Vụ kiện Chứng khoán Phố Wall: “Ác mộng” khi cơm chẳng lành
Sáng 23/11, thị trường chính thức đón nhận thông tin Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PFI) khởi kiện Công ty Chứng khoán Phố Wall (WSS), đòi tổng số nợ tới gần 100 tỷ đồng. Đơn kiện đã được thụ lý hôm 11/11 vừa qua.
* PFI khởi kiện Chứng khoán phố Wall đòi nợ 100 tỷ đồng

Thực ra thông tin trên không phải là mới, khi đã râm ran trong giới đầu tư khá lâu. Tuy nhiên các thông tin đều chỉ mang tính không chính thức và khi đơn kiện được Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý và có công văn triệu tập các bên liên quan, sự việc mới lan rộng.
Đối với nhà đầu tư và cổ đông PFI, sự việc là bước tiến triển cụ thể hóa “quyết tâm” của PFI cam kết tại đại hội cổ đông hồi đầu năm. Một trong những định hướng kế hoạch kinh doanh quan trọng của năm 2011 là “quyết liệt truy đòi nợ đến cùng đối với các khách hàng để hoàn trả PFI số tiền đã cam kết. Trong trường hợp khách hàng không thực hiện, PFI sẽ khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho công ty”.
Theo thông tin trong nội dung khởi kiện, từ giữa tháng 5/2009, PFI và WSS ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác hợp tác để cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán niêm yết cho nhà đầu tư. Phương pháp hợp tác của PFI là đầu tư cho khách hàng mua chứng khoán trên cơ sở hồ sơ do WSS đề nghị, để được hưởng lợi nhuận cố định mà không phải chia sẻ rủi ro.
Theo PFI, trong quá trình thực hiện, WSS không thực hiện nghiêm túc các cam kết theo nội dung hợp tác (bao gồm quá trình cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng với khách hàng, bán thanh lý tài khoản của khách hàng và trả tiền cho PFI khi đến hạn), dẫn đến việc PFI không thu hồi được hết số tiền đã giải ngân thông qua WSS.
Dĩ nhiên, cả hai bên đều có những lý lẽ riêng để bảo vệ quyền lợi của mình. Mọi việc đúng sai phải chờ tòa án phán quyết vì còn phải căn cứ vào hợp đồng cụ thể xem trách nhiệm của mỗi bên đến đâu. Song, đằng sau sự việc này, có thể thấy cả một mớ bòng bong liên quan đến các dịch vụ hợp tác đầu tư chứng khoán, mà không ít công ty chứng khoán đã triển khai trước khi có khung pháp lý về dịch vụ đòn bẩy tài chính.
Thông thường để lôi kéo khách hàng, các công ty chứng khoán cung cấp khá nhiều dịch vụ liên quan đến thanh toán. Không phải khi nào công ty chứng khoán cũng làm dịch vụ cho ngân hàng, sử dụng tiền của ngân hàng hỗ trợ nhà đầu tư như một tổ chức trung gian ăn hoa hồng. Trong nhiều trường hợp, công ty chứng khoán lấy tiền của chính mình hoặc hợp tác với một tổ chức tài chính có tiền để làm dịch vụ cho khách hàng.
Sự hợp tác giữa PFI với WSS cũng là bình thường như nhiều công ty chứng khoán khác từng thực hiện. Chưa rõ hợp đồng quy định cụ thể giữa PFI và WSS, nhưng trên lý thuyết, PFI sẽ đóng vai trò là tổ chức cung cấp một phần vốn cho khách hàng của WSS (tương tự ngân hàng đang hợp tác với các công ty chứng khoán). Hạn mức hỗ trợ vốn thường được quy định cụ thể theo giá trị giao dịch, chẳng hạn 50% vốn, và có thời hạn rõ ràng. Nhà đầu tư thông qua công ty chứng khoán lập hồ sơ đề nghị PFI hợp tác vốn và phải đáp ứng một số thủ tục giấy tờ như bản xác nhận số dư và phong tỏa chứng khoán, đơn đề nghị...
Trong điều kiện bình thường, thị trường tốt, vòng quay vốn của hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư sinh lãi và rủi ro thấp. Công ty cung cấp vốn được hưởng lãi suất cố định theo thời gian của hợp đồng, thậm chí cả phần lãi phát sinh khi đầu tư. Vấn đề còn lại là rủi ro các bên sẽ chịu như thế nào trong tình huống xấu.
