Doanh nghiệp làm gì trước hiện trạng giá giảm quá đà?
Hiện trạng giá cổ phiếu suy giảm quá đà đang xói mòn niềm tin của nhiều NĐT và tác động không nhỏ đến sự kiên nhẫn của một bộ phận lãnh đạo DN. Các DN niêm yết nhìn nhận hiện tượng này như thế nào và họ có giải pháp gì để chủ động cứu giá hay không?

“Bibica sẽ nỗ lực tập trung sản xuất, kinh doanh”
Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc CTCP Bánh kẹo Biên Hòa (BBC)
Dù biết giá cổ phiếu BBC đang giao dịch thấp hơn nhiều lần so với giá trị sổ sách nhưng hiện chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài nỗ lực hoàn thành các mục tiêu mà ĐHCĐ đã đề ra.
Tôi nghĩ, làm tốt kinh doanh cũng là một cách hiệu quả để giữ giá cổ phiếu. Còn với diễn biến giá của BBC, thực sự chúng tôi khó có thể kiểm soát được. Giá của cổ phiếu là tùy thị trường và những yếu tố khác tác động như kinh tế vĩ mô, tâm lý nhà đầu tư…
Dù Công ty có muốn tác động trực tiếp đến giá như mua cổ phiếu quỹ, thì tình hình tài chính hiện không cho phép. Dòng tiền của Công ty đang tập trung cho các kế hoạch sản xuất, kinh doanh cuối năm. Và tôi tin, cổ đông sẽ ủng hộ việc chúng tôi làm - đó là tập trung đến sản xuất, đạt lợi nhuận đề ra.
Giá cổ phiếu có giảm thì cũng sẽ có tăng. Nếu DN kinh doanh tốt, ổn định và có tiềm năng, sẽ có lúc giá cổ phiếu trở về đúng giá trị của nó.
“Trấn an nhà đầu tư bằng công bố thông tin”
Ông Nguyễn Quốc Định, Phó tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP)
Cổ phiếu IMP gần đây thường giảm và đã giảm về dưới giá trị sổ sách. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đó là do tình hình ảm đạm chung của thị trường, chứ không phải do phía Công ty.
IMP vẫn đang kinh doanh tốt, ngành dược phẩm mà IMP tham gia cũng phát triển ổn định. Nhưng để đồng hành cùng với nhà đầu tư, giúp họ có cái nhìn đúng về DN, chúng tôi đã và đang thực hiện chủ trương tăng cường cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, thông qua các phương tiện truyền thông.
Thực tế, chúng tôi cũng nhìn thấy một điểm gây bất lợi cho giá cổ phiếu IMP. Đó là room cổ phiếu dành cho nhà đầu tư ngoại đã hết, trong khi các quỹ đầu tư lại không chịu bán. Vì thế, tính thanh khoản của cổ phiếu ít nhiều bị hạn chế. Và những đối tượng có nhu cầu thường đợi canh vùng giá thấp để mua.
Tuy nhiên, tôi tin với thực lực Công ty, giá cổ phiếu sẽ không giảm quá sâu so với giá trị sổ sách. Về phương án mua cổ phiếu quỹ, chúng tôi không bàn đến. Lý do nhu cầu đầu tư phát triển của IMP trong vài năm tới rất cao. Mới đây, chúng tôi đã phải huy động thêm vốn cho mục đích đầu tư. Nếu bây giờ chúng tôi quay qua mua cổ phiếu quỹ, đó là đi ngược với mục tiêu mà chúng tôi đã công bố trong đợt phát hành cổ phiếu vừa rồi.
“Kết quả kinh doanh tốt mới là điều đáng trông đợi”
Ông Lê Anh Vũ, Thành viên HĐQT, CTCP Khoáng sản Bình Định (BMC)
Dù có giảm, nhưng nhìn chung cổ phiếu BMC vẫn đang giao dịch bình thường, không có vấn đề gì đáng lo ngại. Quan trọng nữa, giá cổ phiếu là do thị trường quyết định, nên chúng tôi không có ý định làm một động thái gì đó như kiểu "cứu giá". Cứ để nhà đầu tư tự đánh giá và quyết định.
