Tỷ giá nhìn từ lương
Trước hết xin nói qua về chuyện tưởng chừng không liên quan đến đề tài tỷ giá. Đó là câu “thu nhập thực tế của dân cư vào năm 2015 gấp 2- 2,5 lần năm 2010” như một trong những chỉ tiêu trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2015 mà Quốc hội vừa mới thông qua ngày 8-11.
Đối chiếu với chỉ tiêu GDP tăng khoảng 6,5-7%, nhiều người cho rằng tăng gấp đôi thu nhập người dân là chuyện không khả thi, bởi nếu thế tăng trưởng GDP phải lên đến 15-20%, chưa kể đến mức tăng dân số hàng năm.
Thật ra, thu nhập của người dân tính theo GDP danh nghĩa nên nếu mức tăng GDP danh nghĩa cao như mấy năm qua (vì lạm phát) thì chuyện “thu nhập thực tế của dân cư vào năm 2015 gấp 2-2,5 lần năm 2010” cũng có khả năng xảy ra. Chẳng hạn, nếu GDP thực hàng năm tăng chừng 7%, cộng thêm lạm phát hàng năm chừng 7% thì GDP danh nghĩa đến năm 2015 sẽ tăng chừng gấp đôi, còn nếu tính cả yếu tố tăng dân số thì thu nhập của người dân cũng tăng khoảng 1,85 lần.
Nhưng để đạt mức tăng 2,5 lần, lạm phát hàng năm phải đâu khoảng chừng 13-14% hay cao hơn trong mấy năm đầu. Lạ một điều là các văn bản khác đều nói ưu tiên kiềm chế lạm phát, thậm chí Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 xác định “chỉ số tiêu dùng tăng dưới 10%” và nghị quyết trích dẫn đầu bài nói “chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5-7% vào năm 2015”.
Dù sao cứ tạm thời tin rằng trong năm năm tới thu nhập của mỗi chúng ta sẽ tăng gấp 2-2,5 lần, để chuyển qua nói chuyện chính là tỷ giá.
Giả sử mức lương sống được của người công nhân may mặc ở TPHCM hiện nay là 6 triệu đồng/tháng (kể cả mọi thứ bảo hiểm, tiền thưởng Tết... một con số trích dẫn theo ông Lê Quốc Ân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Dệt may). Với tỷ giá hiện nay, mức lương đó tương đương 285 đô la. Giả sử tiếp đến năm 2015 mức lương này tăng 2 lần lên 12 triệu đồng/tháng hay 2,5 lần lên 15 triệu đồng/tháng theo chỉ tiêu ghi trong nghị quyết của Quốc hội. Chuyện này có thể xảy ra lắm chứ nếu lạm phát cứ cao như năm 2008 hay năm nay thì lương phải cao đủ để công nhân xoay xở sống được.
Vấn đề ở chỗ tỷ giá đang được giữ theo mức ổn định, như cam kết của Ngân hàng Nhà nước cụ thể cho năm nay là tăng không quá 1%. Giả sử tỷ giá neo lại, thay đổi không đáng kể, lúc đó, vào năm 2015, lương công nhân may mặc ở TPHCM sẽ vào khoảng gần 550 đô la đến gần 700 đô la. Thử tưởng tượng, làm sao ngành may mặc TPHCM cạnh tranh nổi với nơi khác khi lương công nhân may mặc lên đến 700 đô la. Thử nghĩ xem có nước nào tiền lương danh nghĩa tăng nhanh đến như thế (tính theo đô la Mỹ, nơi lạm phát không đáng kể, chứ tính theo tiền đồng thì lạm phát ăn lạm vào hết rồi).
Thử hình dung tiếp, lúc đó, mặt bằng giá cả trong nước tăng nhưng nếu tỷ giá thay đổi không bao nhiêu thì hàng ngoại nhập sẽ ngày càng rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Lương công nhân tính bằng tiền đồng sẽ gần như trước nhưng tính theo đô la sẽ có giá trị cao hơn và giá trị đó sẽ thể hiện qua hàng nhập khẩu. Chắc chắn nhà sản xuất trong nước sẽ điêu đứng vì làm sao cạnh tranh nổi khi giá hàng của mình mỗi năm phải tăng chừng 15-20% còn hàng ngoại tăng không đáng kể?
Đến đây chúng ta đã thấy lẽ ra tỷ giá phải thay đổi phụ thuộc vào lạm phát, lãi suất giữa đồng tiền của hai nước chứ ai lại cứng nhắc theo kiểu “tăng không quá 1%”. Nếu điều hành tỷ giá theo kiểu cứng nhắc như thế, chẳng bao lâu, lợi thế cạnh tranh về giá công nhân sẽ biến mất mà người dân cũng thật sự chẳng hưởng được lợi lộc gì.
Nguyễn Vạn Phú
tbktsg



Xem bài viết: Tỷ giá nhìn từ lương