Vietstock Daily 25/11: Lòng kiên nhẫn bị bào mòn!
(Vietstock) – Thực tế bên bán lại gia tăng rất mạnh lượng hàng mỗi khi thị trường “ngóc đầu” đang bào mòn lòng kiên nhẫn ở không ít nhà đầu tư. Đây có lẽ là yếu tố đáng e ngại nhất vào lúc này.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 25/11/2011
Diễn biến giao dịch: Thị trường sụt giảm mạnh trở lại khi VN-Index giảm 1.75% về mức 381.78 điểm và HNX-Index giảm 1.32% xuống mức 61.27 điểm. VS 100 cũng giảm khá mạnh 1.14% đứng tại 55 điểm.
VS-Large Cap giảm mạnh nhất 2.03%, tiếp theo là VS-Mid Cap giảm 0.95%, VS-Small Cap giảm 0.73% và VS-Micro Cap giảm nhẹ nhất 0.32%.
Thanh khoản ảm đạm khi tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh sụt giảm 6.4% trên HOSE và đáng chú ý giảm rất mạnh 24.9% trên HNX so với phiên giao dịch ngày hôm qua
Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng với giá trị 51.5 tỷ đồng trên HOSE; trong đó chỉ riêng giao dịch bán ròng ở STB đã chiếm gần 47 tỷ đồng. Nếu không tính giao dịch ở mã cổ phiếu này thì giá trị bán ròng chỉ là 4.5 tỷ đồng.

Triển vọng thị trường: Đã có nhưng nỗ lực thúc đẩy thị trường dựa vào các mã chủ chốt như MSN, BVH, VIC, VPL nhưng hoạt động này mau chóng thất bại trước áp lực xả hàng dâng cao trên cả hai sàn. Thống kê lệnh cho thấy khối lượng đặt bán đã gia tăng khá mạnh trong khi lượng đặt mua teo tóp dần, đặc biệt là trên HNX.
Sau khi công bố mua vào hơn 100 triệu cổ phiếu quỹ, giao dịch tại STB trở nên rất sôi động. Phiên hôm nay, STB có hơn 2.5 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh, gần 7.5 triệu cổ phiếu giao dịch thỏa thuận; trong khi tiếp tục có gần 3 triệu cổ phiếu được khối ngoại bán thỏa thuận. Chỉ trong hai phiên vừa qua, khối ngoại đã thoái gần 8 triệu cổ phiếu STB và vẫn chưa có thông tin chính thức từ bên bán.
Chỉ có 3/24 ngành tăng điểm, trong đó CNTT-Truyền thông tăng 1.26%, và bất ngờ nhất là sự gia tăng của 2 ngành đang gặp nhiều khó khăn là SX Tôn thép tăng 0.35% và Vận tải Kho bãi tăng 0.31%. Bất động sản giảm mạnh nhất 2.12%, Chứng khoán giảm 1.26%, Xây dựng giảm 0.81% và Ngân hàng giảm 0.61%.
Chúng tôi nhận thấy áp lực bán tăng lên khá đột ngột kể từ sau khi thông tin CPI tháng 11 được Tổng cục Thống kê công bố. CPI tháng 11 đã tăng 0.39% so với tháng 10 và tăng 19.83% so với cùng kỳ năm 2010.
CPI tháng 11 tăng cao hơn chút ít so với mức tăng 0.36% trong tháng 10. Tuy vậy, so với xu hướng tăng của CPI hai tháng đầu quý 4 năm 2009 và 2010 thì đà tăng của CPI tháng 11/2011 là không đáng ngại. Cụ thể, CPI tháng 10 và 11 tăng lần lượt 0.37% và 0.55% trong năm 2009, và ở mức 1.05% và 1.86% trong năm 2010. Xem thêm bình luận của chúng tôi về chủ đề này tại đây.
Chúng tôi cho rằng yếu tố lạm phát năm 2011 không còn là vấn đề lớn cho điều hành chính sách tiền tệ giai đoạn cuối năm. Tuy vậy, như đề cập trước đây, việc kiểm soát lạm phát kỳ vọng trong năm 2012 sẽ là một thách thức không hề nhỏ; đặc biệt trong bối cảnh có thông tin cho thấy giá điện có thể tăng thêm 4.6% trong năm sau.
Hiện tại, thị trường vẫn bị áp lực rất lớn từ lực lượng bán cưỡng bức. Hơn nữa, thực tế bên bán lại gia tăng rất mạnh lượng hàng mỗi khi thị trường “ngóc đầu” đang bào mòn lòng kiên nhẫn ở không ít nhà đầu tư. Đây có lẽ là yếu tố đáng e ngại nhất vào lúc này.
Sau khi xử phạt những sai phạm của các ngân hàng về vượt trần lãi suất huy động, NHNN đã tiếp tục sử dụng các biện pháp hành chính cứng rắn của Nghị định 95 nhằm đối phó với biến động của tỷ giá. Đại học FPT đã chịu mức phạt 500 triệu đồng do niêm yết giá các khóa đào tạo bằng USD.
Ngoài tỷ giá, nền kinh tế hiện đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề mang tính cơ cấu, bao gồm cả việc sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, công ty chứng khoán...
Phân tích kỹ thuật: HNX-Index – Khối lượng vẫn chưa đột biến mạnh. Khối lượng thể hiện sự quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường. Trong phiên giao dịch ngày 24/11/2011, thanh khoản tiếp tục duy trì mức trung bình khiến cho giới đầu tư bắt đầu lo ngại về khả năng có một đợt thoái lùi tiếp theo trên HNX.
Giới phân tích kỹ thuật kỳ vọng nếu như có một đợt suy giảm mới xảy ra thì trendline chống đỡ ngắn hạn (tương đương vùng 58 – 61 điểm) và Fibonacci Retracement 161.8% (tương đương vùng 57 – 58 điểm) sẽ hỗ trợ HNX-Index thoát khỏi nguy cơ giảm quá sâu.

