Vàng miếng: Một "người" sản xuất, cả "họ" kinh doanh?
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đạt Chí, độc quyền về kinh doanh là không được, nhưng nên có một đầu mối trực thuộc Ngân hàng Nhà nước đứng ra sản xuất vàng miếng, để không dẫn đến tình trạng bát nháo ở thị trường này.

DN muốn nhiều mối để "đỡ độc quyền"
Tín hiệu phát đi từ Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) về việc các loại vàng miếng đã được NHNN cho phép sản xuất và lưu thông trong thời gian trước đây vẫn tiếp tục được lưu thông sau khi Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực thi hành được đánh giá sẽ giúp ổn định tâm lý thị trường.
Trước thông tin này, ông Vũ Minh Châu – Tổng giám đốc Công ty VBĐQ Bảo Tín Minh Châu đánh giá, đây là thông tin tốt giúp cho thị trường bình ổn và tâm lý người tiêu dùng không còn hoang mang như thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, theo dự thảo quy định, để sản xuất vàng miếng doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm 25% thi phần trong 3 năm gần đây… ông Châu cho rằng, theo tiêu chí đó chỉ có SJC mới đáp ứng được các tiêu chuẩn.
Ông Châu đánh giá: “Điều này có thể gây ra tình trạng độc quyền và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, vì họ không có nhiều sự lựa chọn. Vì vậy, nên có 2-3 đơn vị cùng tham gia sản xuất vàng miếng để tạo sự cạnh tranh lành mạnh”.
Cùng quan điểm với ông Châu, ông Nguyễn Công Danh – Giám đốc công ty cổ phần vàng Châu Á cho hay: Việc quy định như dự thảo về sản xuất vàng miếng sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền.
Có lúc SJC không cung cấp đủ cho toàn bộ thị trường dẫn đến có thời điểm giá sẽ bị đội lên. Vì chỉ có 1 doanh nghiệp như thế, thời điểm giá vàng lên cao thì phải nhập khẩu, lượng vàng của nhà sản xuất đưa ra thị trường ít hơn, nên giá sẽ bị đội lên.
Ngoài ra, nếu chỉ có SJC sản xuất vàng miếng, thì đơn vị này có quyền định giá".
Ông Danh đánh giá, tiêu chuẩn về sản xuất vàng miếng như vậy là quá cao và quá khắt khe trong thời điểm hiện nay.
"Có 1-2 doanh nghiệp có thể đạt được mức tiêu chuẩn tương đương, nhưng thị phần không đạt được SJC. Nếu quy định như dự thảo thì đã vô tình loại bỏ các doanh nghiệp này ra khỏi thị trường. Nên có từ 2 - 3 doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng để tạo được cạnh tranh”, ông Danh nói thêm.
Lý giải về giá vàng miếng của một số thương hiệu trong nước thấp hơn giá vàng SJC, ông Danh cho rằng, đó là do yếu tố tâm lý của người tiêu dùng. Bởi một số người tiêu dùng lo ngại vàng miếng của thương hiệu không đủ tiêu chuẩn để sản xuất như Nghị định sẽ không được lưu thông, dẫn đến việc bán ra để thu tiền và quay sang mua vàng SJC.
Môt thực tế là nếu dự thảo được thông qua thì các doanh nghiệp đang sản xuất vàng miếng không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ gặp không ít khó khăn.
Ông Vũ Minh Châu chỉ rõ: “Việc đầu tiên là các doanh nghiệp đó phải giải quyết số vàng tồn đọng. Hệ thống thiết bị đầu tư hàng triệu USD, lực lượng lao động trong hệ thống phân phối lên đến hàng chục ngàn lao động không thể tham gia sản xuất. Cụ thể như Bảo Tín Minh Châu, doanh thu của vàng miếng Rồng Thăng Long chiếm trên dưới 50% từng thời điểm, như vậy nếu dự thảo có hiệu lực thì chắc chắn ảnh hưởng đến lợi nhuận”.
Đồng ý kiến, ông Danh cũng cho rằng, với các doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền và nhân công sản xuất vàng miếng sẽ là 1 tổn thất lớn nếu ngừng tham gia sản xuất vàng miếng.
Theo thông tin từ công ty VBĐQ Phú Nhuận (PNJ), các thông tin về sản xuất, kinh doanh vàng miếng vẫn là dự thảo, mọi hoạt động kinh doanh vàng miếng của PNJ vẫn diễn ra bình thường.
Theo dự thảo mới được trình lên Chính Phủ, nhiều dự đoán cho rằng chỉ có SJC được sản xuất vàng miếng. Còn việc kinh doanh mua, bán không chỉ có SJC, mà các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu sẽ vẫn được tham gia thị trường. Nguồn tin này cũng cho hay, PNJ hoàn toàn có đủ các tiêu chuẩn để kinh doanh vàng miếng.
Vị đại diện PNJ nói: “Đương nhiên trong mỗi giai đoạn khi có 1 sự thay đổi về chính sách, mỗi đơn vị liên quan đều điều chỉnh chiến lược của họ. Tuy nhiên, dự thảo vẫn nằm trên giấy, mọi hoạt động kinh doanh vàng miếng diễn ra bình thường. Khi có những thay đổi thì PNJ sẽ có cam kết để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và doanh nghiệp”.