Phản ánh trên báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2010 của PFI, khoản ghi nhận phần vốn hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết với WSS được ghi vào mục “Hợp tác đầu tư chứng khoán thu lãi cố định”. Các thông tin cũng hé lộ một phần nội dung hợp đồng hợp tác. Theo đó, PFI “được hưởng lợi nhuận với mức lãi suất cố định được duy trì trong suốt thời hạn hợp tác đầu tư và công ty có quyền yêu cầu đối tác mua lại số chứng khoán mà công ty đã hợp tác đầu tư. Công ty là bên duy nhất có quyền được giải tỏa chứng khoán và có quyền bán chứng khoán hợp tác đầu tư để thu hồi vốn khi giá chứng khoán hợp tác đầu tư trên sàn niêm yết giảm 30% so với giá niêm yết tại các thời điểm ký kết hợp đồng”.
Tuy nhiên, những nội dung trên không cho thấy sự quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của ba bên: PFI, WSS và khách hàng của WSS. Nếu PFI chỉ được hưởng lợi nhuận là mức lãi suất cố định theo thời gian hợp đồng thì chẳng khác gì PFI chỉ cho vay và thu lãi. Nếu khoản hợp tác đầu tư có lãi thì phần lãi đó thuộc về các bên như thế nào? Nghĩa vụ của WSS là gì ngoài việc là bên tìm kiếm khách hàng cho PFI? PFI có quyền giải tỏa chứng khoán và có quyền bán nhưng đối tượng thực hiện bán hoặc hình thức tương tự chắc chắn phải là WSS vì tài khoản lưu ký tại đây.
Có lẽ đây chính là điểm mà PFI cho rằng WSS không thực hiện đúng các cam kết theo nội dung hợp tác như giao kết hợp đồng với khách hàng, bán thanh lý tài khoản của khách hàng và trả tiền cho PFI khi đến hạn. Tuy nhiên phía WSS, từ tháng 8/2011 đã trả lời trên báo chí rằng sự hợp tác với PFI chỉ “là vai trò trung gian trong hợp đồng hợp tác ba bên, trong đó PFI hỗ trợ khách hàng của WSS vốn đầu tư với lãi suất cố định. WSS chỉ đóng vai trò trung gian, giám sát và thu hồi nợ chứ không chịu nghĩa vụ tài chính”. Trên báo cáo tài chính của WSS cũng không phản ánh nghĩa vụ tài chính liên quan đến hợp tác với PFI.
Đại diện WSS cũng cho biết “đã phong tỏa và chuyển toàn bộ chứng khoán của khách hàng sang tài khoản của PFI”. Như vậy “cục nợ” đã được “đá” trở lại cho PFI.
Tóm lại, quy trình thu hồi nợ sẽ được bên nào thực hiện? PFI hay WSS? Với quy trình thông thường liên quan đến hoạt động cầm cố vay vốn của ngân hàng, công ty chứng khoán sẽ là bên phải thực hiện thu hồi nợ mà nôm na là giải chấp. Trong trường hợp với PFI, WSS lại cho rằng PVFI mới là bên phải thanh lý chứng khoán để lấy tiền về. Như vậy điểm mấu chốt vẫn là các quy định cụ thể của hợp đồng hợp tác giữa PFI và WSS chứ không phải với khách hàng.
Nhà đầu tư trong trường hợp lỗ quá nặng thường chạy làng, bỏ mặc tài khoản cho công ty chứng khoán. Một lần nữa, tình trạng thị trường suy giảm đã cho thấy hình thức hợp tác đầu tư còn quá nhiều vấn đề. Đa số trường hợp công ty chứng khoán phải chấp nhận phần rủi ro còn lại khi chủ tài khoản “bốc hơi” nếu hợp tác bằng tiền túi. Nếu có bên thức ba liên quan, tình hình sẽ phức tạp hợp nhiều khi các điều khoản hợp đồng không chặt chẽ.
Khánh Hà
TBKTVN



Xem bài viết: Vụ kiện Chứng khoán Phố Wall: “Ác mộng” khi cơm chẳng lành