VN-Index – Lực cản của runaway gap quá lớn. Không nằm ngoài lo ngại của giới chuyên gia, lực cản của runaway gap (tương đương vùng 388 – 390 điểm) đã khiến cho VN-Index sớm kết thúc đà hồi phục ngắn hạn. Điều này lại làm dấy lên mối lo ngại về việc có thể xảy ra tình trạng thủng trở lại ngưỡng chống đỡ trung hạn 380 điểm.
Tâm lý thận trọng đang bao trùm thị trường và điều này khiến cho việc các chỉ số dao động liên tục duy trì ở trong vùng oversold vẫn không thể kích thích nhà đầu tư mua vào. Có lẽ phải chờ cho đến khi các phân kỳ giá lên (bullish divergence) hoàn thành thì mới có khả năng hồi phục mạnh.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục giảm mạnh (-1.14%) trong phiên giao dịch ngày 24/11/2011, VS 100 lại gầy lo ngại về khả năng tạo lập đáy mới trung hạn trong thời gian tới.
Khối lượng không tăng trưởng trong phiên giao dịch hôm nay cho thấy tâm lý thận trọng vẫn còn chi phối tại các mã chủ chốt trên thị trường.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 24/11/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.35, tức số mã tăng giá bằng 0.35 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.36, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.36 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.36 lần và VS-U/D HNX bằng 0.1 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 1.57.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục duy trì ở vùng thấp và hình thành phân kỳ giá lên (bullish divergence). Điều này chứng tỏ thị trường có thể đang tích lũy cho một đợt hồi phục mới.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Dow Jones: Ngắn hạn – Khả năng test lại ngưỡng Fibo 261.8% rất lớn. Sau phiên thoái lùi rất mạnh ngày 23/11/2011, DJIA đang đứng trước khả năng lớn là sẽ tiếp tục lao dốc và test lại ngưỡng chống đỡ mạnh Fibonacci Retracement 261.8%. Đây vốn là ngưỡng đã giúp cho DJIA thoát khỏi nguy cơ sụp đổ hoàn toàn trong tháng 08/2011, tháng 10/2011 nên độ tin cậy rất cao.
Nhóm chỉ báo dao động (Stochastic Oscillator, RSI...) tiếp tục lao dốc sau khi cho tín hiệu bán mạnh trong vùng overbought nên khả năng sẽ có điều chỉnh tiếp tục trong vài phiên tới.
Dài hạn – Áp lực liên tục gia tăng. DJIA đã cho tín hiệu bán với cả SMA 200, SMA 100 và SMA 50. Những đường MA dài hạn này đã tạo ra một sức ép rất lớn lên giá. Nguy cơ downtrend dài hạn sẽ mạnh lên là có thực trong thời gian sắp tới.
Những phân kỳ giá xuống (bearish divergence) đã hình thành. Điều này cho thấy rủi ro giảm điểm đối với thị trường Mỹ vẫn còn rất lớn.

III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 24/11/2011



Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Vietstock Daily 25/11: Lòng kiên nhẫn bị bào mòn!