Nợ công: “65% GDP là tối đa”
Không dồn dập và nhiều kịch tính như các chất vấn về xăng dầu, giá cả, song nợ công vẫn là một nội dung quan trọng tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, từ cuối buổi sáng đến giữa buổi chiều 24/1.

Đặt nợ công của Việt Nam trong bối cảnh lâm nguy của một số nước trên thế giới, Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng Huệ cho biết, để nợ công nước ta không trở thành mối nguy trong tương lai, ngay từ bây giờ, Chính phủ phải làm gì?
Những vấn đề cụ thể hơn mà vị đại biểu này muốn biết là tỷ lệ đi vay nước ngoài so với GDP như thế nào, theo đó mức trần phải trả hàng năm so với tổng ngân sách sẽ được tính toán ra sao?. Rồi việc kiểm soát các khoản vay tín dụng của doanh nghiệp Nhà nước cũng như việc bảo lãnh tín dụng, quản lý chi tiêu công để đạt ở mức an toàn so với GDP trong năm 2012 và những năm tiếp theo?.
Trước khi Bộ trưởng Huệ trả lời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, trong quá trình thảo luận về kinh tế-xã hội cũng còn một số ý kiến chưa đồng thuận về vấn đề nợ công với tỷ lệ là 65% GDP , dù Quốc hội đã biểu quyết.
Chủ tịch đề nghị các vị đại biểu và Bộ trưởng cùng thảo luận, tranh luận để làm rõ vấn đề, để có thể yên tâm cũng như tổ chức thực hiện tốt việc quản lý nợ công.
Phần trả lời của Bộ trưởng Huệ gần như không có thông tin gì mới so với phát biểu của ông trước Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế, ngân sách trong tuần đầu của kỳ họp.
Đó vẫn là khẳng định “hiện nay nợ của chúng ta đang ở mức an toàn”. Năm 2011 nợ Chính phủ là 43,6% GDP, nợ quốc gia là 41,5% GDP và nợ công là 54,6% GDP.
Chỉ tiêu đã trình ra Quốc hội của năm 2012 nợ Chính phủ là 46,1% GDP, nợ quốc gia là 44,2% GDP; còn nợ công 58,4% GDP (tính theo kịch bản GDP tăng 6%).
Nếu mà GDP tăng 6,5% thì tỷ lệ nợ công sẽ xuống thấp hơn đáng kể, ông Huệ nói.
Chỉ tiêu đến năm 2015 mà Quốc hội đã thông qua là nợ công 65%; nợ Chính phủ 55%, nợ quốc gia 50%, Bộ trưởng nhắc lại.
Đi vào nội dung chất vấn của đại biểu Phương, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết, hiện nay tổng chi phí để trả nợ khoảng 15% trong tổng thu ngân sách, trong khi ngưỡng của thế giới khoảng 30%.
Cụ thể hơn, trong 15% để chi trả cho nợ công hàng năm này thì ngân sách chỉ trả 13,5%; còn 1,5% là các dự án và các nhà đầu tư phải trả.
Nhấn mạnh nợ công Việt Nam có một điều rất khác với các nước khác là chúng ta có việc cho vay về cho vay lại, Nhà nước vừa là chủ nợ, nhưng vừa là khách nợ, Bộ trưởng Huệ “trấn an” rằng trong chiến lược nợ công tính toán hết các khoản vay lớn và cũng tính toán là mức dòng tiền ra, tiền vào là khoảng 65% GDP tới năm 2015 thì có thể chịu đựng được.
Cũng theo Bộ trưởng, sau năm 2015 vấn đề trả nợ có thể tương đương với vay hoặc thấp hơn, tức là không vượt quá 65% GDP.
“Trong điều kiện như hiện nay thì Chính phủ cũng như Bộ Tài chính thấy rất rõ trách nhiệm của mình, chúng ta không thể xem thường một phút nào vấn đề nợ công, đặc biệt là những vấn đề nợ do Chính phủ bảo lãnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Huệ, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho rằng tỷ lệ sử dụng ngân sách trả nợ cũng đã cao. Tuy nhiên, vẫn cần thiết phải tiếp tục tăng nợ công bởi vì nhu cầu để đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đẩy nhanh quá trình giải quyết một bước cơ sở hạ tầng và rất nhiều công trình dở dang đã trải ra.
Trong quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế thì khả năng tăng thu cũng chưa nhiều cũng là lý do cần phải tăng nợ công.
Vớ lợi thế chính là vay ODA, Chủ tịch cho rằng có thể tăng được tới ngưỡng 65% GDP năm 2015 là tối đa và từ năm 2015 thì vay ít, trả nhiều hơn, cho nên dư nợ phải xuống.
Buộc phải nâng lên 65%, nhưng cũng đặt ra một yêu cầu là phải tăng cường quản lý chặt chẽ việc sử dụng và trả nợ và việc tiếp tục vay vốn bảo lãnh mới để làm sao sau năm 2015 thì nợ công có thể tiếp tục giảm, Chủ tịch nói.
Nguyên Vũ
TBKTVN



Xem bài viết: Nợ công: “65% GDP là tối đa”