Khi cổ đông nội bộ “xả hàng”

Cùng với việc công bố kết quả kinh doanh quý 3/2009 khá khả quan, hàng loạt các cổ đông nội bộ của các công ty niêm yết cũng đồng loạt đăng ký bán cổ phiếu. Chuyện tưởng như bất thường này lại là chuyện không mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam và đang diễn ra ngày càng phổ biến.

Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thống kê cho thấy, chỉ trong vòng hơn 20 ngày đầu tháng 10, số lượng đăng ký bán của các cổ đông nội bộ lên đến hơn 10 triệu đơn vị, nhiều nhất từ trước đến nay. Người ít thì bán một vài nghìn cổ phiếu, người nhiều có khi lên tới cả triệu.

Cổ đông nội bộ ở đây gồm những người chủ chốt, người có liên quan tại công ty niêm yết và có cả những cổ đông lớn ngồi ở ghế hội đồng quản trị công ty. Hơn ai hết, họ là những người hiểu và nắm rõ thông tin về doanh nghiệp nhất.

Nếu họ bán cổ phiếu khi có thông tin tốt như vậy sẽ không khỏi khiến các cổ đông khác cũng như các nhà đầu tư đặt câu hỏi: phải chăng đằng sau những con số báo cáo lung linh kia, ẩn chứa những rủi ro?

Theo như bản công bố thông tin được phát ra thì việc bán ra của các cổ đông đặc biệt này đều chung chung như: cơ cấu lại danh mục đầu tư (đối với cổ đông là tổ chức), hoặc giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân (nếu cổ đông là cá nhân).

Những trường hợp bán ra nhiều nhất trong tháng 10 này phải kể tới như: Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (mã PVX-HNX) đăng ký bán ra hơn 2,5 triệu cổ phiếu PVE để giảm tỷ lệ nắm giữ tại PVE từ 73,43% xuống còn 40,48%; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đăng ký 3 lần bán hết toàn bộ 1.734.000 cổ phiếu tại Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Cạn (mã BKC-HNX) và đã bán hết 734.000 cổ phiếu. SCIC cũng đăng ký bán hết 500.000 cổ phiếu DPC của Công ty Cổ phần Nhựa Đà Nẵng.

Tại hai sở giao dịch chứng khoán, những thông báo về việc cổ đông nội bộ bán ra liên tục được cập nhật hàng ngày. Càng ở những doanh nghiệp công bố lãi, kết quả kinh doanh khả quan, đã có kế hoạch tăng vốn, chia thưởng cổ phiếu, giá cổ phiếu tăng trần liên tục, thì càng có nhiều thành viên hội đồng quản trị hoặc người nhà của ban lãnh đạo đăng ký bán.

Chẳng hạn như trường hợp Công ty Cổ phần Sông Đà 9.06 (mã S96-HNX), sau khi có nghị quyết về việc phát hành tăng vốn điều lệ từ 25 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng để huy động vốn thực hiện các dự án (trong đó, giá bán cho cán bộ nhân viên là 10.000 đồng/cổ phiếu; cổ đông hiện hữu sở hữu 20 cổ phiếu được mua 59 cổ phiếu theo mệnh giá), giá cổ phiếu S96 đã tăng trần nhiều phiên liên tiếp và doanh nghiệp này đã phải giải trình hai lần với HNX (ngày 6 và 14/10).

Đáng chú ý là trong thời gian trên, các cổ đông nội bộ như kế toán trưởng, thành viên ban kiểm soát, cổ đông lớn... đều đăng ký bán một khối lượng lớn cổ phiếu.

Hoặc như các trường hợp khác: tổng giám đốc và 2 phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sông Đà 11 (mã SJE-HNX), đều đăng ký bán hết lần lượt 6.500 cổ phiếu, 12.525 cổ phiếu và 6.500 cổ phiếu; Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sông Đà 9.01 (mã S91-HNX), đăng ký bán 10.000 cổ phiếu trong số 10.200 cổ phiếu nắm giữ, thành viên hội đồng quản trị công ty này cũng đăng ký bán hết 4.000 cổ phiếu; phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần hàng hải Sài Gòn (mã SHC-HNX) đã bán hết 6.000 cổ phiếu nắm giữ...

Trường hợp khác, vợ của uỷ viên hội đồng quản trị kiêm giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Việt Nam (mã VNI-HOSE) đăng ký bán ra 50.000 cổ phiếu từ ngày 5/10/2009 đến 5/1/2010, sau khi đã bán xong 74.000 cổ phiếu từ ngày 22/9 đến 30/9/2009.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh, trong năm 2008 VNI đã đạt 29,303 tỷ đồng tổng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 1,131 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 830 triệu đồng, dự kiến 2009 lợi nhuận tối thiểu mà công ty đạt được là 500 triệu đồng...

Theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán, việc đăng ký bán cổ phiếu một cách “cấp tập” của nhiều cổ đông nội bộ cũng sẽ tác động ít nhiều tới giá của cổ phiếu. Nó sẽ làm cho nhiều người cảm thấy e ngại khi đầu tư vào công ty, nhất là đối với những công ty mà cổ đông nội bộ nắm giữ ít hoặc đều đã bán hết cổ phiếu nắm giữ.

Bởi nếu những người chủ chốt của doanh nghiệp đó không muốn sở hữu cổ phiếu thì cũng sẽ rất khó nói là họ có dành hết tâm huyết cho doanh nghiệp hay không. Nhưng có những trường hợp tổ chức bán ra trong lúc thị trường thuận lợi, giá cổ phiếu cao, sẽ mang về một khoản lợi nhuận đáng kể.

“Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư mới tham gia thì cũng nên hết sức thận trọng với những mã mà cổ đông nội bộ bán nhiều, bởi lẽ, báo cáo kinh doanh quý 3 của doanh nghiệp, dù có được công bố tương đối khả quan nhưng đó vẫn là những báo cáo chưa được kiểm toán. Nhà đầu tư cũng nên lưu ý đến bài học năm 2008 khi mà các báo cáo quý của doanh nghiệp công khai đều cho kết quả kinh doanh không xấu nhưng đến khi kết thúc năm, kết quả lại rất xấu”, chuyên gia chứng khoán nhận xét.

Khi thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, rất nhiều công ty niêm yết có được lợi nhuận khả quan, thì việc nhiều cổ đông nội bộ có xu hướng bán ra cũng dễ hiểu, dù với lý do để thu lợi nhuận, cấu trúc lại danh mục đầu tư hay giải quyết việc cá nhân.

Điều đáng nói ở đây, theo Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, đó là, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ mục đích bán ra của các cổ đông đó và rất có thể, việc bán ra đó có liên quan tới sự thay đổi về nhân sự, hoặc kế hoạch sản xuất, kinh doanh hay triển vọng phát triển của công ty thời gian tới.

Nguồn: http://vfinance.vn/

Linkgốc:http://vfinance.vn/m13/sm21/n17857/c...g%E2%80%9D.htm