Thực sự, kết quả kinh doanh tốt mới chính là câu chuyện mà nhà đầu tư trông đợi ở DN. Và khi kết quả kinh doanh được công bố với con số ấn tượng, hẳn nhà đầu tư sẽ hài lòng.
“Chúng tôi chưa nghĩ đến việc bình ổn giá”
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Khoáng sản Bình Thuận (KSA)
Là chủ DN, chúng tôi không quá quan tâm đến diễn biến giảm giá của cổ phiếu. Tại cuộc họp HĐQT mới đây, chúng tôi vẫn thống nhất kế hoạch từ nay đến cuối năm là tập trung sản xuất kinh doanh, ổn định dòng tiền. Chuyện bình ổn giá cổ phiếu bằng cách mua thêm cổ phiếu quỹ, nếu có, thì đầu năm sau chúng tôi mới tính đến.
Để tập trung sản xuất kinh doanh, hiện tại, Ban điều hành Công ty đang tập trung vào 3 việc chính: xuất khẩu nguồn hàng; nhập khẩu than đá và hoàn tất các dự án san lấp với đối tác ở Bình Thuận nhằm thu tiền về.
Về nhập khẩu than đá, sau 1 năm thương thảo, mới đây chúng tôi đã ký hợp đồng nhập khẩu với đối tác Indonesia để mua lại than đá của các chủ mỏ bên đó và sau đó tiến hành bán lại cho nhà máy xi măng ở Việt Nam.
Mới đây, công ty con do KSA nắm 51% vốn là CTCP Bảo Thư (vốn điều lệ 228 tỷ đồng) là 1 trong 4 đơn vị tại Bình Thuận được chấp thuận về việc được phép chế biến sâu Titan.
Chúng tôi đang tiến hành lựa chọn đối tác để cùng liên doanh xây dựng nhà máy chế biến này. Ngày 2/12 tới, chúng tôi sẽ tiến hành động thổ cụm Công nghiệp Thắng Hải để khởi công Nhà máy chế biến Titan trên diện tích đất thuê 12 héc-ta.
“Khi giá cổ phiếu quá sai lệch so với giá trị DN, chúng tôi sẽ tính việc rời sàn”:
Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc CTCP XNK Thủy sản An Giang (AGF)
Hiện tại, giá cổ phiếu AGF đang giao dịch thấp hơn 4-5 lần giá trị sổ sách, nhưng theo chúng tôi, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của tình hình chung trên TTCK Việt Nam.
Trong hiện trạng không sáng sủa đó, chúng tôi không nghĩ rằng, một động thái nào đó, như thực hiện chiến lược PR giới thiệu, lên tiếng trấn an hay mua vào cổ phiếu quỹ… từ DN sẽ "cứu" được giá cổ phiếu. Bằng chứng, nhiều DN đã làm cách này, cách kia, nhưng giá cổ phiếu có khá lên được đâu.
Suy cho cùng, sự thờ ơ của thị trường, đánh giá sai của nhà đầu tư về DN không phải do DN. Sự quay lưng của nhà đầu tư trên TTCK, như báo đài cũng đã từng đề cập, còn có những lý do khác.
Trong lúc cả TTCK đang chờ những giải pháp vực dậy thị trường thì chúng tôi - từng DN lẻ loi có thể làm được gì? Chủ trương của AGF là cứ để cổ phiếu chịu sự điều tiết của thị trường. Đến một lúc nào đó, khi giá cổ phiếu quá sai lệch so với giá trị DN, có thể chúng tôi sẽ xem xét đến chuyện rời sàn. Bởi ở lại sàn làm gì khi TTCK đã không còn đánh giá đúng về DN. Cứ tưởng tượng DN trị giá 4 đồng, nhưng thị giá cổ phiếu chỉ 1 đồng thì làm sao chúng tôi có thể triển khai được các kế hoạch gọi vốn?
Trước mắt, trong khả năng của mình, chúng tôi chỉ biết làm đúng và làm tốt nhiệm vụ của mình. Đó là cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh được giao, đảm bảo đời sống công nhân viên, duy trì sản xuất ổn định.
Ngọc Thủy - Kim Lan thực hiện
Đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Doanh nghiệp làm gì trước hiện trạng giá giảm quá đà?