ vọng nhiều vào mức tăng tiêu thụ, nên cũng chỉ đưa ra mức doanh thu tăng khoảng 5-10%. Kế hoạch đó nay đã phá sản. Vấn đề Vicem và các thành viên đang đối đầu là làm sao để không bị thua lỗ và có nguồn thu đủ để trả nợ. Nhưng xem ra việc giải bài toán này cũng không dễ.
Đến tháng 10-2011, kết quả kinh doanh của Vicem đã lỗ đến 220 tỉ đồng, điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua. Nhiều doanh nghiệp thành viên cũng phải cắt giảm kế hoạch tiêu thụ 10-20%. Một doanh nghiệp có nền tảng thị trường vững chắc, với nhiều thương hiệu đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường xi măng, như Vicem mà còn thua lỗ khá nặng như vậy, thì những doanh nghiệp mới tham gia thị trường, chưa có tên tuổi, còn bi đát hơn.
Sau bốn doanh nghiệp đầu tiên trong ngành xi măng mất khả năng trả nợ, phải cầu cứu Bộ Tài chính trả thay những khoản vay đầu tư, nay lại có thêm một số đơn vị khác rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Trong số đó, ba đơn vị đang đề nghị bán lại nhà máy cho Vicem, nhưng bản thân tổng công ty này cũng đang chật vật với các khoản nợ đầu tư đã đến hạn, nên có lẽ chỉ có thể tiếp nhận được một trong số đó.
Các doanh nghiệp ngành xi măng dự báo, sức mua của thị trường vào năm tới, và có thể là năm tới nữa, chưa có dấu hiệu gì sáng sủa hơn năm nay. Do thị trường bất động sản đang lao dốc, nguồn vốn trái phiếu chính phủ cấp cho các dự án đầu tư giảm mạnh, lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng, nên sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp xi măng rơi vào khó khăn, thậm chí phá sản.
Sức mua của thị trường giảm sút là đòn mạnh giáng vào ngành xi măng đang trên đà mở rộng năng lực sản xuất. Những doanh nghiệp lạc quan nhất cũng chỉ dám hy vọng mức tiêu thụ xi măng của toàn thị trường năm nay bằng với năm ngoái, tức khoảng 50 triệu tấn. Muốn được như thế, trong hai tháng 11 và 12, mỗi tháng phải bán được ít nhất 5 triệu tấn. Nhưng khả năng này rất khó, khi mà sức mua trong những tháng qua liên tục giảm, từ khoảng 4,8 triệu tấn/tháng trong những tháng đầu năm, đến nay chỉ còn 3,5 - 3,6 triệu tấn/tháng. Trong khi đó, năng lực sản xuất xi măng thì tăng liên tục. Hiện công suất thiết kế đã lên đến 65 triệu tấn và còn đang tăng tiếp, vì nhiều nhà máy xi măng sắp xây xong, đang chuẩn bị đưa vào vận hành.
Chi phí đầu vào tăng mạnh đã hạ gục những doanh nghiệp đang ngắc ngoải và khiến nhiều doanh nghiệp mạnh lâm bệnh. Chi phí xăng dầu tăng 32-43%, điện tăng 15,28%, tỷ giá ngoại tệ 9%, vỏ bao tăng 25% và than, nguồn năng lượng chính sử dụng trong ngành xi măng, tăng gần 90%. “Hiện nay chẳng doanh nghiệp nào dám nghĩ đến việc tăng giá bán. Làm như vậy sẽ lập tức mất thị trường và chết ngay. Chấp nhận bán dưới giá thành, chịu lỗ, dù sao cũng còn có thể hoạt động lay lắt, kéo dài được ngày nào hay ngày đó”, giám đốc một công ty xi măng chua chát nói.
Các doanh nghiệp ngành xi măng dự báo, sức mua của thị trường vào năm tới nữa, chưa có dấu hiệu gì sáng sủa hơn năm nay.

Có thể nói, ngành xi măng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nhất là những doanh nghiệp còn đang xây dựng nhà máy dở dang. Tất cả doanh nghiệp đầu tư nhà máy xi măng đều sử dụng nguồn vốn vay. Trong đó có những đơn vị vay đến 80% tổng nguồn vốn đầu tư. Bi kịch nhất là những công ty sử dụng nguồn vốn vay trong nước, với lãi suất 19-21,5%/năm. Đây là những doanh nghiệp sẽ chết trước. Với những dự án chưa hoàn thành, doanh nghiệp có muốn đầu tư tiếp cũng không được, vì không ngân hàng nào dám giải ngân trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Nhưng ngừng lại cũng không xong, vì nếu không thể đưa nhà máy vào hoạt động, sẽ không có dòng tiền vào để trả nợ gốc và lãi. Nhiều dự án đã đưa vào vận hành một vài năm gần đây cũng chẳng khá hơn.
Hàng sản xuất và bán dưới giá thành, nên càng làm càng lỗ nặng và nợ nần thêm chồng chất. Muốn bán lại nhà máy để cắt lỗ cũng không được, vì ngay cả những doanh nghiệp có thực lực nhất cũng chưa thể vận hành hết công suất, thì còn ai dám mạo hiểm để mua.
Một bầu không khí u ám đang bao trùm lên ngành công nghiệp xi măng. Nhưng một số người trong ngành cho rằng, đó mới chỉ là khởi đầu của một cơn bão khủng hoảng đang ập đến. Với tình trạng mất thanh khoản, thiếu khả năng trả nợ đang lan ra nhanh chóng, sẽ có không ít doanh nghiệp phải từ giã ngành xi măng.
Tấn Đức
tbktsg



Xem bài viết: Doanh nghiệp xi măng: Phá sản gần kề