Ngành điện với nút thắt “thoả mãn mọi nhu cầu”
Thua lỗ, thiếu vốn do kinh doanh ngoài ngành, chèn ép các nhà cung cấp điện, tăng giá… đã làm không khí nghị trường nóng lên trong phiên chất vấn vừa rồi về giá điện. Nóng nhưng không bất ngờ.
Vẫn là chuyện cũ từ nhiều năm nay, bởi tình trạng độc quyền của “con cưng” EVN không thể chấm dứt sớm chiều. Và quan trọng hơn, tình trạng mất cân đối cung cầu kinh niên về điện vẫn chưa được nhận dạng đâu là nguyên nhân để tìm cách khắc phục. Cũng chẳng bất ngờ khi tổng giám đốc EVN than phiền, nhân viên ngành điện ở thành thị không sống nổi với mức lương trung bình 7,3 triệu đồng/tháng, cao hơn cả lương giáo sư thâm niên nhất.
Nan giải về điện không chỉ là vấn đề quản lý, kinh doanh của một tập đoàn nhà nước, mà nằm trong chính sách phát triển vĩ mô. Tiếc rằng chuyện này ít khi được đề cập đến trên nghị trường, thậm chí trên các phương tiện truyền thông. Mọi tiếng nói gay gắt đều chĩa vào EVN, phía “cung”, quên mất bất cập ở phía “cầu”, mà trách nhiệm chủ yếu nằm ở những bộ phận kế hoạch – đầu tư. Nguyên tắc ở đây là “cầu bao nhiêu cũng phải thoả mãn”. Nếu không, EVN có lỗi.
Chính sách “thoả mãn mọi nhu cầu” đã tồn tại từ hàng chục năm nay trong cung – cầu điện năng. Tăng GDP bằng mọi giá đã khiến khẩu hiệu “điện đi trước một bước” được sử dụng như tư tưởng chỉ đạo trong quy hoạch điện năng, trong đó tốc độ tăng điện hàng năm luôn duy trì gấp đôi tốc độ tăng GDP, trong khi ở các nước khác chậm hơn rất nhiều.

May quá vừa rồi, không biết vô tình hay cố ý, bộ trưởng bộ Tài chính đã hé lộ ra hai tia sáng có thể xem như bằng chứng cho chính sách cung – cầu bất cập nói trên. Thứ nhất, ông cho biết năm 2010, Nhà nước đã phải bù chéo 2.547 tỉ đồng cho xuất khẩu thép và ximăng, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài. Thứ hai, Nhà nước có kế hoạch thưởng lớn nếu EVN vượt mức chỉ tiêu cung điện năm 2010 được ấn định khoảng 90 tỉ kWh (con số thực tế do EVN vừa công bố là 85,6 tỉ kWh). Vậy là đã rõ! Nhà nước chủ trương khuyến khích tiêu thụ điện năng bằng mọi giá, thậm chí sẵn sàng bao cấp cho cả những công trình rất tiêu tốn năng lượng nhưng chẳng mang lại mấy hiệu quả. Liệu một chính sách như vậy còn thích hợp trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng hết sức gay gắt, và chúng ta cũng sắp “xài” hết các nguồn nhiên liệu để phát điện?
Chính sách “thoả mãn mọi nhu cầu” đã tồn tại từ hàng chục năm nay trong cung – cầu điện năng. Tăng GDP bằng mọi giá đã khiến khẩu hiệu “điện đi trước một bước” được sử dụng như tư tưởng chỉ đạo trong quy hoạch điện năng, trong đó tốc độ tăng điện hàng năm luôn duy trì gấp đôi tốc độ tăng GDP, 13 – 15%/năm, thậm chí cao hơn, trong khi ở các nước khác điện tăng chậm hơn GDP rất nhiều. Hậu quả là chúng ta phải đổ ra bao nhiêu nguồn lực để phát triển nguồn điện và một nền kinh tế yếu kém mà chúng ta đang phải cố gắng tái cơ cấu lại.
Nhìn sang các nước xung quanh mới thấy xót cho người mình còn nghèo mà quá phung phí năng lượng. Cùng tiêu thụ 1kWh điện, người Việt Nam chỉ làm ra 3 USD, trong khi người Philippines và Indonesia làm ra 6,5 – 7,5 USD (GDP tính theo sức mua và đôla tính theo giá trị năm 2005). Tính tròn cho dễ nhớ, hiện nay mỗi người dân ở hai nước láng giềng này tiêu thụ ít điện hơn chúng ta hai lần, nhưng thu nhập cao hơn chúng ta 1,3 lần. Đây là hai nước có trình độ phát triển xấp xỉ Việt Nam. Nếu so với các nước tiên tiến hơn, như Singapore, Nhật Bản, hay Tây Âu, thì hiệu quả sử dụng điện của họ còn cao hơn rất nhiều.
Ngay trong giá điện, hiện nay vẫn còn bao cấp cho sản xuất thép và sản xuất ximăng. Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước, riêng năm 2010, sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho sản xuất thép, ximăng chiếm đến hơn 11% tổng lượng điện thương phẩm, tương đương 982 triệu kWh, với mức giá có 914 đồng/kWh, riêng đoạn này là điện đã bao cấp chéo cho sản xuất ximăng, thép lên đến 2.547 tỉ đồng, trong đó các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất thép đã hơn 506 tỉ đồng.
(trích trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của bộ trưởng bộ Tài chính Vương Đình Huệ, chiều 24.11.2011)

