Doanh nghiệp bắt đầu chê thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán được xem là một kênh huy động vốn hữu hiệu cho doanh nghiệp, nhưng trong tình cảnh ảm đạm, chỉ số VN-Index trong năm nay đã sụt giảm đến hơn 22%, nhiều doanh nghiệp cho biết đã không còn mặn với việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán nữa.

Hoãn lên sàn vì sợ cổ phiếu xuống giá
Lãnh đạo Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến trong một cuộc trò chuyện cách đây 2 năm với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, cho biết sẽ tính toán chuyện lên sàn TPHCM vào năm ngoái (năm 2010), nhưng đến thời điểm này ông khẳng định chưa có ý định này.
Theo ông, nếu thị trường cứ đi xuống mỗi ngày thì doanh nghiệp có tốt đến mấy cũng bị ảnh hưởng. Ông lo lắng là với giá cổ phiếu hiện nay của Việt Tiến được mua trên thị trường OTC khoảng 17.000 đồng/cổ phiếu thì khi lên sàn liệu có giữ được mức giá này? Như vậy, công ty dù làm ăn hiệu quả cũng bị định giá rẻ đi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Hanh, Giám đốc tài chính Công ty chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, cho biết đã nộp hồ sơ niêm yết vào ngày 5-7-2010 nhưng đến nay công ty vẫn chưa lên sàn. Theo ông Hanh, cổ đông của công ty cho rằng năm nay chưa phải là thời điểm thích hợp để đưa cổ phiếu lên sàn, do thị trường chứng khoán diễn biến chưa tốt.
Con số doanh nghiệp mới niêm yết cổ phiếu trên cả 2 sàn chứng khoán năm nay đã giảm rất mạnh so với năm trước. Theo bà Trần Anh Đào, Giám đốc Phòng niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, trong năm 2009 sàn TPHCM có trên 80 công ty niêm yết mới, thì con số của năm nay cho đến thời điểm này chỉ mới có 26 công ty. Sàn TPHCM hiện có 162 hồ sơ đã được chấp thuận về nguyên tắc, nhiều hổ sơ được chấp thuận từ đầu năm nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa chịu niêm yết.
Còn tại sàn Hà Nội, số công ty niêm yết mới trong năm nay là 29 công ty, trong khi con số của năm ngoái cao gần gấp 4 lần với 113 công ty. Cũng như sàn TPHCM, sàn Hà Nội cũng có nhiều công ty đã đăng ký từ đầu năm nhưng đến nay vẫn chưa niêm yết.
Ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc tài chính Công ty chứng khoán Bản Việt, nói rằng năm nay Bản Việt chỉ tư vấn niêm yết cho khoảng 2 doanh nghiệp, ít hơn nhiều so với năm ngoái. Ông Hoàn cũng cho rằng nhiều doanh nghiệp đã tính lên sàn và liên hệ với công ty ông để tư vấn niêm yết, nhưng khi thị trường đi xuống thì đã ngưng lại. Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của các công ty chứng khoán. Hiện tại các thương vụ tư vấn niêm yết không còn mang lại nguồn thu lớn như mọi năm.
… và không huy động được vốn
Trong năm 2009, 2010, khi khó tiếp cận với kênh vay vốn từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã chọn con đường huy động qua thị trường chứng khoán. Phương cách này được nhiều công ty bất động sản thực hiện nhất. Tuy vậy, việc làm này đã tỏ ra không còn hiệu quả khi thị trường liên tục đi xuống từ đầu năm. Đa phần các công ty khi phát hành tăng vốn đều chọn mức giá thấp nhất là 10.000 đồng/cổ phiếu, tuy vậy, hiện tại trên sàn TPHCM đã có gần 50% cổ phiếu dưới mệnh giá, và sàn Hà Nội con số này còn cao hơn với 64% thì việc phát hành hẳn nhiên khó thực hiện.
Mới đây, Công ty cổ phần nhà Việt Nam (NVN) vừa quyết định dừng phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu, theo thông tin công bố của công ty là do tình hình thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi. Giá cổ phiếu đã giảm xuống thấp hơn so với giá chào bán mà đại hôi đồng cổ đông đã thông qua. Vì thế, nếu tiếp tục triển khai thì đợt phát hành sẽ không thành công. Cụ thể, công ty dự định phát hành bằng mệnh giá, nhưng giá cổ phiếu khi Hội đồng quản trị công bố thông tin này vào ngày 14-11 thì chỉ còn 9.200 đồng/cổ phiếu và đến hôm nay chỉ còn 8.600 đồng.
Cổ phiếu của Công ty thép Đà Nẵng (DNS) hiện chỉ còn giao dịch với giá 6.200 đồng/cổ phiếu, nhưng giá bán ưu đãi tỷ lệ 2:1 cho cổ đông dự định là 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 12-12 sẽ bắt đều thời hạn đóng tiền mua cổ phiếu. Tuy vậy, không biết đến lúc đó, giá cổ phiếu trên sàn có cao hơn 10.000 đồng hay không, còn nếu cao hơn thì phương án phát hành cổ phiếu của DNS sẽ khó khả thi.
Theo số liệu của Ủy ban chứng khoán, 6 tháng đầu năm, huy động vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng đạt 6.431 tỉ đồng (tính theo phương án nêu trong bản cáo bạch). Con số này chỉ bằng xấp xỉ 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, một trong các kênh gọi vốn hiệu quả trong những tháng ngày chứng khoán còn hưng thịnh xem như đã khép lại với doanh nghiệp.
Đến thời điểm này, đã có nhiều công ty xin ý kiến của cổ đông để hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy vậy, bà Anh Đào cho biết vẫn chưa nhận được hồ sơ xin hủy của công ty nào. Lý do chính mà các công ty đưa ra vẫn là giá cổ phiếu xuống nhanh, thị trường chưa có dấu hiệu hồi phục, khả năng huy động vốn rất khó; trong khi chi phí dành cho công tác thay đổi quy trình quản trị, công bố thông tin theo quy định lại không nhỏ, vì vậy nếu hủy niêm yết sẽ có khả năng hãm “phanh” mất giá của cổ phiếu.
Người ở ngoài ngần ngại không muốn vào, nhiều người ở trong cũng rục rịch rút ra. Nói như một tổng giám đốc công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đối diện với sự mất niềm tin trầm trọng của nhà đầu tư, của chính các công ty đang niêm yết. Đây có lẽ là lúc thị trường cần một cú hích thật sự để có thể tiếp tục là điểm đến của doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả và là nơi huy động vốn cho nền kinh tế.
Thanh Thương
tbktsg



Xem bài viết: Doanh nghiệp bắt đầu chê thị trường chứng khoán