Độc quyền sản xuất hay đầu mối sản xuất?
Trao đổi với P/V VTC News, chuyên gia kinh tế Lê Đạt Chí cho rằng, theo các tiêu chí về sản xuất vàng miếng được công bố trong dự thảo, thì một số ý kiến nhận định SJC đáp ứng được các tiêu chuẩn về sản xuất vàng miếng.
"Dự thảo chưa nêu rõ được việc doanh nghiệp được trao quyền sản xuất vàng miếng sẽ chỉ độc quyền sản xuất vàng miếng mang thương hiệu của mình hay sẽ sản xuất cho cả các thương hiệu khác", ông Chí Thẳng thắn chỉ rõ.
Chuyên gia này đưa ra mô hình của một số nước trên thế giới, theo đó, một quốc gia có tổng kho vàng, tất cả vàng miếng lưu trữ trong đó, trực thuộc Ngân hàng Trung ương (NHTW) quản lý. Ngoài ra, NHTW còn quản lý thêm xưởng chế tác vàng, đây là nơi chuyên dập vàng thỏi ra vàng miếng hoặc vàng miếng ra vàng thỏi. Còn các đơn vị kinh doanh còn lại chỉ sản xuất vàng nữ trang, không được sản xuất vàng miếng. Nếu muốn có vàng miếng để bán, thì chính đơn vị kinh doanh phải đặt hàng cho đơn vị chế tác theo hạn ngạch.
Ông Chí đưa ra quan điểm: “Nếu tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng thì được, còn sản xuất vàng miếng nên là một đơn vị duy nhất. Nhưng, đơn vị đó phải trực thuộc Ngân hàng Nhà Nước để quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Nếu để một đơn vị độc lập sản xuất thì sẽ tạo ra cơ chế nhập nhằng”.
Còn về quan điểm cho rằng thị trường chỉ có vàng trang sức, không còn vàng miếng do lo ngại tiêu tốn ngoại tệ quốc gia, chuyên gia Lê Đạt Chí cho rằng: “Ý kiến này chưa nhìn nhận đầy đủ”.
Ông Chí phân tích: Nắm giữ vàng miếng nhiều có thể dẫn đến phải nhập khẩu vàng, khi nhập khẩu vàng sẽ tiêu tốn nguồn ngoại tệ quốc gia. Tuy nhiên, nước ta cũng có xuất khẩu vàng, đây là kênh để thu được lượng ngoại tệ nhất định. Một thực tế là nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang cho vàng miếng lưu hành.
“Vì vậy, không nên chỉ nhìn vào nguồn ngoại tệ mà quy kết vàng miếng là tội đồ rồi xóa bỏ vàng miếng”, chuyên gia này nhấn mạnh thêm.
Về các tiêu chuẩn để được sản xuất vàng miếng, ông Chí cho rằng, ở nhiều quốc gia trên thế giới có một đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng trực thuộc NHTW, còn ở Việt Nam có nhiều đơn vị cùng sản xuất vàng miếng, dẫn đến bát nháo, lộn xộn.
“Việc Ngân hàng Nhà Nước bước đầu chỉnh đốn sản xuất theo hướng đưa các tiêu chuẩn khắt khe là cần thiết. Một tiêu chuẩn trong đó là thị phần 25%, nhưng nếu hạ xuống 20% hay 15% cũng, thì liệu cũng có mấy doanh nghiệp đạt được, khi mà với tiêu chuẩn thị phần 2% nhiều ý kiến nhận định đó là SJC. Còn các tiêu chuẩn vốn, thuế chỉ là góp phần. Tôi ủng hộ 1 đơn vị sản xuất, nhưng quan trọng là đơn vị sản xuất đó phải thuộc NHNN”, ông Chí nói thêm.
Trong cuộc trao đổi với P/V VTC News, chuyên gia Lê Đạt Chí bày tỏ băn khoăn về việc, liệu NHNN có cho phép tồn tại các thương hiệu hay chỉ là một thương hiệu duy nhất có thể là SJC như một số ý kiến dự đoán?.
Ông Chí cho rằng: “Nếu Ngân hàng Nhà Nước để duy nhất một thương hiệu vàng miếng trên thị trường cũng được. Bởi, lúc đó việc quản lý sẽ dễ dàng hơn”.
Trong khi đó, nhiều người dân đang nắm giữ vàng miếng không phải của thương hiệu SJC đã tỏ ra bình tĩnh hơn trước thông tin các thương hiệu khác vẫn có giá trị sau khi Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực.
Bà Năm Châu (Mỹ Đình - Hà Nội) cho biết: "Tôi thở phào sau khi nhận được thông tin trên. Tất nhiên, tôi vẫn chắc chắn từ trước là Nhà nước vẫn sẽ đảm bảo quyền lợi người dân. Vì không lẽ những miếng vàng chúng tôi đã mua không phải của SJC, mà không được lưu thông thì quá vô lý".
Anh Minh
vtc



Xem bài viết: Vàng miếng: Một "người" sản xuất, cả "họ" kinh doanh?