Nhà đầu tư lạc quan với lợi nhuận của Ford và thông tin về ngành sản xuất, chi tiêu xây dựng.

S&P 500 tăng 0,7% lên mức 1.042,88 điểm tại thị trường New York. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 76,71 điểm tương đương 0,8% lên mức 9.789,44 điểm.
Cứ 4 cổ phiếu tăng điểm thì có 3 cổ phiếu giảm điểm trên sàn New York.
Hôm qua, thị trường Mỹ chứng kiến một phiên giao dịch đầy biến động. Vào đầu phiên, khi những nỗi lo về nền kinh tế tiếp tục, thị trường giảm điểm trong 30 phút đầu giao dịch.
Tuy nhiên từ 10h sáng đến gần 11h sáng, ngay sau khi thông tin về sản xuất và lĩnh vực xây dựng được công bố, hai chỉ số chính của thị trường là S&P 500 và Dow Jones tăng điểm mạnh.
Thông tin kinh tế mới công bố cho thấy lĩnh vực sản xuất Mỹ tháng 10 tăng trưởng mạnh nhất trong hơn 3 năm. Chi tiêu xây dựng bất ngờ tăng trong tháng 9, còn số hợp đồng nhà được ký kết tăng 6,1%.
Hai chỉ số đã có lúc tăng tới 1,49%. Đà tăng điểm sau đó giảm dần, đến khoảng 1h chiều, nỗi lo về đồng USD tăng giá và đà hồi phục của nền kinh tế kéo hai chỉ số dao động tăng và giảm điểm 2 lần.
Hai chỉ số sau đó đã hồi phục trở lại trạng thái tăng điểm khi nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào một số cổ phiếu, thế nhưng tính cả ngày giao dịch, một nửa thành quả tăng điểm lúc đầu phiên đã bị đánh mất. Chốt phiên giao dịch đầu tuần, S&P 500 chỉ tăng 0,7% còn Dow Jones tăng 0,8%. Nasdaq chỉ tăng nhẹ 0,2%.
Phiên hôm qua, cổ phiếu của gần như tất cả các nhóm ngành đều tăng điểm, tuy nhiên với sự biến động tăng giảm quá lớn của thị trường, thành quả tăng điểm trong phiên không còn nhiều ở thời điểm hết giờ giao dịch. Mức tăng điểm dao động từ 0,12% đến 1,1%.


Diễn biến 3 chỉ số chính của thị trường Mỹ phiên giao dịch đầu tuần (Nguồn: Google Finance)

Cổ phiếu nhóm ngành tài chính tăng 0,81%, cổ phiếu năng lượng tăng 0,6%. Chuyên gia Greenlee cho rằng hệ thống ngân hàng Mỹ còn lâu mới hồi phục, cổ phiếu S&P 500 của các tổ chức tài chính, ngân hàng, công ty bảo hiểm Mỹ ngay lập tức để mất phần lớn mức tăng 2,5% đã có được trước đó. Chốt phiên, cổ phiếu tài chính chỉ tăng 0,8%.
Tuần trước, chỉ số S&P 500 giảm 4% bởi doanh số bán nhà mới gây thất vọng, chỉ số niềm tin người tiêu dùng đi xuống, thị trường dự đoán nhiều hơn về khả năng việc tăng điểm trong 7 tháng qua của thị trường vượt quá triển vọng nền kinh tế thực.
Thị trường vẫn giảm điểm ngay cả khi một số công ty công bố kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo, số liệu kinh tế cho thấy kinh tế Mỹ đã thoát suy thoái trong quý 3/2009.
Trong số 334 công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2009, 84% công ty có lợi nhuận vượt dự báo, 58% công ty đạt doanh số tốt hơn kỳ vọng.

Có thể nhận xét về thị trường Mỹ: tin tốt vẫn có thể đẩy thị trường tăng điểm thế nhưng việc tăng điểm hiện khó duy trì hơn thời điểm đầu năm nay. Thứ Năm tuần trước, ngay sau khi số liệu tăng trưởng GDP công bố, thị trường hết sức lạc quan và tăng điểm.
Thế nhưng sự hào hứng đi xuống bởi nhiều người nhận ra phần lớn sự tăng trưởng có được nhờ kế hoạch kích cầu của chính phủ mà thực tế những chương trình đó đang được rút dần.
Nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng kinh tế sẽ cải thiện nhưng tốc độ cải thiện sẽ không nhanh như họ từng nghĩ. Dấu hiệu về sự hoảng sợ của nhà đầu tư hiện rất rõ ràng, chỉ số biến động giao dịch quyền chọn hay còn gọi là chỉ số VIX trong phiên giao dịch ngày thứ Hai đã lên mức 31,84 điểm – mức cao nhất trong 4 tháng và sau đó kết thúc phiên ở mức 29,78 điểm.
Thông tin kinh tế Mỹ quan trọng trong tuần

Ngày thứ Ba
Doanh số bán ô tô tháng 10
Ngày thứ Tư
Ủy ban thị trường mở của FED kết thúc buổi họp 2 ngày
Ngày thứ Năm
Ngày thứ Sáu
Báo cáo về thị trường việc làm Mỹ tháng 10



Theo Bloomberg, CNNMoney