Nhưng không phải địa phương nào trong nước cũng đều lãng phí điện như nhau. Trong hai năm 2008 – 2009, điện tiêu thụ ở TP.HCM chỉ tăng 7%/năm; Hải Dương 8,3%; Khánh Hoà 8,4%; Đồng Nai 9,4%/năm, và tình hình chắc cũng sáng sủa ở một số nơi khác nữa. Đây là những nơi tăng GDP mạnh (gần 10%/năm), nhưng giữ được tốc độ tăng điện năng tương đối vừa phải, nghĩa là bắt kịp xu thế chung của thế giới. Trong khi đó, vì lý do gì trên cùng một đất nước mà Hà Nội lại tăng đến 16%/năm, Hải Phòng 15%, Đà Nẵng 15,8%, Ninh Bình 17%, Quảng Ninh 26,8%/năm...? Chắc không phải vì người Hà thành xài điện thoải mái hơn bà con ở TP.HCM. Rõ ràng những công trình đầu tư kém hiệu quả, sử dụng kỹ thuật lạc hậu là thủ phạm lãng phí điện lớn nhất ở nước ta.
Hé lộ của bộ trưởng bộ Tài chính đã khẳng định kết luận trên và giúp ta cách tìm ra lời giải cho bài toán điện, vốn luôn gây bức xúc trong nhân dân. Trên thực tế, chúng ta có thể sử dụng điện hiệu quả hơn rất nhiều nếu quyết tâm xem xét vấn đề từ tư duy chính sách và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ thủ phạm gây lãng phí điện. Nền kinh tế sẽ vững chãi hơn nhiều nếu cả nước đều làm như TP.HCM và mấy tỉnh điển hình tốt nêu trên. Cần công khai minh bạch thông tin về tiêu thụ điện năng của các địa phương, các tập đoàn kinh tế như tuyên ngôn do bộ trưởng bộ Tài chính nêu ra ở Quốc hội: “Lời giải của mọi lời giải là công khai minh bạch thông tin”.
Tiêu thụ điện năng phải được xem như một số hạng quan trọng trong phương trình tái cấu trúc nền kinh tế. Điều quan trọng này chưa thấy được nhắc đến. Cả thế giới xem đây là chính sách ưu tiên hàng đầu khi đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất chưa từng xảy ra.
GS Phạm Duy Hiển
sài gòn tiếp thị



Xem bài viết: Ngành điện với nút thắt “thoả mãn mọi nhu cầu”