Hài hòa giải pháp hành chính và thị trường
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong tháng 10-2011 ước giảm 0,74% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VNĐ giảm 1,29%.

Trước đó, trong tháng 9-2011, số dư tiền gửi của hệ thống cũng đã giảm tới 1,07% so với cuối tháng 8-2011. Cũng theo số liệu từ NHNN, trong khi huy động VNĐ giảm thì tiền gửi bằng ngoại tệ trong tháng 10-2011 lại tăng 1,73% so với tháng trước đó. Có thể nói, thực trạng này bắt nguồn từ việc siết lại kỷ cương trong hoạt động ngân hàng của NHNN.
Từ khi Chỉ thị 01 và 02 của NHNN ra đời, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động 14%/năm, đến nay lãi suất cho vay vẫn không giảm mà thậm chí còn tăng lên. Như vậy, mong muốn của NHNN trong việc áp trần lãi suất 14%/năm để kéo lãi suất cho vay xuống còn 18%-19%/năm vô hình chung không đạt được mục tiêu mà phát sinh nhiều hệ lụy.
Dễ thấy nhất là việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM) gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh không thể cạnh tranh huy động vốn, dòng vốn huy động đã chuyển dịch từ các NHTM nhỏ sang các NHTM lớn để giảm thiểu rủi ro cũng như sử dụng được các dịch vụ gia tăng do các ngân hàng lớn cung cấp tốt hơn. Để có thể giải quyết thanh khoản, các NHTM nhỏ phải tìm đến kênh thị trường liên ngân hàng, làm lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Các ngân hàng lớn cũng nhân cơ hội đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao, có giao dịch ngắn hạn phải chịu lãi suất tới 30%-40%/năm. Không những thế, hệ thống ngân hàng còn chịu áp lực dòng tiền chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng và USD, thậm chí là các ngoại tệ khác khi lãi suất huy động giảm.
Báo cáo tài chính của một số NHTM cho thấy, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý 3-2011 tăng so với cùng kỳ năm 2010. Các khoản lãi này chủ yếu đến từ hoạt động cho vay. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại thấp. Điều đó đặt ra giả thiết các ngân hàng đầu cơ vốn để cho vay trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cao mà rủi ro lại thấp. Từ đó lãi suất liên ngân hàng tăng cao.
Theo TS Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính, ĐH Kinh tế TPHCM, việc thắt chặt chính sách tiền tệ làm nhằm chống lạm phát nhưng công cụ lãi suất được NHNN sử dụng nửa vời: khống chế đầu vào nhưng lại thả nổi đầu ra. Và hệ lụy là người dân không mặn mà với việc gửi tiết kiệm mà chuyển qua tích trữ vàng và ngoại tệ khiến không ít ngân hàng rơi vào tình cảnh khó khăn về thanh khoản, phải tìm đủ cách lách luật trong thời gian qua cho đến khi NHNN dùng biện pháp mạnh. Mặt khác, các ngân hàng hiện vẫn cho DN vay với lãi suất trung bình 22%-23%/năm, chênh lệch so với lãi suất huy động tới 6%-7%.
Lý giải việc tại sao việc huy động vốn đã áp dụng triệt để ở mức 14%/năm nhưng lãi suất cho vay vẫn còn tăng, TS Lê Đạt Chí cho rằng, việc siết cho vay phi sản xuất khiến cho các DN không được đáp ứng đầy đủ vốn vay. Như vậy thì các DN khi có nhu cầu vay không có quyền mặc cả lãi suất.
Một khi cầu vốn nhiều hơn cung vốn thì lãi suất cho vay chưa thể giảm được. NHNN đã dùng biện pháp hành chính để nỗ lực đưa đường cong lãi suất đi đúng hướng nhưng vô hình chung đã làm cho bức tranh nền kinh tế méo mó đi. Lạm phát năm 2011 vẫn nằm ở khoảng 19%, các DN vẫn phải vay vốn với lãi suất cao ngất còn các NHTM lại có cơ hội thu lợi nhuận cao.
Vấn đề đặt ra là NHNN cần và có thể sử dụng các biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế trong sự kết hợp và hỗ trợ nhau. Nếu biện pháp hành chính không đủ hiệu lực thì nên bổ sung biện pháp kinh tế.
Nhung Nguyễn
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG



Xem bài viết: Hài hòa giải pháp hành chính và thị trường