Hủy niêm yết đe dọa thị trường
Việc hủy niêm yết ở thị trường chứng khoán nước ngoài là một tín hiệu xấu, nhưng ở Việt Nam, nhiều công ty coi đây là cách để “cứu” cổ phiếu. Hàng loạt cổ phiếu có thị giá thấp hơn mệnh giá dự báo bùng nổ đợt tự nguyện hủy niêm yết.
Sự kiện cổ phiếu của Công ty CP Nhựa Tân Hóa ngày 22/11 chỉ còn 700 đồng/cổ phiếu, khiến nhiều nhà đầu tư mới “chột dạ” về giá cổ phiếu rẻ hơn ly trà đá hiện nay. Chột dạ bởi giá rẻ nhưng dường như không ai nhảy vào “thâu tóm” các công ty này và chột dạ bởi một số công ty niêm yết đang tìm đường thoái lui khỏi sàn chứng khoán.

Tha thiết xin hủy niêm yết!
Trên thế giới, nếu một công ty được lên sàn chứng khoán thì coi như họ đang đi trên “đại lộ thênh thang”, con đường phát triển, huy động vốn rộng mở... Nhưng một điều lạ đã và đang diễn ra ở thị trường chứng khoán Việt Nam là một số công ty niêm yết tự nguyện “cắt” đường này. Mới đây, ngày 15/11, Công ty CP nước giải khát Sài Gòn (Trabico, mã chứng khoán TRI, sàn HoSE) đã gửi thư cho cổ đông xin ý kiến việc hủy niêm yết cổ phiế TRI đang giao dịch tại HoSE. Khối lượng xin hủy bao gồm toàn bộ cổ phiếu đang lưu hành (27.548.360 cổ phiếu). Trước đó, ngày 30/9, Công ty CP Sông Đà 27 (mã S27, sàn HNX) cũng xin hủy niêm yết. Ngoài ra, hàng loạt đơn vị khác cũng xin tự nguyện hủy niêm yết như Công ty CP Thủy điện Thác Bà (TBC), Công ty CP Cáp Sài Gòn (CSG)…
Điểm chung của các công ty tự nguyện xin hủy niêm yết là giá cổ phiếu rất thấp, thấp hơn mệnh giá. Chẳng hạn, tại thời điểm này, giá cổ phiếu TRI chỉ 2.000 đồng/cổ phiếu. Từ mức 29.000 đồng trong ngày giao dịch đầu tiên (năm 2001), đến nay, TRI đã mất đến 93,6% thị giá. S27 hiện cũng chỉ 2.600 đồng/cổ phiếu và từ mức giá 19.200 đồng/cổ phiếu lúc chào sàn, đến nay S27 đã mất hơn 16.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, TRI, S27 không phải là mã cá biệt có thị giá thấp hơn mệnh giá hiện nay. Thống kê sơ bộ, trên HoSE hiện có khoảng 150 mã và HNX có hơn 250 mã dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, trong đó khoảng 30 mã có giá dưới 3.000 đồng/cổ phiếu.
Chiêu trò của doanh nghiệp
Nhưng điều gì khiến nhiều công ty niêm yết xin hủy niêm yết khi họ chưa thuộc diện bị hủy niêm yết? “Hiện nay, theo Luật Chứng khoán Việt Nam, giá cổ phiếu dưới mệnh giá và có thể thấp hơn nữa vẫn không bị bắt buộc hủy niêm yết. Nếu thua lỗ 3 năm liên tiếp thì công ty mới bị hủy niêm yết. Nhưng rất lạ là nhiều công ty lại tự nguyện xin rút khỏi sàn chứng khoán”, chuyên gia Lê Đạt Chí, ĐH Kinh tế TP HCM, nhận xét.
Cái lạ “điển hình” là khi TRI đã qua 2 năm thua lỗ, đến nay có lãi thì lại nộp đơn xin hủy niêm yết. Nhiều người cho rằng, những công ty tự nguyện hủy niêm yết là muốn “cứu” giá cổ phiế hoặc tránh sự thâu tóm từ bên ngoài. “Luật của ta chưa có quy định về hủy niêm yết, muốn niêm yết lại sẽ phải đạt những yêu cầu gì? Ở nước ngoài, khi hủy niêm yết, công ty muốn lên sàn lại phải có 3 năm kinh doanh có lợi nhuận và là lợi nhuận lũy kế. Ở ta, tôi e là một số công ty muốn tự hủy niêm yết để năm sau lại lên sàn, tự định giá lại cổ phiếu”, ông Chí nhìn nhận.
Cũng theo ông Chí, thực tế, hàng loạt cổ phiếu dưới mệnh giá như hiện nay và chưa có chế tài hủy niêm yết sẽ khiến thị trường chứng khoán thời gian tới đối mặt với việc bùng nổ tình trạng tự nguyện hủy niêm yết. Ông Nguyễn Thanh Phát, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Quốc tế (VIC) cho biết, với việc hàng loạt công ty “bê bết” trong sản xuất kinh doanh 2011 sẽ khiến thị trường chứng khoán chứng kiến nhiều công ty bị hủy niêm yết do thua lỗ. Như vậy, con số các công ty rút lui khỏi sàn chứng khoán thời gian tới sẽ rất lớn.
Xói mòn niềm tin của nhà đầu tư
“Việc tự nguyện hủy niêm yết khiến thị trường nháo nhào và làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Ai muốn ra thì ra, muốn vào thì vào, thị trường không có kỷ cương nào cả, tiền của nhà đầu tư đổ vào nhưng thanh khoản phụ thuộc vào công ty niêm yết. Điều này khiến uy tín của thị trường chứng khoán sụt giảm. Nhưng UBCKNN vẫn bó tay trước thực trạng này”, ông Lê Đạt Chí.

Phương Nhi
đất việt



Xem bài viết: Hủy niêm yết đe dọa thị trường